Dự thảo quy hoạch điện VIII đang trình Chính phủ với kịch bản điều hành cao, công suất đặt điện gió ngoài khơi đến năm 2030 khoảng 7.000 MW. Nhưng các nhà đầu tư cho biết vẫn chờ đợi một cơ chế rõ ràng, chắc chắn, để vững tâm trong các quyết định đầu tư ở Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T, thách thức lớn nhất hiện nay là chính sách chưa rõ ràng.
Bà chia sẻ, phải sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương mới tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư... Hiện, Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.
"Khung chính sách, lộ trình xây dựng, cơ chế giá cho các dự án điện gió ngoài khơi đến nay chưa được chuẩn bị, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng", bà Bình nói tại hội thảo Lộ trình hiện thực hoá điện gió ngoài khơi vừa tổ chức.
Thường một dự án điện gió ngoài khơi từ lúc chuẩn bị tới xây dựng, vận hành thương mại khoảng 6-9 năm, nhà đầu tư bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư nên sẽ là rủi ro lớn nếu cơ chế không rõ ràng.
"Mục tiêu đến năm 2030 có 7.000 MW điện gió ngoài khơi, nhưng triển khai thế nào, lộ trình, hợp đồng mua bán điện ra sao chưa rõ. Nếu không có sự đảm bảo nhất định, sẽ rất khó để thực hiện được", ông Stuart Livesay, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió La Gàn, băn khoăn.
Nhưng, theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, chính sách không phải là điểm nghẽn duy nhất trong phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, mà là giá và lưới điện.
"Lưới điện Việt Nam hiện nay "bội thực" về năng lượng tái tạo. Hệ thống lưới điện Việt Nam lại độc lập, không liên kết với khu vực như EU hay Bắc Mỹ, nên có thêm "món ăn" mới vào cũng không thể tiêu hoá hết được", ông ví von.
Do đó, khi các dự án điện gió ngoài khơi hoàn thiện, lưới điện sẵn sàng để truyền tải công suất, truyền tải được bao nhiêu... khi việc đầu tư lưới để đáp ứng yêu cầu truyền tải đến năm 2030 cũng là con số lớn.
Ông Thịnh cho rằng, muốn tăng đầu tư vào lưới điện cần đi đôi với giá điện. Với giá mua điện năng lượng tái tạo hiện cao hơn giá bán ra của EVN, ông bình luận, "rất khó cho doanh nghiệp có nguồn đầu tư trở lại vào lưới điện". Luật Điện lực vừa sửa đổi đã cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, song tới giờ vẫn chưa có cơ chế cụ thể hoá chủ trương này.
Ngoài ra, cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi cũng được các nhà đầu tư nhận diện là thách thức. Giá FIT cố định đã hết hiệu lực từ cuối tháng 10/2021, Bộ Công Thương đang dự thảo, lấy ý kiến về cơ chế đấu thầu giá cho năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình băn khoăn, nếu áp dụng ngay đấu thầu cho các dự án điện gió ngoài khơi có thể sẽ rủi ro cho cả nhà đầu tư, lẫn mục tiêu phát triển của Quy hoạch điện VIII.
"Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực đầu tư còn rất mới với Việt Nam, một số nhà đầu tư chỉ tham gia hoạt động theo hướng "phát triển dự án". Vì thế, việc tham gia thầu (bỏ giá thầu) trong trường hợp này có thể dẫn đến tình trạng nhiễu thị trường và sau đó là bỏ thầu..", đại diện T&T lo ngại.
Ông Mark Hutchinson, đại diện Hiệp hội Gió toàn cầu (GWEC) nói, không thị trường nào trên thế giới huy động được 3.000 MW điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu tiên qua đấu thầu giá.
Nêu kinh nghiệm từ các nền kinh tế đã phát triển điện gió ngoài khơi thành công như Anh, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), các nhà đầu tư đề xuất cần có giai đoạn chuyển tiếp trên cơ sở giá FIT, trước khi chuyển sang cơ chế đấu thầu. Chẳng hạn, nên kéo dài áp dụng giá FIT cho 4.000 GW đầu tiên trên thị trường, sau đó tiến tới đấu thầu ở 3.000 MW tiếp theo.
Đại diện GWEC cũng gợi ý chọn nhà đầu tư theo các tiêu chí về năng lực, tài chính, kinh ngiệm phát triển dự án điện gió ngoài khơi trước đó... mà không qua đấu thầu để cấp phép đầu tư, phát triển dự án ở Việt Nam. Việc này đảm bảo rút ngắn giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, các dự án có thể sớm được triển khai, vận hành trước 2030.
Về phía cơ quan làm chính sách, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho hay, trong giai đoạn đầu phát triển, khởi động và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhiều nước cũng dùng chính sách giá cố định hoặc lựa chọn nhà đầu tư.
Sự thiếu rõ ràng trong các chính sách và những rủi ro khác, theo các nhà đầu tư, sẽ dẫn đến gia tăng chi phí cho họ. Điều này ảnh hưởng đến giá điện, sự cạnh tranh, an ninh năng lượng.
Yếu tố nữa trong phát triển điện gió ngoài khơi được lưu ý, là an ninh quốc phòng. Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh đề xuất, cơ quan quản lý khảo sát thực địa, tham khảo kinh nghiệm thực tế phát triển điện gió ngoài khơi ở Đài Loan để "giải toả các lo lắng về an ninh quốc phòng, có chính sách cho điện gió ngoài khơi".
"Chúng ta rất cần làm một dự án thí điểm mang tính tiên phong, để từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra tiêu chí chọn nhà đầu tư, cơ chế đầu tư tốt nhất cho phát triển loại năng lượng mới này", ông nói.
Việc nhiều nhà đầu tư "xếp gạch" xin làm điện gió ngoài khơi cũng là một vấn đề.
"Điện gió ngoài khơi đang ở giai đoạn bắt đầu bùng nổ", ông Nguyễn Thanh Huyền, Cục Quản lý khai thác biển đảo (Bộ Tài nguyên & Môi trường) nhận xét, trước số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư xin cấp phép khảo sát vùng biển để phát triển điện gió ngoài khơi ngày càng tăng.
"Trước đây chỉ có 3 doanh nghiệp xin cấp phép, thực hiện việc đo đạc, khảo sát vùng biển, thì một năm rưỡi qua có đến 35 đơn vị nộp đơn xin cấp phép khảo sát biển ở 41 vị trí đo đạc", ông Huyền thông tin.
Điều này cũng được minh chứng qua số lượng dự án đăng ký, xin bổ sung quy hoạch vừa qua tại các địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phòng hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, tại khu vực Bắc Bộ (Quảng Ninh tới Quảng Trị) có 22 dự án được nhà đầu tư "xếp gạch", tổng công suất đặt khoảng 51.650 MW.
Còn tại khu vực miền Trung và Nam Bộ, cũng có 74 dự án điện gió ngoài khơi đăng ký, xin bổ sung vào quy hoạch, tổng công suất đặt 104.627 MW.
Dự án điện gió ngoài khơi đăng ký, xin bổ sung quy hoạch tại Bắc - Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ - Nam bộ:
Tỉnh | Số dự án | Công suất (MW) |
Quảng Ninh | 2 | 6.000 |
Hải Phòng | 5 | 16.200 |
Thái Bình | 2 | 3.700 |
Nam Định | 1 | 12.000 |
Thanh Hoá | 1 | 5.000 |
Hà Tĩnh | 2 | 1.050 |
Quảng Bình | 5 | 4.109 |
Quảng Trị | 4 | 3.600 |
Bình Định | 7 | 8.600 |
Phú Yên | 2 | 850 |
Ninh Thuận | 14 | 25.802 |
Bình Thuận | 10 | 30.200 |
Bà Rịa - Vũng Tàu | 6 | 3.760 |
Trà Vinh | 7 | 10.300 |
Sóc Trăng | 4 | 4.900 |
Bến Tre | 8 | 6.460 |
Bạc Liêu | 10 | 5.255 |
Cà Mau | 6 | 8.055 |
Tổng: | 96 | 156.286 |
Nguồn: Viện Năng lượng
Trong số này có địa phương chỉ có một dự án (như Nam Định, Thanh Hoá) nhưng đăng ký công suất 5.000 - 12.000 MW. "Một nhà đầu tư đăng ký hết công suất cả một tỉnh, vùng miền, khiến mất cơ hội cho các nhà đầu tư tốt khác", ông bình luận.
Tại nhiều cuộc họp trước đây, lãnh đạo Bộ Công Thương, Chính phủ đều khẳng định, quy hoạch điện VIII khó chiều lòng hết việc xin bổ sung quy hoạch của các nhà đầu tư.
Vì thế, dự thảo quy hoạch điện VIII đang trình Chính phủ "chốt" chỉ phát triển 7.000 MW điện gió ngoài khơi tới 2030, tập trung ở Bắc và Bắc Trung Bộ 4.000 MW, khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ là 3.000 MW.
Như vậy, đến năm 2030 khu vực Bắc - Bắc Trung Bộ được quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi với công suất lớn hơn phía Nam - nơi có hệ số công suất gió tốt hơn 4.200 giờ một năm.
Giải thích điều này, ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay, lý do chủ yếu liên quan tới giới hạn truyền tải liên miền. "Đầu tư mạnh điện gió ngoài khơi ở phía Nam sẽ dẫn tới việc cắt giảm công suất, gây thiệt hại cho nhà đầu tư do năng lực truyền tải hạn chế. Miền Bắc có hệ số công suất gió thấp hơn, nhưng có lợi thế trong truyền tải, nên được ưu tiên phát triển nhiều hơn", ông Cường đánh giá.
Anh Minh