vĐồng tin tức tài chính 365

Phi toàn cầu hóa - bài kiểm tra năng lực của WTO

2022-06-14 07:06

Từ 12-15/6, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tiến hành cuộc họp cấp bộ trưởng để bàn đến một số xu hướng manh nha của phi toàn cầu hóa. Chúng bao gồm các vấn đề liên quan đến bằng sáng chế vaccine Covid-19, trợ cấp đánh bắt cá và lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu tăng cao.

Nhưng câu hỏi lớn hơn đặt ra trong cuộc họp là liệu WTO có thể tạo dựng được sự hợp tác quốc tế vào thời điểm mà nhiều cuộc khủng hoảng và xích mích ngày càng gia tăng, đang làm xáo trộn trật tự thế giới hay không.

Những cuộc khủng hoảng đó đã thúc đẩy việc nghĩ lại về toàn cầu hóa trên diện rộng. Các quốc gia ngày càng hướng trọng tâm kinh tế của mình vào bên trong, tìm cách bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp của chính họ, thay vì hệ thống thương mại mở mà WTO đã thiết kế.

Nếu WTO không thể đạt được sự đồng thuận về những kết quả thậm chí còn thấp như nới lỏng trợ cấp đánh bắt cá và duy trì lệnh cấm thuế thương mại điện tử, rất ít hy vọng tổ chức này có thể giải quyết được các thách thức hơn như góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hoặc củng cố hệ thống lương thực khi nạn đói toàn cầu tăng vọt, theo Politico.

"Đó là lý do đây là thời kỳ quan trọng với hệ thống này", Rufus Yerxa, Cựu phó tổng giám đốc WTO, hiện làm việc cho công ty tư vấn thương mại quốc tế McLarty Associates, bình luận. Theo ông, nếu các vai trò của WTO bị loại bỏ thì khó đạt được các mục tiêu lớn trong tương lai.

Logo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 28/9/2021. Ảnh: Reuters

Logo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 28/9/2021. Ảnh: Reuters

"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải coi WTO là một phần của giải pháp cho các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đồng thời đang phải đối mặt trên thế giới", Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nói. "Tất cả những khủng hoảng này diễn ra cùng lúc mà không một quốc gia nào trên thế giới có thể giải quyết được. Bạn cần chủ nghĩa đa phương. Bạn cần sự hợp tác quốc tế", bà nói thêm.

Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng gần đây như Covid-19 và chiến sự Ukraine đã khiến toàn cầu chia rẽ hơn. Các quốc gia giàu có nhanh chóng sản xuất vaccine và các quốc gia thu nhập thấp thì không. Phương Tây ra sức cô lập Nga. Phần còn lại của thế giới cũng đang có lập trường mâu thuẫn, xung đột hơn. Các cuộc khủng hoảng cũng đã làm gia tăng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, theo các mô hình thương mại và quản trị rất khác nhau.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần mô tả sự ganh đua đó như một trận chiến. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ủng hộ một mô hình kinh tế mới, tập trung vào sự hợp tác với các quốc gia "thân thiện" với nhau.

Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala tuần qua cảnh báo việc chia tách các nền kinh tế và chuỗi cung ứng của thế giới thành các khối chính trị sẽ gây ra những hậu quả tai hại. Trước đó, WTO ước tính việc chia thế giới thành hai khối kinh tế sẽ làm giảm 5% GDP toàn cầu trong dài hạn.

"Đó là một con số khá ấn tượng. Tôi muốn chúng ta cẩn thận. Hệ thống thương mại đa phương này được xây dựng hơn 75 năm. Nó đã giúp hơn một tỷ người thoát khỏi đói nghèo. Nó mang lại hòa bình thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau", bà Okonjo-Iweala nói.

Nhiều phái đoàn từ chối gặp đại diện Nga trong cuộc họp của WTO. Tuy nhiên, tổ chức này kỳ vọng vẫn đạt các thỏa thuận đề ra vì các nhà đàm phán đã nghĩ ra nhiều cách để giải quyết trở ngại đó trong vài tháng qua.

"Không nghi ngờ gì nữa, sẽ có một số căng thẳng trong các cuộc họp. Hy vọng điều này sẽ không ngăn cản chúng tôi thực hiện công việc của mình", bà Okonjo-Iweala nói.

Theo Rufus Yerxa, thách thức lớn nhất của WTO hiện là làm cho các chính phủ nhận ra rằng chủ nghĩa phân cực sẽ không khiến nội chính của họ tốt hơn về lâu dài mà còn khiến bất ổn gia tăng.

WTO có 164 thành viên. Tại tổ chức này, căng thẳng Mỹ - Trung bộc phát trong các cuộc đàm phán về vaccine Covid-19, trong đó Mỹ muốn loại Bắc Kinh khỏi việc thỏa thuận về việc sản xuất các phiên bản dùng chung vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer. Washington cũng đang vận động các nước đồng ý về một điều khoản yêu cầu các thành viên WTO báo cáo hàng năm về những gì họ biết về việc sử dụng lao động ép buộc trong lĩnh vực thủy sản.

Trong khi đó, Ấn Độ theo đuổi trong một số cuộc đàm phán có thể cản trở nỗ lực đạt được thỏa thuận. Một trong những yêu cầu của họ có thể dẫn đến việc chấm dứt lệnh cấm 24 năm về việc thu thuế với hàng hóa kỹ thuật số như phim, phần mềm và trò chơi điện tử.

Các thành viên khác cũng đấu tranh về việc hiện đại hóa các quy tắc cơ bản của WTO. Hầu hết quốc gia ủng hộ một tuyên bố cải cách WTO "tinh gọn" bao gồm ba yếu tố: công nhận sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu cải cách, quy trình phải minh bạch và bao trùm, và sự cần thiết phải giải quyết lợi ích của tất cả thành viên.

Tuy nhiên, Ấn Độ và một số thành viên khác ủng hộ một quá trình cải cách đa phương chặt chẽ, mang tính quy định hơn để có thể sửa đổi được Hiệp định Marrakesh thành lập WTO. "Đó là một chương trình nghị sự đi ngược và lật lại những gì chúng ta đã đàm phán cách đây 30 năm", một quan chức WTO nói.

Sự bất đồng đó càng cho thấy tổ chức này khó đạt được tiến bộ tới mức nào trong một thể chế đòi hỏi sự nhất trí hoàn toàn để hoạt động, và tại sao các thành viên như Mỹ và EU ngày càng thích các hiệp ước giữa các nhóm nhỏ hơn.

WTO có lịch sử nhiều thất bại tại các cuộc họp cấp bộ trưởng, bao gồm các cuộc "hỗn chiến" ở Seattle vào năm 1999 và Cancún vào năm 2003. Hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng của nhóm ở Buenos Aires vào năm 2017 đã kết thúc mà không có bất kỳ kết quả rõ ràng nào.

Nếu các bộ trưởng thương mại rời Geneva vào tuần tới mà không có thành tựu nào, điều đó sẽ thúc đẩy ""một xu hướng mà chúng ta đang bắt đầu thấy, các nước muốn làm việc với đồng minh cùng chí hướng để thiết lập các quy tắc", Wendy Cutler, Cựu nhà đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ, hiện là Phó chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, bình luận.

Kelly Ann Shaw, Cựu quan chức thương mại của chính quyền Trump, hiện tại đang làm cho Công ty luật Hogan Lovells, cũng đồng ý rằng nếu các thành viên không thống nhất được hướng cải cách WTO, khó mà nghĩ tới việc đạt được cải cách gì khác.

Chỉ vài ngày trước cuộc họp, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã thận trọng về cơ hội cho những đột phá lớn từ cuộc họp. "Có rất nhiều cuộc thảo luận quan trọng cần phải tiến hành. Tôi không biết liệu chúng ta có thể về đích hay không", bà Tai nói. Tuy nhiên, bà công nhận tầm quan trọng của cuộc họp và cần thiết có những cuộc họp tiếp sau nữa.

Những tiến bộ có thể khiêm tốn nhưng cũng sẽ mang lại cú hích cho một thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn. "Nếu chúng ta đầu tư vào WTO ngay bây giờ và tái khẳng định vai trò trung tâm của nó với hợp tác thương mại đa phương hơn, việc mở rộng chương trình nghị sự sẽ trở nên khả thi trong tương lai", Yerxa nói.

Phiên An (theo Politico)

Xem thêm: lmth.1415744-otw-auc-cul-gnan-art-meik-iab-aoh-uac-naot-ihp/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phi toàn cầu hóa - bài kiểm tra năng lực của WTO”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools