Nguyễn Bá Nguyên được mọi người chú ý bởi những video, hình ảnh đăng tải trên trang cá nhân về cuộc sống hoang dã của bản thân ở đảo ngọc Phú Quốc. Ở đó, anh sống tự do, dành nhiều thời gian cho việc lặn biển, chế biến hải sản và thưởng thức.
Bỏ tự tại, thực hiện những dự định còn ấp ủ
Để có được cuộc sống “vô lo” như thế, Bá Nguyên đã từ bỏ tấm bằng thạc sĩ để đến với đam mê lặn biển. Khi lên đại học, anh bắt đầu sắm bộ đồ lặn biển chuyên nghiệp và súng bắn cá. Ở Séc không có biển, luật đánh bắt lại gắt gao, nên anh thường bay sang những quốc gia khác như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Na Uy để thỏa đam mê.
Anh cũng có dịp đến Phú Quốc để trải nghiệm khi gia đình hiện tại vẫn đang sinh sống ở đây. Chính thiên nhiên trù phú ở Phú Quốc là thứ giữ chân Bá Nguyên. Từ đó, anh đến Phú Quốc thường xuyên hơn. Dần dần anh không còn mặn mà với công việc ở châu Âu mà chỉ muốn đắm mình xuống biển mặn. Cuối cùng, anh từ bỏ sự nghiệp tại trời Âu.
Dù là một người đi nhiều, đi khắp nơi nhưng Bá Nguyên đã dừng chân ở Phú Quốc khá lâu bởi say đắm vẻ hoang sơ ở đây. Tuy vậy, anh vẫn mong mình có cơ hội được đi đến những vùng đất mới. “Khi nào dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, tôi sẽ thực hiện những dự định còn đang ấp ủ”, chàng thợ lặn bày tỏ.
Chia sẻ về quyết định này, anh cho biết, bản thân không thích hợp với công việc “làm công ăn lương” mà không thể phát triển bản thân. Vì thế năm 2021, khi đã có thể tự do tài chính, Bá Nguyên quyết định “nghỉ hưu sớm” để theo đuổi đam mê, giải phóng bản thân.
Từ bỏ cả sự nghiệp đối với người khác có lẽ là khó khăn, nhưng đối với Bá Nguyên, anh đưa ra quyết định mà không do dự. Anh cũng chia sẻ, để có thể dễ dàng chọn lựa như thế, người lựa chọn sống hoang dã như anh phải có những nguồn thu thụ động và tự do tài chính, số tiền trong quỹ “tự do tài chính” không chỉ đủ chi trả ở Việt Nam mà phải là ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Anh Nguyên thong thả: “Bây giờ, mỗi ngày tôi không cần phải làm bất cứ công việc gì cả bởi đã có khoản tiền “về hưu”, ngoài ra những số tiền đầu tư cũng đã bắt đầu tự sinh lời.” Anh Nguyên cũng cho biết thêm, để sống cuộc đời hoang dã như anh không dễ dàng. Bởi, sống hoang dã nhưng lại phải được trả bằng những chi phí rất đắt đỏ.
Để có thể đi những chuyến tới đảo hoang thì giá vé máy bay là giá “trên trời” , bởi những chuyến bay này không thường xuyên. Để đến được những quốc đảo xa xôi phải di chuyển bằng nhiều phương tiện. Ngoài ra, giá xăng dầu ở những đất nước khác cũng chênh lệch rất nhiều so với Việt Nam. Như vậy, một chuyến đi mà anh Nguyên lên kế hoạch có chi phí dao động trung bình từ 60-70 triệu đến 100 triệu.
Đây là những điểm rất ít người tới, những hòn đảo mà nhìn trên bản đồ không ai để ý nhưng nó rất đẹp, đẹp một vẻ hoang dã. Nguyên chia sẻ: “Người ta cứ nói mấy trăm triệu có thể làm việc này, nghỉ dưỡng ở chỗ kia đẹp hơn. Nhưng không ai hiểu thứ quý giá ở đây là vẻ đẹp hoang sơ.”
Anh Nguyên cũng chia sẻ những kinh nghiệm thú vị về việc du lịch ở các đảo ít người. Ở nơi đó, đảo là của riêng họ, muốn lặn xuống biển phải xin phép. “Biển ở đấy như cái tủ lạnh của riêng người ta. Không thể nào vào nhà người ta, mở tủ lạnh, muốn ăn gì thì ăn được.” Trong những hoàn cảnh đó, muốn được tiếp tục ở lại, những người ngoại đạo chỉ còn cách trao đổi.
Thường, Nguyên hay mang theo thuốc lào hoặc thuốc lá để tặng cho người bản địa. Hoặc nếu người ta thiếu thốn những đồ vật hiện đại như thuốc men, lưỡi câu cá, sách vở, quần áo thì Nguyên cũng chuẩn bị sẵn để dễ dàng trao đổi. Một cái áo đổi lấy một con tôm hùm, hay mấy quyển vở đổi được chỗ trú qua đêm. Đây là những kỹ năng mà Bá Nguyên đúc kết được, những điều mà không một tạp chí hay cẩm nang du lịch nào chỉ dẫn.
Lời khuyên của chàng trai sống hoang dã dành cho những bạn trẻ có niềm đam mê với lối sống này là hãy cứ giữ vững niềm đam mê ấy. Những vấn đề như tài chính, kỹ năng là chuyện sau này. Nguyên chia sẻ, ngày xưa anh cũng không bao giờ nghĩ mình có thể được đi, được sống một cuộc sống như trên TV. Nhưng cứ giữ sở thích ấy, trải nghiệm 1-2 lần, sẽ có cách để theo đuổi đam mê ấy.
Phải lòng Phú Quốc
Trở lại Phú Quốc, Bá Nguyên như phải lòng nơi này. Một tuần anh đi lặn 3-4 lần, có lần đi cùng tàu, có lúc đi một mình. Lặn biển là một bộ môn không dễ dàng, nhiều nguy hiểm tiềm tàng. Dòng chảy mạnh, hướng ngược xuống, đẩy từ trên xuống, khi người lặn hết hơi mà gặp dòng chảy này thì cực kì nguy hiểm, vì chỉ cần 10 đến 15 giây là đã quá trễ. Ở Việt Nam, những dòng chảy như vậy thì hiếm nhưng ở nước ngoài, như Bali, thì có nhiều. Bali trông có vẻ lãng mạn nhưng dưới biển lại rất sâu và nguy hiểm, không phải ai cũng có thể lặn ở đó.
Ngoài ra anh Nguyên còn gặp những trường hợp như bị cá nhồng cắn, chảy máu và để lại sẹo. Khi lặn biển, anh luôn chuẩn bị dao gấp, đề phòng những trường hợp nguy cấp như bị mắc vào lưới. Năm ngoài anh đạt được cột mốc là nín thở ở dưới nước 3 phút ở độ sâu 90m.
Sau khi săn được hải sản, anh Nguyên sẽ đem lên bờ và trực tiếp chế biến. Có món thì nướng, có cá thì làm sashimi - một món ăn kiểu Nhật yêu thích của Bá Nguyên. Cái thú vui của người sống hoang dã là được chế biến hải sản ngay trên bờ biển. Săn bắn được cá thì phải nấu được nó. Nếu như đem về nhà nấu thì không được gọi là hoang dã. Nấu ra được món ngon ở trên bãi biển như thế này thì nó không dễ.
Tưởng tượng như mình phải mang ra cả cái bếp ra bãi biển để chế biến, phải làm ra được đống lửa, rồi từ đống lửa phải có cái bàn nướng con cá. Muốn làm sashimi thì còn phải mang theo đá, ngoài ra còn phải có dao, nĩa và gia vị. Cái quan trọng thứ hai là phải kiểm soát được nhiệt độ của lửa.
Anh Nguyên lập một kênh YouTube để truyền cảm hứng không chỉ đến các bạn trẻ có đam mê lối sống hoang dã mà còn để cổ vũ mọi người tìm hiểu về biển, đặc biệt là biển Phú Quốc. Thông qua những video xanh mướt về một cuộc ngỡ như mơ ở đảo Ngọc, Bá Nguyên mong rằng mọi người có thể hạn chế rác thải nhựa và quan tâm đến việc bảo tồn biển để đảo Phú Quốc có thể giữ nguyên được nét hoang sơ như thuở hồng hoang của nó.
https://soha.vn/chang-thac-si-tu-bo-chau-au-tro-ve-phu-quoc-hoa-minh-va-dam-chim-vao-thien-nhien-hoang-da-20220610220009048.htmTheo Diễm Hạnh
Trí thức trẻ