Thành phố Thủ Đức có vị trí địa lý và giao thông rất thuận lợi để phát triển logistics khi sở hữu cơ sở hạ tầng logistics, có mạng lưới giao thông kết nối cao với khu vực miền Đông Nam Bộ và các vùng lân cận.
Nhiều tiềm năng phát triển logistics
Theo định hướng phát triển đến năm 2030, hệ thống logistics tại thành phố Thủ Đức gồm 4 trung tâm: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung và Trung tâm logistics Khu công nghệ cao.
Trên địa bàn hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề dịch vụ vận tải, kho bãi tập trung chủ yếu tại các phường: Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Trường Thọ, Linh Trung, Phú Hữu, Long Bình và phường Phước Long A. Khu vực này được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, thành phố Thủ Đức còn sở hữu cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam – cảng Cát Lái.
Với vai trò là nhà khai thác cảng biển, cung cấp các dịch vụ khai thác cảng, kho bãi, … Ông Trịnh Quang Tuấn, Phó Phòng Kế hoạch thị trường Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn khẳng định thành phố Thủ Đức có rất nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics như: đất đai lớn, nhân lực trình độ cao và sở hữu cảng lớn có thể tập trung được các hãng tàu lớn.
Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh nhận định, thành phố Thủ Đức có vị trí địa lý đắc địa, kết nối giao thông với hai cảng hàng không là Long Thành và Tân Sơn Nhất và đặc biệt là kết tuyến đường vành đai 3 trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khu vực này còn sở hữu hệ thống giao thông đường thủy từ Cái Mép – Thị Vải qua sông Đồng Nai về cảng Cát Lái.
“Nơi đây hội ngộ được đường bộ, đường thủy và đường hàng không, là một vị trí vô cùng đắc địa. Cho nên việc phát triển logistics ở đây là đương nhiên.” – Bà Phương nhấn mạnh.
Thành phố Thủ Đức đang phát triển hệ thống logistics phục vụ công tác xuất nhập khẩu cho khu vực Đông Nam Bộ như cụm cảng cạn (ICD) là địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, kết nối vận chuyển đường bộ và đường thủy, cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics giữa các doanh nghiệp Xuất nhập khẩu – Cảng biển – Các khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Quy hoạch logistics từ hạ tầng giao thông
Dù sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển logistics, thế nhưng vấn đề kết nối, hạ tầng giao thông vẫn chưa phát triển tương xứng, tạo nên những điểm nghẽn cản trở việc phát triển của ngành dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố.
Kết nối hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương và vùng (ảnh minh họa)
Bà Kiều Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh chia sẻ: “Việc xuất nhập khẩu hàng hóa của công ty, sau khi các hãng tàu áp dụng công nghệ 4.0, hiện tại xử lý thông tin rất nhanh. Tuy nhiên, về mặt hạ tầng của thành phố thì đường sá vẫn còn hay kẹt xe và điều này làm cho trì trệ cho vấn đề lưu thông hàng hóa và ảnh hưởng đến chi phí vận tải, thời gian của doanh nghiệp. Nhiều khi kẹt xe 1-2 ngày có thể trễ tàu, ảnh hưởng đến toàn bộ chuyến hàng, giao hàng của doanh nghiệp.”
Bà Phương còn cho biết, việc lưu thông hàng hóa bằng đường bộ không mang lại hiệu quả cao như phương thức đường thủy hay đường sắt. Một phần là do vận chuyển bằng đường thủy hay đường sắt được nhiều hàng hóa hơn, tiết kiệm nhân công. Bên cạnh đó, giảm gánh nặng về giải phóng mặt bằng và xây đựng đường sá.
Trong Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức và đặc biệt đối với Quy hoạch ngành logistics trên địa bàn thành phố Thủ Đức tới đây, phát triển các tuyến đường kết nối và hạ tầng giao thông sẽ rất được chú trọng nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương của doanh nghiệp.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Để cùng đồng hành với sự phát triển của chính quyền địa phương thì các doanh nghiệp cũng cần phải có những động thái, là phải sử dụng chung những hệ thống, nhưng data, dữ liệu, những thiết bị. Còn hiện nay, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam có thói quan sử dụng các dịch vụ logistics đơn lẻ, và phải hiểu rằng khi chúng ta tập trung số lượng càng nhiều, chi phí càng thấp đi. Bên cạnh đó, về phía chính quyền Thủ Đức cần phải có đề xuất mạnh mẽ, phát triển ngay lập tức 4 trung tâm logistic tại địa phương mà TP HCM đã quy hoạch, thì chúng ta có thể giải quyết nạn ùn tắc giao thông cũng như quá tải của cảng Cát Lái hiện tại.”
TP. Hồ Chí Minh xác định, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiến độ xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối thành phố với các tỉnh thành phía Nam, thúc đẩy vận tải hàng hóa bằng đường thủy và đường sắt, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức đến các trung tâm logistics.
Theo Nguyễn Quang
Diễn đàn Doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.12113340121602202-gnohk-oas-iat-cud-uht-pt-iat-scitsigol-mat-gnurt-neirt-tahp/nv.zibefac