Thông tin này được Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi đề cập như một trong các phương án góp phần kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao, Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Dựa trên diễn biến tình hình gần đây, cơ quan này đánh giá thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trước đó, ngày 21/4, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ ngành địa phương... về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi - trong đó có phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%. Phương án này tuy không "hạ nhiệt" được giá xăng dầu nhưng về lâu dài sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu trong nước, tránh phụ thuộc nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN.
Từ 1/4 năm nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu cũng đã được điều chỉnh giảm 50% cho đến hết năm. Thuế bảo vệ môi trường theo đó còn 2.000 đồng mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu diesel, madut, dầu nhờn (chưa VAT)...
Trong nửa còn lại của năm, Bộ Tài chính đánh giá có nhiều thách thức trong công tác điều hành giá nói chung (không chỉ xăng dầu) khi tăng trưởng toàn cầu ảm đạm còn lạm phát liên tục đi lên.
Bên cạnh giảm thuế bảo vệ môi trường, tại phiên chất vấn ở Quốc hội mới đây, đại biểu cũng đặt vấn đề giảm thêm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT... khi giá xăng dầu liên tiếp lập kỷ lục. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế với mặt hàng này.
Chính sách này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cử tri cả nước đang rất chờ đợi nên đề nghị Bộ Tài chính có đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền quyết định. Các vấn đề về thuế thuộc thẩm quyền Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo ông, cũng cần tham mưu, đề xuất từ bộ quản lý Nhà nước. Ông cũng lưu ý thêm trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu ngoài thuế, còn có chi phí định mức, lợi nhuận định mức...
Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm mạnh xuống còn 2,6%, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3,4%. Tính chung trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%.
Trong khi dự báo tăng trưởng toàn cầu nhiều lần cảnh báo theo chiều đi xuống, lạm phát lại liên tục đi lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi là 8,7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó.
Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.
Để góp phần kiểm soát lạm phát cả năm, Bộ Tài chính cũng gợi ý nhiều biện pháp khác như chưa xem xét tăng giá với các mặt hàng dịch vụ do nhà nước định giá, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động kết hợp chặt chẽ tài khóa, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ...
Quỳnh Trang