Bức vẽ bởi họa sĩ JC Rivera ở thành phố Chicago, bang Illinois - Ảnh: FLICKR
Đây là loại hình nghệ thuật biểu hiện rộng rãi ra toàn xã hội và bản thân tác phẩm có nhiều hình dạng: từ cách viết đơn giản về danh tính đến các biểu hiện nguệch ngoạc về phản đối chính trị, và cả những cảnh đẹp, phức tạp.
Mỹ tiên phong loại trừ graffiti
Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Mỹ và Úc, graffiti là bất hợp pháp và bị coi là hành vi phá hoại. Trong khi ở các quốc gia khác, nó được bảo tồn như một tác phẩm nghệ thuật.
Graffiti và nghệ thuật đường phố bị coi là hành vi vi phạm pháp luật ở hầu hết các thành phố trên khắp nước Mỹ.
Nghệ sĩ graffiti Sheefy McFly đã bị bắt tại thành phố Detroit, bang Michigan vào năm 2021 vì nghi ngờ có hành vi phá hoại, trong khi anh đang thực hiện một bức tranh tường do thành phố đặt. Vào thời điểm đó, McFly không mang theo giấy phép do thành phố cấp.
Chính quyền nhiều thành phố ở Mỹ đã đưa ra định nghĩa rất rõ ràng về graffiti, khẳng định đó là một hình thức phá hoại môi trường văn hóa. Nghệ sĩ graffiti Michael Stewart đã chết dưới bàn tay của cảnh sát thành phố New York vào năm 1983, sau khi anh bị cáo buộc vẽ tranh trên một ga tàu điện ngầm.
Hầu hết các thành phố ở Mỹ đều phạt người vẽ graffiti bằng tiền, làm công ích và thậm chí phải ngồi tù. New York và Detroit đánh giá thiệt hại tài chính từ vẽ tranh graffiti để xác định xem đây là tội nhẹ hay trọng tội. Ở New York, hình vẽ bậy gây thiệt hại tài sản trị giá hơn 250 USD được xếp vào trọng tội cấp E; nếu tài sản bị hư hỏng trị giá hơn 1.500 USD, nó trở thành trọng tội cấp D.
Bức vẽ Charles the First của họa sĩ Jean-Michel Basquiat - Ảnh: BẢO TÀNG GUGGEHEIM
Các thành phố ở Mỹ đã dành rất nhiều thời gian, tiền bạc và nỗ lực để xóa bỏ tranh graffiti khỏi đường phố của họ.
Liên minh nghệ thuật đường phố Portland, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ nghệ thuật đường phố ở thành phố Portland (bang Oregon), ước tính thành phố đã chi trung bình 2 - 5 triệu USD/năm cho các nỗ lực xóa và cắt bỏ hình vẽ trên tường.
Một số thành phố thậm chí còn đi xa hơn khi hạn chế quyền người dân tiếp cận với sơn phun trên toàn thành phố. New York, Portland và Los Angeles có luật đặc biệt quản lý việc bán sơn phun.
Nhiều thành phố phương Tây cũng áp dụng các hình phạt nghiêm khắc để hạn chế vẽ bậy trên đường phố. Trong giai đoạn 1998 - 2008, chiến dịch "Stop Töhryille" (Dừng vẽ tranh graffiti) do thủ đô Helsinki (Phần Lan) phát động đã áp dụng hình phạt không khoan nhượng nhằm loại bỏ hoàn toàn hiện tượng graffiti.
Theo đó, tất cả các hình vẽ graffiti và nghệ thuật đường phố đều bị cấm và nhiều người trẻ tuổi phạm tội đã phải nhận các bản án nghiêm khắc trước tòa, bao gồm cả án tù và nghĩa vụ phải bồi thường số tiền lớn cho hành vi phá hoại.
Và... vị nghệ thuật
Các phòng trưng bày trên khắp thế giới đã bán được tác phẩm của các nghệ sĩ graffiti. Các nhà đấu giá đang bán tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Banksy và Invader.
Trái ngược với hầu hết thành phố có quy định nghiêm khắc với graffiti, có một số nơi ở Mỹ lại là thiên đường cho loại hình nghệ thuật đường phố này, chẳng hạn như quận Wynwood của thành phố Miami, bang Florida. Nơi đây đã trở thành điểm thu hút khách du lịch bởi những bức tranh graffiti nổi tiếng.
Vào năm 2016, Đại học Warwick (Anh) đã thực hiện một nghiên cứu tham khảo chéo các hình ảnh trên Flickr về nghệ thuật đường phố và giá trị tài sản ở London. Họ nhận thấy "giá bất động sản cao hơn khi trên tường có nhiều hình ảnh nghệ thuật (graffiti)".
Bên cạnh đó, cũng đã xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ graffiti. Các công ty sử dụng các bức tranh graffiti đã cố gắng lập luận rằng nghệ thuật đường phố là bất hợp pháp nên không có biện pháp bảo vệ bản quyền nào cho các nghệ sĩ.
Luật sư Jeff Gluck, người chuyên về luật sở hữu trí tuệ, cho rằng "một số công ty đang cố gắng phá hủy các biện pháp bảo vệ nghệ thuật đường phố và graffiti".
Ông Gluck đại diện cho 4 nghệ sĩ gần đây đã kiện Mercedes-Benz, sau khi hãng xe này đăng những hình ảnh có các bức tranh tường của họ lên Instagram.
Metro và graffiti
Xe lửa và tàu điện ngầm được coi là mục tiêu chính của các tác giả graffiti, kể từ khi nghệ thuật đường phố này bắt nguồn từ giới trẻ vào thập niên 1970 tại hai thành phố Philadelphia và New York của Mỹ.
Ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, việc vẽ graffiti trên xe lửa bắt đầu vào cuối thập niên 1980, sau khi một số bộ phim tài liệu về văn hóa hip-hop của Bắc Mỹ được chiếu ở nước này.
Các họa sĩ chuyên vẽ graffiti trên toàn cầu đã xác định rằng tàu điện ngầm Helsinki là một trong những hệ thống được quản lý chặt chẽ nhất, khiến việc vẽ ở đó rất khó. Do đó, tàu điện ngầm Helsinki được coi là một mục tiêu hấp dẫn và đầy thách thức.
Hơn nữa, graffiti đã được ghi nhận là một nền văn hóa của giới trẻ, lấy nam giới làm trung tâm. Điều này khiến tàu điện ngầm trở thành một không gian để thể hiện bản sắc siêu nam tính thông qua cuộc chiến giành không gian đô thị địa phương.
TT - Triển lãm graffiti và nghệ thuật đường phố với những tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng và bí mật Banksy đã thu hút lượng người xem kỷ lục đến Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Los Angeles (MOCA, Mỹ).
Xem thêm: mth.91904835121602202-tauht-ehgn-yah-iaoh-ahp-ioig-eht-nert-itiffarg-hnart-ev/nv.ertiout