Từ tháng 4/2015, Trần Đức Trung, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo (TTHTNN) trong phát triển nông thôn mới, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam và bà Lê Thị Hằng, nguyên Tổng giám đốc TTHTNN trong phát triển nông thôn Việt Nam và 4 đồng phạm khác đã lợi dụng danh nghĩa của Trung tâm, tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”.
Theo cáo buộc của cơ quan chức năng, các đối tượng đã đánh vào lòng tin của người dân, lấy danh nghĩa là giúp đỡ người nghèo để vận động mọi người tham gia đóng tiền ủng hộ với lời hứa sẽ được hưởng hỗ trợ với mức lợi nhuận cao, sau đó chiếm đoạt tài sản của những người tham gia.
Chính sách mà các đối tượng đưa ra là mỗi người tham gia đóng 1,2 triệu đồng, từ mã thứ 2 chỉ phải đóng 700.000 đồng và được hứa hẹn hỗ trợ từ 5,2- 5,7 triệu đồng (lợi nhuận từ 475%-814%).
Sau khi đóng tiền, người tham gia được nhận một sản phẩm hỗ trợ là thực phẩm chức năng hoặc phân vi sinh trị giá khoảng 150.000 đồng. Người giới thiệu cho người khác tham gia sẽ được hưởng 500.000 đồng…
Bằng những thủ đoạn trên các đối tượng đã lập được 26 điểm tư vấn, 6 nhóm thu tiền, thu của người tham gia tại 16 tỉnh, thành phố, sau đó chuyển về Trung tâm hỗ trợ người nghèo tổng cộng 148 tỉ đồng.
Sau khi phát hiện hành vi lừa đảo, phiên tòa xét xử các bị cáo đã diễn ra vào ngày 22/11/2019. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử Hội đồng xét xử nhận thấy vụ án còn thiếu lời khai của nhiều bị hại nên đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Sau quyết định trên Bộ Công an đã tiến hành điều tra và ra Kết luận điều tra bổ sung nhưng đến nay phiên tòa xét xử vẫn chưa được tiến hành.
Mong mỏi chờ ngày xử án
Tham gia từ tháng 6/2015 ông Bùi Văn Nghị (Hòa An, Thái Bình) từng là người bỏ ra 50 triệu đồng đưa cho bà Lê Thị Hằng để được làm trưởng văn phòng số 3 tỉnh Thái Bình. Một chức vụ không có lương, được hưởng hoa hồng 50.000 đồng nếu có người tham gia nhưng phải tự hoàn toàn chi trả chi phí vận hành của văn phòng.
Ông Nghị cho biết: “Giai đoạn tháng 6/2015, chúng tôi không ai nghĩ mình bị lừa, những người vào trước theo chính sách vẫn được trả tiền. Nhiều bà con kêu gọi con, cháu họ hàng tham gia vào chương trình hỗ trợ người nghèo. Rất nhiều người không nghèo cũng tham gia vào đây để ủng hộ những người kém may mắn hơn, nhằm mục đích xóa nghèo.
Lúc bấy giờ, khi ông Trung và bà Hằng về văn phòng ở các tỉnh được đón tiếp như “thánh nhân” vì đã giúp đỡ mọi người”.
Cuối năm 2015, khi biết được thông tin chương trình có dấu hiệu lừa đảo thông qua báo đài, người dân đã không tham gia và cũng làm đơn trình báo với cơ quan công an và giao nộp toàn bộ hóa đơn và các chứng cứ liên quan.
“Khi Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam mới thu hồi và quyết định giải thể Trung tâm Hỗ trợ người nghèo là thời điểm chúng tôi biết mình bị lừa và các văn phòng cũng đóng cửa”, ông Nghị bày tỏ.
Giai đoạn từ 2016 đến 2019, người dân cũng đã được mời lên cơ quan chức năng để lấy lời khai, và dự phiên tòa xét xử đã được mở vào ngày 21/11/2019.
Cũng tham gia chương trình từ những ngày đầu ông Phạm Huy Thân (Vụ Bản, Nam Định) cho biết: “Tòa án Nhân dân Tp.Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng do thiếu nhân chứng nên quyết định hoãn phiên tòa để tiếp tục điều tra.
Từ đó đến nay đã 3 năm, trừ khoảng thời gian dịch bệnh và thu thập chứng cứ, phóa toàn án vẫn chưa tiến hành phiên xét xử. Trong quá trình đó, mọi lời khai, chứng cứ về phía người dân chúng tôi đã cung cấp đầy đủ cho phía công an và Viện kiểm sát”.
Vì nghe theo tiếng gọi giúp đỡ người nghèo, nhiều người thậm chí vay tiền, mời những người thân trong gia đình để tham gia vào quỹ này. Đến nay, những người dân bị hại rất mong muốn tòa án tiếp tục xét xử để sớm trả lại số tiền đã mất của bà con.
Nhiều lần lặn lội đi kêu cửa quan
Cuối năm 2020, sau thời gian sau chờ đợi và không có thông tin từ phía toàn án người dân đã có đơn đề nghị sớm đưa vụ án ra xét xử nhưng cũng không nhận lại được câu trả lời thỏa đáng.
Là người trực tiếp đi kêu cửa quan, bà Phạm Thị Yến (Đông La, Thái Bình) bày tỏ: “Sau khi hoãn xét xử, chúng tôi đã nhiều lần lên Tòa án Nhân dân Tp.Hà Nội đề nghị xét xử tiếp, nhưng từ ngày đó đến nay đi lại rất nhiều nhưng chưa thấy phản hồi của phía tòa án. Ngoài ra cũng có gọi điện thoại bàn đến tòa nhưng các cán bộ ở đó báo rằng chúng tôi tiếp tục chờ đợi.
Tòa xét xử đúng 3 tiếng đồng hồ và kết thúc bằng câu vì thiếu nhân sự nên tạm hoãn khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, vì lầm lỡ, nhẹ dạ cả tin mà mất tiền nên rất cần các cơ quan pháp luật sớm lấy lại công bằng”.
Trao đổi với Người Đưa tin về thời hạn đưa ra xét xử của một vụ án hình sự, Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh, Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng phòng Văn phòng Luật sư Vạn Bảo cho biết: “Theo quy định tại Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thời hạn để tòa án chuẩn bị xét xử được tính trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án,
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định như đưa vụ án ra xét xử; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án”
Bà Quỳnh cũng thông tin thêm, đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
Hoa Trà - Trọng Tùng