'Fryderyk Chopin: Cuộc đời và thời đại' là câu chuyện tiểu sử của nhà soạn nhạc đại tài Fryderyk Chopin - Ảnh: TRẦN MẶC
Ấn bản tiếng Việt của Fryderyk Chopin: Cuộc đời và thời đại vừa ra mắt độc giả vào tối 11-6 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (quận 3, TP.HCM). Chương trình do Công ty cổ phần sách Omega Plus phối hợp cùng Saigon Classical tổ chức, với hai phần chính: giao lưu, giới thiệu quyển sách và chương trình hòa nhạc Fryderyk Chopin: Cuộc đời và thời đại.
Cuốn sách là câu chuyện tiểu sử của nhà soạn nhạc đại tài Fryderyk Chopin dưới một góc nhìn chi tiết và bao quát từ tác giả Alan Walker. Đây là tác phẩm nối tiếp sau các cuốn tiểu sử viết về Mozart, Beethoven, nằm trong Tủ sách âm nhạc của Omega Plus.
Vì khoảng cách địa lý, Alan Walker không thể xuất hiện trong buổi ra mắt sách tại Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả đã gửi lời chào đến độc giả bằng một video được ghi hình từ Canada.
Alan Walker gửi lời chào độc giả Việt Nam thông qua video - Ảnh: TRẦN MẶC
Alan Walker chia sẻ sự yêu thích đặc biệt của ông dành cho âm nhạc của Chopin bắt nguồn từ thời thơ ấu lớn lên tại một thị trấn công nghiệp ở Anh. Sau khi học và chơi được vài tác phẩm của Chopin, ông phát hiện ra một chuyện làm thay đổi cuộc đời mình. "Đó là tôi không thể sống nếu thiếu âm nhạc của nhà soạn nhạc ấy”.
Vì tình yêu đó, ông thực hiện hành trình hơn 10 năm nghiên cứu, đi qua tất cả những địa điểm mà Chopin để lại dấu vết của mình, từ Warsaw, Paris, London cho đến New York, Washington DC.
Hành trình hơn 10 năm gói gọn trong hơn 800 trang sách. Có thể nói, đây là cuốn tiểu sử toàn diện nhất về nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan tính đến nay, đồng thời là một cuốn tiểu sử hiệu đính, xóa tan nhiều huyền thoại và truyền thuyết vẫn tiếp tục bao quanh Chopin.
“Tôi hy vọng câu chữ của tôi sẽ được độc giả đón nhận. Không nhiều người biết về cuộc sống thường ngày của Chopin dù nó ảnh hưởng vô cùng đáng kể đến âm nhạc của ông. Trước đây với thể loại tiểu sử, những chi tiết kỳ ảo thường che lấp đi sự thật. Sự thật không quan trọng bằng việc kể nên một câu chuyện hay.
Tôi biết rằng để viết một cuốn tiểu sử mới về Chopin, tôi phải đến rất nhiều địa điểm nơi Chopin để lại dấu vết của mình, từ Ba Lan, Pháp, đến Majorca và Vương quốc Anh. Tôi thích gọi việc này là “viết tiểu sử theo phong cách của địa lý” - một cách an toàn hơn để viết thay vì ngồi tại nhà và tưởng tượng ra mọi thứ” - tác giả chia sẻ.
Buổi ra mắt sách có sự xuất hiện của nghệ sĩ piano Hazel Nguyen và tiến sĩ Trần Kiều Lại Thủy - Ảnh: TRẦN MẶC
Không chỉ riêng những người chơi nhạc, quyển sách còn có giá trị nghiên cứu và tìm hiểu cho bất kỳ độc giả nào muốn có cái nhìn chi tiết về cuộc đời của Chopin. Bởi lẽ, tuy đã hai thế kỷ trôi qua, những âm hưởng lãng mạn mà Fryderyk Chopin để lại cho đời vẫn còn ngân vang mãi, thấm đượm vào từng trang sách.
“Khi đọc những quyển sách tiểu sử khác, tôi thấy khô khan vì mang nhiều chất lịch sử, phần lớn là liệt kê các sự kiện về cuộc đời của họ. Nhưng khi đọc Fryderyk Chopin: Cuộc đời và thời đại, tôi có cảm giác như đang đọc một cuốn tiểu thuyết. Giọng kể của tác giả rất thu hút, gần gũi, không quá phức tạp" - nghệ sĩ piano Hazel Nguyen chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Kiều Lại Thủy - giảng viên âm nhạc học và lịch sử âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM - cũng cho rằng những người nghiên cứu hoặc đàn piano nên đọc quyển sách để biết được hoàn cảnh ra đời đằng sau mỗi tác phẩm. Từ đó, khi biểu diễn có thể biết được cần phải thể hiện và truyền tải cho khán giả cảm xúc của bản nhạc như thế nào.
Alan Walker sinh năm 1930 tại Anh, là một nhà nghiên cứu về âm nhạc, giáo sư danh sự của Đại học McMaster, Hamilton, Ontario. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm bộ tiểu sử ba tập về Franz Liszt đã nhận được nhiều giải thưởng.
Fryderyk Chopin: Cuộc đời và thời đại sẽ được phát hành toàn quốc vào ngày 20-6. Quyển sách xuất bản lần đầu vào năm 2018. Sau đó được tái bản vào năm 2019. Ấn bản tiếng Việt được dịch từ lần tái bản 2019 với những phần cập nhật từ chính tác giả và các học giả Ba Lan cho nghiên cứu của Alan Walker.
TTO - Xây dựng thói quen đọc sách vẫn cần được bắt đầu trong cái nôi gia đình? Tiếp nối các ý kiến về chủ đề "Xây dựng thói quen đọc sách của người Việt", Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của GS Huỳnh Văn Sơn từ trải nghiệm chính bản thân ông.