Chiều 13-6, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết EU vừa thông báo những thay đổi về biện pháp kiểm soát thực phẩm nhập khẩu vào EU, hiệu lực áp dụng từ ngày 3-7.
Theo đó, EU đã loại trừ các sản phẩm bún, miến, phở Việt Nam ra khỏi danh mục quy định yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương cấp khi xuất khẩu.
Mì ăn liền (mì gói) trong thành phần có chứa gia vị, nguyên liệu, phụ gia khác và thanh long tươi có nguồn gốc từ Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì quy định phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
EU đánh giá 2 mặt hàng trên còn nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm và tần suất các lô hàng bị cảnh báo chưa có nhiều cải thiện. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, EU tiếp tục có 10 cảnh báo mì ăn liền vi phạm về ethylene oxide (EO), thanh long tươi cũng có 2 cảnh báo về thuốc bảo vệ thực vật.
Bún, phở khô của một doanh nghiệp xuất khẩu sang EU bị vướng vì ethylene oxide
Về tần suất kiểm tra một số nông sản Việt Nam, EU vẫn giữ tần suất kiểm tra 50% đối với mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà, đậu bắp và ớt thuộc giống Capsicum.
Vào tháng 8 năm ngoái, liên tục rộ lên thông tin một số lô mì ăn liền từ Việt Nam bị EU phát hiện vi phạm chỉ tiêu ethylene oxide nên phải tiến hành thu hồi.
Từ ngày 6-1-2022, EU yêu cầu các lô mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam phải có thêm chứng nhận an toàn thực phẩm; tần suất kiểm tra là 20%. Quy định này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu bún, miến, phở khô vạ lây vì bị xếp cùng danh mục trong khi rủi ro nhiễm ethylene oxide nằm ở gói gia vị và 1 số nguyên phụ liệu khác.