vĐồng tin tức tài chính 365

'Room' tín dụng - chưa thể bỏ nhưng có thể làm khác

2022-06-13 08:18

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì trong suốt chục năm qua. Từ năm 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức hai chữ số, "room" tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát...

Tuy nhiên, khi ngành ngân hàng dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, việc duy trì cấp "room" cứng định kỳ 1-2 lần hằng năm như hiện nay liệu có cần thiết. Đây cũng là vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được chất vấn tại Quốc hội tuần qua.

Tại kỳ họp quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng cơ chế cấp hạn mức tín dụng hiện nay mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay. Không riêng đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia đều đánh giá việc cấp "room" kiểu mệnh lệnh hành chính như hiện nay có nhiều bất cập.

Dù chưa đến mùa cao điểm, tín dụng đến cuối tháng 5 năm nay đã tăng mạnh hơn 8% so với đầu năm. Hầu hết ngân hàng đã cạn "room" và vẫn phải chờ tín hiệu từ nhà điều hành. Câu chuyện về cấp room tín dụng vì thế lại càng trở nên nóng, trong bối cảnh doanh nghiệp cần vốn, gói hỗ trợ lãi suất 2% đã sẵn sàng nhưng ngân hàng lại không thể cho vay.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không công bố các tiêu chí để cấp "room" tín dụng. Nhà điều hành cho biết, ngân hàng nào có bộ đệm vốn tốt và chất lượng tài sản lành mạnh sẽ được giao chỉ tiêu rộng rãi hơn. Các ngân hàng cũng được nhà điều hành xếp hạng mức độ tín nhiệm thông qua một loại các chỉ tiêu về tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, dư nợ cho vay trung dài hạn trên vốn ngắn hạn... tại Thông tư 52 và Thông tư 52 sửa đổi.

Nhưng việc cấp "room" không chỉ dựa vào đó. Theo lãnh đạo một ngân hàng, đó chỉ là "tảng băng nổi" để đánh giá xem một ngân hàng được cấp hạn mức nhiều hay ít. Còn nhiều yếu tố khác bên cạnh mức độ tín nhiệm để một ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp "room". Việc Ngân hàng Nhà nước không công khai chi tiết những chỉ tiêu này ra bên ngoài, cũng có lý do nhạy cảm, xuất phát từ việc bảo vệ chính hình ảnh của ngân hàng thương mại, đặc biệt là những đơn vị hoạt động yếu kém.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy

Cho tới nay, việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng dựa trên cơ sở hay tiêu chí như thế nào vẫn là thắc mắc của nhiều chuyên gia. Nếu không có một bộ khung rõ ràng, một số ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ có "xin - cho" hay tiêu cực liên quan đến cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, cách mà Ngân hàng Nhà nước cấp "room" cũng đang được chuyên gia đánh giá là mang tính hành chính. Nhà điều hành giao chỉ tiêu cho từng ngân hàng vào đầu năm và sau đó việc nới "room" theo yêu cầu, được thực hiện định kỳ từ 1-2 lần vào đợt giữa hoặc cuối năm. Việc chờ Ngân hàng Nhà nước xem xét theo đợt cũng khiến một số nhà băng rơi vào thế kém chủ động trong việc giải ngân.

Tại kỳ họp gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất. Việc điều chỉnh trong năm theo ông cũng chưa linh hoạt, còn bị động. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề với Thống đốc nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.

Một trong những bất cập, theo lãnh đạo một số ngân hàng cổ phần, là nhiều cái tên vẫn có sân sau là doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc có dư nợ lớn ở những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BOT, bất động sản nhưng lại được cấp "room" nhiều. Bên cạnh đó, cơ chế cấp "room" hiện nay chưa thể hiện sự khuyến khích đủ đối với những ngân hàng có tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân cao - những lĩnh vực sẽ giúp kích cầu cho nền kinh tế và rủi ro thấp.

Việc cấp "room" tín dụng như hiện nay còn nhiều nhược điểm nhưng bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn khó để thực hiện "một sớm một chiều" tại Việt Nam.

Theo lý giải của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại phiên trả lời chất vấn, Việt Nam có đặc thù khi nguồn vốn kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Dư nợ tín dụng trên GDP hiện ở mức 24%, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nằm trong số nước có hệ số tín dụng ở mức cao nhất thế giới. Đây là lý do Ngân hàng Nhà nước vẫn phải giám sát chặt chẽ việc tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Phó tổng giám đốc một nhà băng thì chia sẻ về thế khó của Ngân hàng Nhà nước khi chưa thể bỏ công cụ "room" tín dụng. Việc để các tổ chức tín dụng tự do tăng trưởng theo lãnh đạo này sẽ gây ra nhiều hệ lụy khi độ minh bạch của các ngân hàng chưa cao. Trong khi đó, Việt Nam không có cơ chế cho ngân hàng phá sản, câu chuyện của các ngân hàng 0 đồng chưa xử lý được vẫn còn đó.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 8/6. Ảnh:Hoàng Phong

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 8/6. Ảnh:Hoàng Phong

Một lý do nữa, Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam hiện tại phải làm tròn hai vai - một là trách nhiệm của ngân hàng trung ương và hai là ở góc độ cơ quan trực thuộc Chính phủ được giao nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô theo định hướng.

"Một ngân hàng trung ương đa mục tiêu khiến họ phải dùng nhiều công cụ khác nhau, trong đó có công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng", một chuyên gia nói.

Trong bối cảnh chưa thể "gượng ép" bỏ cấp room tín dụng, các chuyên gia gợi ý Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt và uyển chuyển hơn thay vì cấp "room" bằng mệnh lệnh hành chính như hiện nay.

Ông Cấn Văn Lực - cố vấn cấp cao Chủ tịch Ngân hàng BIDV - đánh giávới lộ trình về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần bỏ cấp "room" tín dụng. Việc cấp "room" theo ông chỉ nên được coi là giải pháp tạm thời trong thời gian 1-2 năm nữa.

Trong giai đoạn vẫn tạm thời sử dụng công cụ này, theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục linh hoạt, xem xét cấp hạn mức cho ngân hàng theo từng tháng hoặc xem xét nới "room" cho từng ngân hàng ngay khi có yêu cầu, thay vì gom các yêu cầu lại vào một đợt rồi mới thực hiện. Điều này theo ông sẽ giúp các ngân hàng cho vay kịp thời và không bị gián đoạn trong hoạt động kinh doanh.

Ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh - chia sẻ, hiện rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ cấp room tín dụng như Việt Nam. Ông gợi ý Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua tiêu chuẩn về vốn theo Basel, kết hợp với công cụ quản lý ngân hàng hiện đại như kiểm tra định kỳ (Stress test). Theo ông, stress test vẫn tạo ra giới hạn tín dụng cho các ngân hàng nhưng trên cơ sở định lượng, khách quan và minh bạch hơn, ông khẳng định.

Theo ông Cấn Văn Lực, Ngân hàng Nhà nước có thể quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn CAR kèm theo điều kiện là kiểm soát được việc tăng vốn của các nhà băng là thực chất.

Việc bỏ "room" tín dụng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước bớt đi một trong các công cụ để kiểm soát cung tiền, lãi suất và lạm phát mục tiêu. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây vẫn là bước đi cần thiết và trong lộ trình Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiến tới định hướng hiện đại hóa hơn và tăng tính độc lập hơn so với Chính phủ.

Quỳnh Trang

Xem thêm: lmth.3505744-cahk-mal-eht-oc-gnuhn-ob-eht-auhc-gnud-nit-moor/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“'Room' tín dụng - chưa thể bỏ nhưng có thể làm khác”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools