Thầy Đinh Đức Hiền, người đã nhiều lần viết thư cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT về vụ lộ đề luyện thi môn sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 - đã trải lòng với Tuổi Trẻ như thế.
Một kỳ thi tầm quốc gia được tổ chức công phu, với vai trò chủ công của Bộ GD-ĐT, cuối cùng lại nảy sinh tiêu cực ngay từ khâu ra đề.
Cay đắng thay khi sự bất công có thể đã xuất hiện từ trước khi các em bước vào phòng thi. Sự “bắt tay” (nếu có) từ giáo viên được giao trọng trách ra đề với những lớp ôn luyện bên ngoài hay với chính lớp ôn luyện do thầy cô tổ chức sẽ phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
Nhưng rõ ràng có những lớp “luyện thi VIP”, sát ngày thi lại giải đề thi với độ trùng khớp 80 - 90% đề thật thì không thể không khiến dư luận băn khoăn, thí sinh hoang mang và phụ huynh giận dữ.
Các kỳ thi tầm quốc gia có vai trò cầm cân nảy mực từ Bộ GD-ĐT phải trả lại hình ảnh mực thước của người thầy, tăng sự nghiêm minh, chặt chẽ với cả quy trình và con người. Tại sao trước kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nhiều nơi cũng tìm mọi cách "săn đón" các "chuyên gia ra đề"?
Thậm chí, có những tỉnh ở xa sợ thầy cô "đắt sô", đi lại vất vả còn đưa cả đội tuyển hàng chục em lên Hà Nội, thuê nhà nghỉ hàng tháng trời chỉ để tiện cho thầy cô đứng lớp. Và có lẽ kết quả đem lại cũng khả quan nên việc này cứ lặp đi, lặp lại suốt nhiều năm.
Vụ "lộ đề" môn sinh chắc chắn để lại nhiều bài học. Chính bộ thừa nhận đã rút kinh nghiệm trong khâu ra đề, rà soát cả quy trình, phần mềm và đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan. Nhưng không chỉ thuần túy chuyên môn, dư luận còn quan tâm bộ sẽ rút kinh nghiệm thế nào trong ứng xử với những phản ánh tiêu cực trong ngành?
Thầy giáo Hiền tâm sự rất nhiều lần viết thư cho bộ trưởng, cục trưởng nhưng chỉ nhận lại nội dung chung chung "đang xác minh" mà chưa từng có buổi làm việc cụ thể nào. Thậm chí bộ lập tổ thẩm định, phát hiện những dấu hiệu bất thường từ tháng 8-2021 nhưng vài tháng sau cũng chưa công bố.
Và không chỉ thầy Hiền, có vị đại biểu Quốc hội sau khi tiếp nhận thông tin đã chuyển ngay cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ cuối kỳ họp Quốc hội trước nhưng vẫn không nhận được phản hồi, mặc dù vụ việc lúc đó đã trôi qua gần nửa năm.
Vị đại biểu ấy, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đã dẫn Luật khiếu nại tố cáo và băn khoăn: "Lẽ ra bộ phải trả lời cho người chuyển thông tin, cụ thể là tôi, về việc xử lý như thế nào trong vòng 20 ngày kể từ khi tiếp nhận. Nhưng tới thời điểm hiện tại, tôi chưa có thông tin chính thức phản hồi từ bộ".
"Học thật, thi thật, nhân tài thật" - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này trong một cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT. Chữ "thật" vốn hiển nhiên, nhìn mọi việc đúng bản chất, giải quyết dứt điểm, nghiêm minh.
Nhưng chữ "thật" sẽ thật khó nếu vẫn còn tư duy né tránh, nửa vời, "xem thế nào rồi tính". Ngành giáo dục phải thay đổi mạnh mẽ, dứt khoát mới có thể đạt đến chữ "thật" như lẽ ra nó phải có từ lâu.
TTO - Ngày 14-6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại giao ban báo chí toàn quốc về quá trình rà soát, xác định trách nhiệm trong nội bộ liên quan tới vụ đề thi môn sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Xem thêm: mth.19613438051602202-cud-oaig-gnort-taht-uhc/nv.ertiout