Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị tại khoa nhiễm C Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Số người bệnh tăng, bệnh viện phải kê thêm giường để điều trị cho người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh nhưng không nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết
Sáng 13-6, nằm trên giường bệnh được kê thêm tại hành lang khoa nhiễm C Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chị N.T.T.T. (44 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) mệt mỏi kể chị mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng đến ngày thứ 5 của bệnh chị mới phát hiện ra bệnh.
Những ngày trước đó, chị T. sốt cao, đau đầu... nhưng chị không nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết.
Nghĩ mình chỉ mắc bệnh thông thường, chị T. nhờ người thân ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt, đau đầu về uống. Uống mấy ngày vẫn không hạ sốt, chị mới đến một phòng mạch gần nhà khám thì được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó, chị được mổ tim tại Viện Tim TP.HCM nên đã đến viện này để khám bệnh thì cũng được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết, sau đó Viện Tim chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị.
Chị T. nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vào ngày 9-6 trong tình trạng sốt, nhức đầu, nôn, nôn ra máu và chảy máu răng. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị sốt xuất huyết nặng, bị tổn thương gan nặng.
Người bình thường có chỉ số men gan khoảng 50 đơn vị, thì lúc đến Viện Tim, chỉ số men gan của chị là 2.369 đơn vị (tăng gần 50 lần), khi sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới giảm còn 1.797 đơn vị.
Chị T. được bù dịch, điều trị triệu chứng, hạ men gan... Hiện chị T. đã hết sốt, vẫn còn mệt, ăn uống chưa tốt, chỉ số men gan vẫn còn ở mức 474 đơn vị.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hoàng Vũ - khoa nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết trường hợp chị T. nếu đến bệnh viện khám và điều trị sớm sẽ không bị chỉ số men gan tăng nhiều đến như vậy. Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết mà bị tổn thương gan thì tình trạng bệnh thường cải thiện chậm.
Theo bác sĩ Hoàng Vũ, phần lớn người bệnh mắc bệnh sốt xuất huyết thường chủ quan, chỉ đến khám và xét nghiệm khi sốt nhiều ngày hoặc có kèm chảy máu răng, chảy máu mũi.
Bác sĩ Hoàng Vũ lưu ý người bệnh cần chú ý để phát hiện sớm các bệnh cảnh khác của sốt xuất huyết như tổn thương gan cấp, suy gan hoặc viêm cơ tim cấp vì triệu chứng có thể mơ hồ, người bệnh cảm giác mệt mỏi, nặng ngực ít, nếu không được chú ý và phát hiện kịp thời thì bệnh có thể diễn tiến nhanh, nặng và nguy cơ tử vong cao.
Người lớn sốt xuất huyết nhập viện tăng nhiều lần
Theo số liệu thống kê của phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, từ đầu tháng 6 đến hết ngày 12-6, bệnh viện này tiếp nhận đến 2.138 lượt người (cả người lớn và trẻ em) đến khám bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 743 bệnh nhân (người lớn và trẻ em) nhập viện. Trong số này, có đến 608 bệnh nhân là người lớn.
Từ đầu tháng 5 đến hết ngày 12-6, có 5 ca sốt xuất huyết nặng không thể cứu được, trong đó có 2 ca người lớn tử vong tại bệnh viện và 3 ca (2 người lớn, 1 trẻ em) gia đình xin đưa về nhà để lo hậu sự.
Số bệnh nhân là người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết tăng hơn 2 lần so với những tháng chưa đến mùa của bệnh sốt xuất huyết.
Cụ thể, trong tháng 3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chỉ có 918 lượt khám sốt xuất huyết, trong đó 326 ca nhập viện.
Trong số những ca nhập viện, có 289 ca là người lớn. Như vậy, chỉ trong 12 ngày tháng 6, số ca người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng hơn gấp đôi so với cả tháng 3.
TS Nguyễn Thị Cẩm Hường - phó khoa nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết trong ngày 13-6 khoa nhiễm C có 60 bệnh nhân (người lớn) mắc bệnh sốt xuất huyết nằm điều trị, chiếm hầu hết bệnh nhân trong khoa, trong đó Bệnh nhân là người dân TP.HCM nhiều.
Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói, mệt mỏi, đau bụng bên phải do gan to, xuất huyết (chảy máu răng, mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết âm đạo nhiều hơn bình thường...), sau khi bệnh nhân nhập viện có thể bị sốc, tụt huyết áp...
Hiện khoa nhiễm C phải kê thêm giường ở hành lang và kê thêm ghế bố để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Do số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng trong thời gian gần đây, nên ngoài nhập viện tại khoa nhiễm C, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết phải chuyển sang nằm tại nhiều khoa khác trong bệnh viện.
Từ ngày 3 đến ngày 6 của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể chuyển nặng và sốc, xuất huyết nhiều hơn. Bác sĩ Cẩm Hường lưu ý người bệnh cần chú ý những dấu hiệu chuyển nặng như trên của bệnh để đến bệnh viện sớm và được nhập viện kịp thời.
TTO - Thông tin được bác sĩ Lương Chấn Quang - phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP.HCM - cho biết tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam chiều 13-6.
Xem thêm: mth.49793002231602202-teyuh-taux-tos-cam-nol-iougn-ihk-gnoul-ohk-meih-yugn/nv.ertiout