Với nhiều người, có công việc làm công ăn lương ổn định, đủ sống ở thành phố là điều đáng mơ ước. Thế nhưng sau một thời gian, không ít người nhận ra những áp lực, hạn chế của môi trường này nên đã lựa chọn hướng đi khác cho bản thân mà phần nhiều trong đó là kinh doanh cá nhân.
Quyết định này không chỉ giúp làm giảm bớt áp lực, tạo điều kiện để mỗi người chủ động hơn trong cuộc sống mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể hơn hẳn so với trước đây.
Nghỉ việc lương văn phòng 6 triệu/tháng đi bán bánh bao thu nhập cao gấp đôi
Phạm Cẩm Vân (27 tuổi, Hà Nội) vốn là nhân viên văn phòng với mức lương 6 triệu/ tháng . Con số này cùng với thu nhập của chồng Vân cũng chỉ tạm đủ cho mức sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố nên cô quyết định "khởi nghiệp". Và trong lúc tìm hiểu để làm những bữa phụ cho con trai 4 tuổi, Vân đã bén duyên với những chiếc bánh, từ bánh ngọt, sữa hạt cho đến các loại bánh bao, bánh kẹo ăn ngày Tết.
Cẩm Vân
Thời gian đầu, Vân vẫn làm 2 việc một lúc, ngày đi làm văn phòng còn tối về làm bánh để bán. Khách hàng của cô ban đầu là bạn bè, người thân rồi đến dân cư trong cùng khu chung cư và ngày càng được mở rộng. Dù vất vả nhưng cô vẫn rất vui vì thấy mình được mọi người ủng hộ và đặc biệt là có chồng luôn động viên, giúp đỡ.
Đến giữa năm 2021, phải ở nhà làm online và cũng không còn hứng thú với công việc văn phòng nên Vân quyết định nghỉ hẳn, tập trung toàn bộ thời gian cho việc làm bánh. "Vừa làm bánh ở nhà vừa phải chăm con, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng ngày 3 bữa nên còn bận hơn khi đi làm văn phòng. Nhưng mình vẫn cố gắng vì khách hàng ăn bánh của mình đều khen ngon và rất ủng hộ mình" - cô tâm sự.
Một số loại bánh của Vân
Dịp cận Tết vừa qua, Vân thử sức với các món bánh kẹo Tết và được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Thu nhập dịp Tết của mẹ bỉm Hà Thành cao gấp 10 lần ngày thường. Cho đến hiện tại, khi đã xây dựng được thương hiệu, tệp khách hàng quen thuộc, thu nhập của Vân dao động trong khoảng 15 - 20 triệu/ tháng, cao gấp 3 so với trước đây.
Cô gái rủ bạn trai bỏ việc thành phố về quê bán dao khởi nghiệp vốn 0 đồng
Không có nhiều kinh nghiệm kinh doanh nhưng sau một biến cố của gia đình, Đỗ Thu Thủy (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đã cùng chồng (khi ấy là bạn trai) - Vũ Đăng Khoa (29 tuổi) quyết định bỏ phố về quê. Và thế là 1 trưởng phòng dự án tại một công ty giáo dục trực tuyến và 1 nhân viên của ngân hàng nước ngoài đã khởi nghiệp từ số vốn 0 đồng bằng cách bán dao cho gia đình.
Cặp đôi khởi nghiệp với những con dao của gia đình
Giống như nhiều người cùng lựa chọn, vợ chồng Thủy đều đã có những khoảng thời gian đấu tranh với chính mình: Có nên tiếp tục khởi nghiệp hay trở lại Hà Nội làm thuê, ngồi văn phòng điều hòa lạnh, cuối tháng nhận một khoản lương không? Cuối cùng cả 2 quyết định vẫn theo đuổi con đường đã chọn dù có rất nhiều khó khăn.
Thời điểm cả hai bắt đầu bán dao là vào tầm tháng 5/2021, lúc miền Bắc bước vào mùa hè nắng nóng gay gắt. Sau khi xong các công việc cá nhân, cả hai chạy xe máy về quê cách nhà trọ chừng 20 km lấy dao, đi xuyên trưa nắng, tới 1 - 2h chiều mới được ăn cơm vì còn bận gói hàng, đi lấy hàng, chụp ảnh, quay video... Bên cạnh những vất vả cặp đôi cũng có thuận lợi nhất định khi được sự giúp đỡ của gia đình 2 bên, bố mẹ chồng hỗ trợ vốn bán hàng 6 tháng đầu còn bố vợ phụ đóng hộp sản phẩm.
Hiện tại thu nhập của vợ chồng Thủy được đến từ nhiều nguồn. Tính riêng kinh doanh, trung bình mỗi con dao do thương hiệu của anh chị bán ra có giá từ 100.000 - 300.000 đồng/bộ, những bộ dao nhiều công năng hơn có giá 400.000 - 500.000 đồng/bộ. Thời gian gần đây, nhờ có một bài viết chia sẻ viral trên MXH mà doanh thu của anh chị ổn định hơn, trung bình mỗi tháng là 200 triệu đồng.
Bỏ nghề tài chính mở quán cafe trả tiền tùy tâm
Học ngành Quản trị kinh doanh và có chứng chỉ hành nghề kế toán kiểm toán, Tú Vũ có cơ hội thu nhập và thăng tiến vô cùng rộng mở trong nghề tài chính. Tuy nhiên vì muốn hiểu bản thân, tìm kiếm điều tiềm ẩn của chính mình, anh đã quyết định nghỉ việc. Sau đó anh đã trải nghiệm nhiều thứ khác nhau như chạy marathon, chơi bóng rổ tại Thang Long Warriors, đi du lịch rồi lại quay lại làm tài chính.
Đến năm 2020, Tú Vũ bắt đầu bén duyên với cafe. Và phải mất một thời gian dài học tập, tìm tòi từ A-Z về "bộ môn" này, thậm chí mất hơn 500 lần "thẩm định" cốc cafe, anh mới bắt đầu mở quán cafe của riêng mình. Điều đặc biệt là quán cafe trả tiền tùy tâm trạng của mọi người. Đây vốn không phải là ý tưởng ban đầu của Tú mà là của một người bạn và về sau đây bất ngờ trở thành điểm đặc biệt nổi bật của quán:
"Những ngày đầu, tôi mở quán với mục đích mời mọi người đến uống thử cafe, menu chỉ có đen và nâu. Về sau khách hàng ngỏ ý trả tiền. Việc tạo ra một chiếc hộp cũng là do ý tưởng của một người bạn rồi dần dần tạo thành văn hóa. Làm theo cách này giúp tôi không phải lo quá nhiều về chuyện vận hành và có thời gian tập trung vào tìm tòi, sáng tạo".
"Những ngày đầu kinh doanh, thu nhập thấp hơn rất nhiều so với việc làm văn phòng. Khi khởi nghiệp, bạn không thể trả lương cho mình quá nhiều được. Đến hiện tại, công việc đã ổn hơn và nguồn thu cũng dần đi vào quỹ đạo" - Tú Vũ nói thêm.
Bỏ việc đi nuôi dúi thu về 400 triệu/ năm
Trước khi mở mô hình nuôi và kinh doanh dúi , Trần Đình Nhâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là nhân viên bảo vệ tại một công ty điện tử ở Bắc Ninh, thu nhập bình quân 8 - 9 triệu đồng/ tháng. Trong một lần được công ty cho đi du lịch, Nhâm tình cờ bắt gặp một mô hình nuôi dúi. Được giới thiệu những điểm thuận lợi của nuôi dúi lại nhớ ra quê nhà cũng có dúi rừng, tức là điều kiện tự nhiên thuận lợi, Nhâm ấp ủ quyết tâm sẽ lập nghiệp với nghề nuôi dúi.
Trần Đình Nhâm và con dúi
Đầu năm 2017, Trần Đình Nhâm quyết định xin nghỉ việc ở công ty, cùng vợ trở về quê hương khởi nghiệp. Dù đã dành thời gian học hỏi kinh nghiệm nhưng 1 trong 4 cặp dúi giống đầu tiên của Nhâm vẫn bị bệnh và chết. Không nản chí, anh kiên trì chăm sóc 3 cặp còn lại và chúng đều lớn nhanh, sinh sản đều đặn.
Sau đó, Nhâm quyết định vay ngân hàng, mở rộng mô hình. Đến thời điểm hiện tại, mô hình nuôi dúi của anh Nhâm có tổng đàn 270 con dúi các loại, chủ yếu xuất bán dúi giống. Bình quân mỗi năm trang trại xuất bán khoảng 400 cặp dúi giống, thu về khoảng 400 triệu đồng.
"Dúi thương phẩm khi xuất bán đạt trọng lượng trên 1 kg có giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg, tuy nhiên trang trại của tôi chủ yếu xuất bán dúi giống. Loại dúi giống vừa tách mẹ (đạt trọng lượng 300 - 400gr) có giá 1 triệu đồng/cặp. Dúi giống có trọng lượng 1kg được bán với giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Trường hợp dúi quá già, hay cắn nhau hoặc bị lỗi trong sinh sản thì mới bán dúi thịt", anh Nhâm cho biết.
Nguồn: Tổng hợp
https://kenh14.vn/hoi-lam-cong-an-luong-nghi-ngang-de-tu-kinh-doanh-thu-nhap-cao-gap-nhieu-lan-nhung-lai-lam-viec-bat-ke-gio-giac-20220614140452509.chntheo HUYỀN TRANG/ DESIGN: ANH NHÂN
Tri thức trẻ