Tiền mặt đang dần biến ít phổ biến ở các nước châu Âu - Ảnh: REUTERS
Không dùng tiền mặt từ 2024
Thụy Điển, quốc gia đầu tiên phát hành tiền mặt ở châu Âu nhiều thế kỷ trước, có thể trở thành nước đầu tiên loại bỏ tiền mặt hoàn toàn từ năm 2024. Quốc gia bắc Âu này hiện có tỉ lệ 32 máy rút tiền ATM cho mỗi 100.000 dân, 98% dân số có thẻ ngân hàng và là nước dẫn đầu về thanh toán di động.
Quốc gia có khả năng vượt Thụy Điển để trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên không dùng tiền mặt là Na Uy với gần hết dân số có thẻ ngân hàng và sử dụng ứng dụng di động để thanh toán. Số liệu năm 2021 cho thấy chỉ còn dưới 3% giao dịch tại Na Uy bằng tiền mặt.
Một quốc gia bắc Âu khác là Phần Lan, dữ liệu cho thấy dự báo rằng nước này không còn tiền mặt vào năm 2029 là có cơ sở. Trị giá giao dịch không tiền mặt tại Phần Lan đạt 50 tỉ euro vào năm 2018 và có thể lên đến 60 tỉ euro vào năm 2022.
Theo giới quan sát, điều làm nên sự khác biệt tại các quốc gia này là sự tin tưởng của người dân vào chính phủ và các tổ chức tài chính, sự phổ cập tin học của dân chúng, đặc biệt là các nhóm cao tuổi, cũng như sự chủ động của các ngân hàng trong việc chuyển đổi.
Tương tự, tại Phần Lan, thị trường thanh toán bằng thẻ tăng 7,7% và việc sử dụng ứng dụng thanh toán trở nên quen thuộc với hầu hết dân chúng. Điều thú vị là Phần Lan cũng dẫn đầu về thanh toán qua điện thoại thông minh, chiếm hơn 1/3 giao dịch khắp châu Âu, theo trang FinTech Magazine.
Anh cũng là một trong những nước ngày càng ít sử dụng tiền mặt, đặc biệt trong thời gian đại dịch. Tổ chức UK Finance cho thấy thanh toán tiền mặt tại nước này giảm đến 35% trong năm 2020 và 79% người trưởng thành giao dịch trực tuyến.
Trên New York Times, du khách Mỹ Andrew Dodson, 35 tuổi, kể lại "trục trặc" khi anh và vợ đến Anh chơi mới đây: dù cố gắng đến mấy họ cũng không thể xài số tiền mặt mang theo. Khắp nơi họ đến đều yêu cầu trả bằng thẻ.
"Nhiều nơi thậm chí không chấp nhận tiền mặt. Cuối chuyến đi, chúng tôi ăn tối một bữa thịnh soạn tại một nhà hàng Ấn Độ với hy vọng xài hết số tiền, nhưng họ bảo không thanh toán tiền mặt", anh Dodson nói.
Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng như vậy. Đức vẫn là quốc gia yêu thích tiền mặt dù khuynh hướng đang dần thay đổi, trong khi các nước như Tây Ban Nha, Pháp sử dụng song song tiền mặt lẫn thanh toán di động.
Xu hướng bền vững
Trung Quốc triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2020 - Ảnh: Global Times
Theo giới phân tích, xu hướng chi trả bằng thẻ, ứng dụng điện thoại là một xu hướng bền vững trong nhiều năm qua tại châu Âu cũng như châu Á. "Mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi xài thẻ nhựa hoặc mã QR, ứng dụng thanh toán di động hơn là tiền mặt", nhà phân tích Matt Schulz của công ty cho vay trực tuyến LendingTree nhận định.
Xu hướng này có sự khác biệt ở mỗi quốc gia, đặc biệt là qua đại dịch COVID-19. "Nhiều nước đã hướng tới không tiền mặt từ lâu trước đại dịch, nhưng COVID-19 làm tăng việc thanh toán không tiếp xúc thông qua mã QR", Jenny Ly, người Mỹ, nói khi kể về hàng loạt bảng "không chấp nhận tiền mặt" trong chuyến đi Nam Phi của mình. Tại một số nước như Malaysia, việc thanh toán không tiền mặt sẽ dễ dàng trong các thành phố lớn như Kuala Lumpur nhưng ở các vùng ngoại ô lại là chuyện khác.
Tại châu Á, Trung Quốc được đánh giá là một nước có khả năng tiến tới thanh toán không tiền mặt trong vài năm tới. Nước này triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2020 và sau hai năm giá trị giao dịch đã lên đến 13,68 tỉ USD.
Tuy nhiên, thanh toán không tiền mặt cũng tiềm ẩn những rủi ro như dữ liệu thanh toán của người dùng bị theo dõi, và các mã độc có thể xâm nhập vào các ví điện tử khi người dùng thanh toán bằng hình thức như quét mã QR. Ngoài ra, một xã hội không tiền mặt cũng có thể khiến nhiều nhóm người dễ bị tổn thương bị gạt qua bền lề.
TTO - Thương mại điện tử và kinh tế kỹ thuật số sẽ là ưu tiên của Singapore, khi nước này giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018.
Xem thêm: mth.31605836131602202-tam-neit-gnohk-ioh-ax-ned-nad-gnad-ua-uahc-coun-ueihn/nv.ertiout