Cháu bé (được chị L. sinh sau khi điều trị ung thư cổ tử cung) và ba - Ảnh: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Theo các bác sĩ, thông tin này đã mở ra hy vọng cho nhiều người phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Phương pháp mới có hiệu quả
Chị N.T.T.T., 39 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, kể hơn hai năm trước chị được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Khi đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã triển khai phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung mới là không cắt cổ tử cung tận gốc để những người phụ nữ trẻ, mong muốn sinh con vẫn có thể sinh con.
Khi bác sĩ tư vấn về phương pháp điều trị mới này, chị T. đã chọn ngay phương pháp này để nuôi hy vọng có thể sinh thêm một đứa con dù chị T. đã có một bé gái và một bé trai.
"Ai cũng nghĩ tôi chưa từng có con mới mong muốn có con đến vậy. Tuy nhiên, bác sĩ cũng tư vấn những người mắc bệnh, điều trị như tôi có tỉ lệ đậu thai thấp. Tôi không hy vọng quá nhiều nhưng tôi biết nếu có thêm một đứa con nữa gia đình tôi sẽ rất vui", chị T. chia sẻ.
Chỉ sau sáu tháng được phẫu thuật bảo tồn cổ tử cung, chị T. đã mang thai tự nhiên. Chị đến phòng mạch của bác sĩ trước đây (bác sĩ từng khám thai định kỳ cho hai bé trước của chị) nhưng chỉ nghe chị kể đã điều trị bệnh ung thư cổ tử cung, giờ có thai, bác sĩ này không dám nhận theo dõi thai cho chị mà khuyên chị nên đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM khám theo dõi.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, các bác sĩ sản khoa cũng đều chưa gặp trường hợp nào như chị, mắc bệnh ung thư cổ tử cung đã điều trị mà vẫn mang thai.
Các bác sĩ đều đánh giá trường hợp như chị nếu tiếp tục mang thai sẽ khó hơn những người phụ nữ mang thai bình thường khác, nguy cơ sẩy thai có thể đến bất cứ lúc nào. Sau khi kể ra hết những khó khăn có thể gặp trong quá trình mang thai, các bác sĩ đã hỏi chị có muốn tiếp tục giữ thai không?
"Thời gian đó, cả gia đình, bạn bè tôi đều khuyên tôi nên bỏ thai vì tôi đã có hai bé, sợ giữ thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tôi vẫn quyết giữ đứa con này. Khi thấy quyết tâm như vậy, bác sĩ nói sẽ làm hết sức để giữ con lại cho tôi", chị T. nhớ lại.
Trong thời gian chị T. mang thai, nhiều lần thai bị dọa sẩy, bác sĩ phải kê thuốc và chỉ định chị hạn chế đi lại. Đến khi thai lớn, bác sĩ phải đặt giá đỡ nhân tạo trong tử cung để giữ em bé, tránh bị tuột ra ngoài.
Bác sĩ theo dõi thai xem thai giữ được đến khi nào? Khi nào cần phải lấy ra? Những tháng gần sinh, bác sĩ phải đến tận nhà để theo dõi, chích thuốc cho chị...
Đến khi thai nhi được 35 tuần tuổi, chị T. bị vỡ ối, chị vào Bệnh viện Hạnh Phúc để mổ bắt con. Con trai chị ra đời vào ngày 4-4-2021 nặng 2,1kg. Mới ra đời con chị đã bị suy hô hấp nhưng đã được các bác sĩ nhi khoa chờ sẵn trước đó, cho con chị thở máy, nằm trong lồng kính. Chỉ năm ngày sau, cả hai mẹ con chị đã được xuất viện. Hiện con chị đã được 14 tháng tuổi, khỏe mạnh phát triển tốt.
Mới có 15 ca được điều trị theo phương pháp mới
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện Ung bướu đã điều trị cho 15 bệnh nhân mắc bệnh ung thư cổ tử cung bằng phương pháp điều trị mới này.
"Không phải trường hợp ung thư cổ tử cung nào cũng có thể điều trị theo phương pháp này mà phương pháp này đòi hỏi một số chỉ định nghiêm ngặt", bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Cụ thể, bệnh nhân phải được phát hiện bệnh từ rất sớm, từ giai đoạn 1 B1 khi kích thước của bướu còn nhỏ dưới 2cm, giai đoạn 1 B2 bướu có kích thước từ 2-4cm cũng không thể thực hiện được theo phương pháp này. Ngoài ra, bác sĩ phải xem người bệnh có đảm bảo được mức độ an toàn trong điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật phải đảm bảo không xâm lấn vào trong cổ tử cung, âm đạo, mạch máu, bệnh nhân không di căn hạch...
Trước khi bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này, bác sĩ đã phải tư vấn cho bệnh nhân rất kỹ vì bệnh nhân điều trị theo phương pháp này sẽ có tỉ lệ tái phát cao hơn so với những người cắt triệt để tử cung.
Dù còn khả năng sinh sản nhưng những bệnh nhân này sẽ có khả năng sinh sản thấp hơn, chỉ còn khoảng 50 - 60% khả năng thụ thai so với những người phụ nữ bình thường, thậm chí có thể sẩy thai liên tục, không có phôi thai...
Trong 15 ca được điều trị theo phương pháp này tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có chị Trang sinh con, hầu hết những trường hợp còn lại vẫn sợ bệnh có khả năng tái phát cao trong hai năm đầu nên thường không dám mang thai trong thời gian này.
Theo bác sĩ Tiến, điều trị theo phương pháp mới này là phẫu thuật bảo tồn tử cung, khó hơn nhiều so với phẫu thuật cắt tận gốc tử cung. Theo phương pháp này, các bác sĩ chỉ cắt cổ tử cung, sau đó lấy tử cung nối vào âm đạo, để tạo hình cho tinh trùng có đường vô tử cung và vẫn phải bảo tồn động mạch để nuôi tử cung...
Hiện nay, trên thế giới mới có vài trăm ca đã được điều trị ung thư cổ tử cung mà vẫn có con. Tại Đông Nam Á, mới có Singapore và Philippines báo cáo về những trường hợp tương tự.
Bác sĩ Tiến cũng cảnh báo bệnh nhân mắc bệnh ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa. Tại khoa ngoại 1 vẫn gặp không ít những trường hợp từ 20 - 30 tuổi mắc bệnh ung thư cổ tử cung trong khi thời gian trước đó rất hiếm gặp những bệnh nhân ở độ tuổi này.
Để phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung, phụ nữ đã có quan hệ tình dục từ 20 tuổi trở lên nên đi khám phụ khoa định kỳ từ 6 tháng - 1 năm/lần. Phát hiện sớm bệnh, ngoài khả năng điều trị hiệu quả còn đảm bảo chức năng sinh đẻ cho những phụ nữ mong muốn có con.
Với những bệnh nhân này sau khi đã có một con, bác sĩ sẽ khuyến cáo nên tiến hành cắt triệt để tử cung để tránh nguy cơ bị tái phát.
TTO - Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến ở phụ nữ nhưng lại phát triển âm thầm với các triệu chứng ban đầu mơ hồ, không rõ ràng…
Xem thêm: mth.83543201221602202-noc-hnis-eht-oc-nav-gnuc-ut-oc-uht-gnu-irt-ueid-uas-iuv-nit/nv.ertiout