Bất chấp việc các lực lượng chức năng liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, những ổ nhóm “tín dụng đen” vẫn đang có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật phức tạp trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an, sau thời gian nới lỏng giãn cách, mở cửa các hoạt động kinh tế, xã hội (từ tháng 10/2021), tội phạm “tín dụng đen” diễn biến phức tạp trở lại từ tháng 4/2022.
Theo Cục Cảnh sát Hình sự, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng hoạt động từ các đô thị lớn sang hoạt động lưu động tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn, nhắm đến các nhóm người yếu thế trong xã hội, có trình độ am hiểu pháp luật hạn chế. Bên cạnh đó là các nhóm người ý thức cảnh giác chưa cao, như người nghèo, nông dân, người dân tộc thiểu số, thanh thiếu niên, công nhân tại các khu công nghiệp, những người không đáp ứng các yêu cầu vay vốn của hệ thống ngân hàng…
Vụ án thi thể nam thanh niên trôi trên sông Mã, lực lượng chức năng đã bắt đối tượng Lê Văn Hoàng (áo xanh)
Mới đây nhất, vụ việc xảy ra tại xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong tháng 6/2022 đã gây xôn xao dư luận. Chỉ vì vay 5 triệu đồng theo hình thức cắt lãi và trả góp theo ngày mà một nam thanh niên đã bị sát hại, do không kịp trả tiền. Sau khi ra tay với nạn nhân, hung thủ Lê Văn Hoàng (SN 2004, Thanh Hóa) đã cho xác nạn nhân vào bao bố rồi thả trôi sông Mã.
Dù là hoạt động bất hợp pháp và đã có rất nhiều đối tượng bị bắt, nhưng tội phạm “tín dụng đen” vẫn bất chấp tất cả để hoạt động cho vay nặng lãi. Dẫn đến tình trạng này là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là bởi hoạt động cho vay nặng lãi mang lại biên độ thu lời bất chính rất cao, có thể lên đến 1000% một năm.
Trao đổi với VOV.VN, Đại úy Đoàn Văn Linh (cán bộ phòng Trọng án – Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an) cho biết: “Sau thời gian dịch Covid-19, người dân gặp nhiều khó khăn về tài chính, cần nhiều vốn để phục hồi sản xuất và trang trải sinh hoạt. Các đối tượng hoạt động cho vay lợi dụng tình trạng này để tiếp cận, mời chào các gói vay không cần thế chấp tài sản. Thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh và đáp ứng nhu cầu tâm lý cần tiền cấp bách của người dân. Ngoài ra, lợi nhuận bất chính từ hoạt động cho vay gấp rất nhiều lần so với các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác. Đối với các hoạt động kinh doanh bình thường thì lãi 20-30% một năm đã là thành công rồi. Tuy nhiên, các đối tượng cho vay nặng lãi có thể lãi trên 100%, đến 1000% một năm. Với lợi nhuận lớn như vậy, các đối tượng bất chấp tất cả các thủ đoạn để thu lời bất chính từ hoạt động cho vay”.
Cũng theo Đại úy Đoàn Văn Linh, thời gian gần đây biến tướng của “tín dụng đen” đã trở thành các app trên không gian mạng. Bên cạnh các ứng dụng, website cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, hiện nay đã xuất hiện nhiều ứng dụng, website giả, nhái, sử dụng tên gọi, logo, giao diện… giống hoặc gần giống các ứng dụng của ngân hàng chính thống, ứng dụng không rõ nguồn gốc do đơn vị chủ quản là người nước ngoài. Hiện nay có khoảng 200 ứng dụng cho vay trực tuyến.
Đại úy Đoàn Văn Linh (cán bộ phòng Trọng án – Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an)
Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… có thể bị sử dụng vào các mục đích trái pháp luật.
Trên thực tế, khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tiền tại ngân hàng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Nói về các biện pháp ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” trong thời gian tới, Đại úy Đoàn Văn Linh cho biết: “Để giải quyết vấn đề này, đầu tiên chúng ta phải hoàn thiện các quy định của pháp luật. Đến nay, nhiều quy định pháp luật về “tín dụng đen” đã được ban hành. Điển hình nhất là Luật Đầu tư sửa đổi năm 2021 đã cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bên cạnh đó là Nghị quyết 01/2021 của Hội đồng Thẩm phán, hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự; Nghị định 144/2021 của Chính phủ đều có những quy định rất cụ thể. Thứ hai là cần nâng cao ý thức của người dân, ý thức chấp hành pháp luật trong các hoạt động cho vay cũng như ý thức cảnh giác với các phương thức thủ đoạn để người dân tự bảo vệ.”
Bên cạnh đó, ngành Công an sẽ tăng cường chỉ đạo với công an các địa phương, triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội, siết chặt với các hoạt động kinh doanh cầm đồ; Tăng cường rà soát các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, nhất là sử dụng công nghệ cao, thành lập núp bóng doanh nghiệp… Qua đó áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời xử lý, trấn áp tội phạm “tín dụng đen”.
Theo Trọng Phú - Nguyễn Hiền
VOV
Xem thêm: nhc.85303742121602202-yl-ux-yat-hnam-es-na-gnoc-oc-tac-taus-ial-iov-yav-ohc-ned-gnud-nit/nv.zibefac