Cùng nhịp với diễn biến đỏ lửa của thị trường chứng khoán quốc tế, thịt trờng Việt Nam mở phiên đầu tuần ngày 13/6 trong sắc đỏ. Trước đó, thị trường tuần vừa qua 6-10/6 cũng đã điều chỉnh giảm 4 điểm sau thời gian tăng tốc.
Tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng nặng nề trước những biến động tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới khi lạm phát Mỹ đạt đỉnh. VN-Index đã có thời điểm đạt 1.300 điểm song nhanh chóng mất điểm tựa chỉ sau 2 ngày giữ được mốc này, thanh khoản thị trường cũng không có nhiều đột biến.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/6, sắc đỏ đã bao trùm hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu khiến chỉ số VN-Index mất 33 điểm ngay khi mở cửa phiên ATO. Những nhóm ngành có đợt hồi phục mạnh vừa qua như dầu khí, thủy sản, phân bón, dệt may, bán lẻ... đều lao dốc. Toàn bộ các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đều giảm giá và tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư.
Đà giảm của các chỉ số tiếp tục bị nới rộng sau 30 phút đầu phiên sáng khi áp lực bán bị đẩy lên mức cao. Trong đó, nhóm bán lẻ biến động tiêu cực với việc FRT, DGW, PNJ và PET đều bị kéo xuống mức giá sàn, MWG giảm 6,6%... Bên cạnh đó, các mã dệt may cũng bị kéo xuống mức giá sàn. Kết phiên sáng, VN-Index giảm 41,97 điểm, tương ứng 3,27% về mốc 1.242,11 điểm.
Mở cửa phiên chiều, biên độ rơi của thị trường tiếp tục bị nới rộng. Tất cả các nhóm cổ phiếu đều ghi nhận giảm điểm. Dù thị trường giảm sâu, lực cầu bắt đáy vẫn không tham gia mạnh. Nhiều cổ phiếu bị lực bán ép về mức giá sàn. Lực bán tháo càng về cuối phiên lại càng mạnh, lệnh bán đẩy liên tục khiến dư bán giá sàn xuất hiện ở hầu hết nhóm cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 57,04 điểm, tương ứng 4,44% xuống 1.227,04 điểm. Toàn sàn có 38 mã tăng, 458 mã giảm (162 mã giảm sàn) và 16 mã đứng giá. HNX-Index giảm 18,07 điểm, tương ứng 5,9% xuống 288,37 điểm. Toàn sàn có 17 mã tăng, 215 mã giảm (59 mã giảm sàn) và 12 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 3,19 điểm, tương ứng 3,4% xuống 90,53 điểm. Nhóm cổ phiếu trụ VN30 giảm tới gần 65 điểm, tương ứng 4,8%. Nhóm VN30 có tới 29 mã giảm giá và trong đó có 7 mã giảm sàn.
Nhóm này chỉ có duy nhất một mã tăng giá là POW. Cổ phiếu ngành sản xuất điện trở thành điểm sáng nhất cho thị trường. Ngoài POW, NT2, VHS… cũng tăng hơn 3%, KHP tăng 2,3%...
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng là một trong những mã có tác động tiêu cực nhất lên diễn biến của chỉ số. Một số mã thuộc nhóm này nằm trong top kéo đà rơi của thị trường là VPB, BID, CTG. Trong đó, BID giảm 5,4%, còn VPB, CTG, LPB, MSB, OCB, TPB, VIB… đều giảm sàn.
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng điều chỉnh mạnh như VHM của Vinhomes giảm 3,3% về 66.000 đồng/cổ phiếu hay MSN của Masan Group mất 6,8% còn 109.000 đồng/cổ phiếu và có thời điểm bị bán với giá sàn. MSN là mã tác động xấu nhất đến phiên giao dịch hôm nay. Ngoài ra, thị giá VNM của Vinamilk giảm hơn 4%.
Tại nhóm thép, cổ phiếu đại diện là HPG của Hóa Phát giảm 5,3%. NKG, POM, HSG… đều giảm sàn. Nhóm bất động sản, xây dựng cũng diễn biến không khả quan khi VCG, NLG, HDC, APH, CII, DXG... đồng loạt chuyển màu xanh lơ.
Nhóm xuất khẩu như thủy sản và dệt may cũng chìm trong tiêu cực dù thời gian vừa rồi đây là các mã biến động ngược đà giảm của thị trường, các mã ACL, IDI, VHC, CMX, FMC… giảm sàn, TCM, STK đều có lúc giảm sát giá sàn và kết phiên cũng giảm trên 2%. Cổ phiếu phân bón giảm 5-7%, đơn cử DPM, DCM, BFC, LAS… giảm sàn.
Cổ phiếu đầu cơ cũng trong tình trạng bán tháo. Nhóm 3 cổ phiếu họ FLC Group có giao dịch phiên sáng là ART, KLF, AMD đều giảm sát giá sàn. FLC, HAI, ROS cũng giảm sàn trong phiên chiều. Họ Louis ghi nhận TGG, BII giảm sàn. Họ Apec có APS cũng giảm sàn. Nhóm cổ phiếu liên quan Nhựa Đồng Nai có HUT của Tasco, NVT giảm sàn, JVC giảm sát giá sàn. Hay bộ đôi DIG, CEO kết phiên cũng đã giảm hết biên độ. HQC cũng chuyển màu xanh lơ.
Việc bán tháo cổ phiếu lại góp phần làm thanh khoản cải thiện. Thanh khoản thị trường ngày 13/6 tăng so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 20.990 tỷ đồng, tăng 9,9%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 14% lên 17.766 tỷ đồng.
Khối ngoại giải ngân 1.336 tỷ đồng nhưng lại bán ra 1.521 tỷ đồng. Tính chung, trong ngày 13/6, khối ngoại bán ròng 185 tỷ đồng. Cổ phiếu quỹ FUEVFVND bị bán mạnh nhất 245 tỷ đồng. Nhiều mã khác bị bán trị giá từ 20-50 tỷ đồng như DGC, SSI, VCB, VIC, CTG VNM, KDC… Mã được mua mạnh là GAS 70 tỷ đồng, GMD 57 tỷ đồng, DCM 51,94 tỷ đồng, MSN 47 tỷ đồng.