Thời gian gần đây các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mức giảm khoảng 20 - 30% so với dự báo thời điểm đầu năm.
Trước bối cảnh khó khăn của thế giới, Việt Nam cần có chiến lược ứng phó như thế nào để đảm bảo tăng trưởng. Đây là chủ đề được giới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế thảo luận tại Hội thảo "Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và Chiến lược của Việt Nam" do Đại học UEH Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đồng tổ chức.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra dự báo mới nhất rằng GDP toàn cầu tăng 3% trong năm nay do ảnh hưởng vì xung đột chính trị, giảm mạnh so với mức 4,5% tổ chức này đưa ra trước đó. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết dự kiến tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Dù vậy, các chuyên gia tại hội thảo đánh giá, qua 5 tháng đầu năm, các cân đối vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chính sách tài khoá và tiền tệ của Việt Nam phát huy hiệu quả. Đánh giá của IMF cho thấy, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Cần mô hình phù hợp giám sát thị trường vốn. Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Đại học Bristol, Anh cho hay: "Đến lúc này tôi thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam là hợp lý. Nó đang duy trì ở một trạng thái đủ cân bằng. Điều chúng ta có thể làm là duy trì chính sách tiền tệ ở mức độ không quá nới lỏng nhưng cũng không quá chặt chẽ. Không tạo ra những bong bóng tài sản nhưng cũng không vội vã đề ra những chính sách điều chỉnh ngay lúc này mà đợi xem những diễn biến của thị trường quốc tế".
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, theo giới chuyên gia, việc sớm hoàn thiện chấn chỉnh và lành mạnh hoá các thị trường quan trọng như thị trường vốn có ý nghĩa tiên quyết.
Chẳng hạn như thị trường trái phiếu vừa qua xảy ra sai phạm làm bộc lộ bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển của kênh huy động vốn quan trọng này. Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bản chất là cần thay đổi cách mô hình giám sát để chuẩn hoá thị trường.
Giới chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo nhận định để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần giải được bài toán có 4 ẩn số đó là: Đảm bảo tăng trưởng GDP; kiểm soát lạm phát; giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.1333934131602202-nov-gnourt-iht-tas-maig-poh-uhp-hnih-om-nac/et-hnik/nv.vtv