Tổ chức ECA International đã đưa ra danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022 dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm cả giá trung bình của những mặt hàng và khoản chi tiêu thiết yếu cho các hộ gia đình như sữa và dầu ăn, tiền thuê nhà, các tiện ích, phương tiện công cộng và sức mạnh của đồng nội tệ.
Theo kết quả được công bố, Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục duy trì là thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2022. Đây là năm thứ 3 thành phố này đứng ở vị trí đầu bảng. Cụ thể, theo số liệu từ ECA, để mua một lít xăng ở thành phố này, bạn phải bỏ ra 3,04 USD (khoảng 70.000 đồng).
Tại đây, một cốc cà phê được bán với giá 5,21 USD (khoảng 121.000 đồng). Giá mua 1kg cà chua cũng lên đến 11,51 USD (khoảng 267.000 đồng), 1 lít dầu ăn được bán với giá 5,83 USD (135.000 đồng), còn 1 lít sữa có giá 4,39 USD (101.000 đồng).
Lee Quane, Giám đốc Khu vực châu Á tại ECA cho biết: "Mặc dù Hồng Kông bị ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu gia tăng ít hơn so với các địa điểm khác trong khu vực và trên thế giới trong năm qua. Tuy nhiên đây vẫn là địa điểm đắt đỏ nhất thế giới''.
''Mức tăng giá hàng năm 3% được đo lường bằng rổ hàng hoá và dịch vụ của chúng tôi, cao hơn mức chúng tôi thường thấy ở Hồng Kông, nhưng thấp hơn với tỷ lệ ở các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới'', ông phân tích thêm.
Nhiều thành phố ở Trung Quốc đại lục cũng trở nên đắt đỏ hơn so với trước kia. 4 thành phố lớn tại quốc gia này nằm trong danh sách 15 thành phố đắt nhất toàn cầu. Thượng Hải là thành phố đắt đỏ thứ 3 tại châu Á, chỉ sau Hồng Kông và Tokyo, ngay sau đó là Quảng Châu, xếp ở vị trí 12 là Thẩm Quyến, Bắc Kinh nằm ở vị trí 14.
Trong bảng xếp hạng top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, ngoài Hồng Kông, Thượng Hải, Quảng Châu của Trung Quốc, châu Á còn có đến 2 thành phố khác nằm trong danh sách này, gồm Tokyo (Nhật Bản) - vị trí thứ 5, Seoul (Hàn Quốc) - vị trí số 10. CNN nhận định có thể gọi châu Á là lục địa đắt đỏ nhất thế giới.
Tuy nhiên châu Á cũng là nơi có những thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất. Colombo - đô thị chính của Sri Lanka - tăng 23 bậc từ 162 lên 149.
Từng giữ vị trí số 1, tuy nhiên năm nay, New York là thành phố Bắc Mỹ duy nhất nằm trong top 10. Thành phố đắt đỏ nhất châu Âu là Geneva (Thuỵ Sĩ) đứng ở vị trí thứ 3. Paris (Pháp) từng đứng đầu danh sách do ECA bình chọn, nay rời khỏi top 30. Madrid (Tây Ban Nha), Rome (Italy) và Brussels (Bỉ) đều rớt hạng.
“Gần như mọi thành phố lớn trong khu vực đồng Euro đều giảm thứ hạng trong năm nay do đồng euro kém giá trị hơn trong 12 tháng qua so với USD và bảng”, Lee Quane giải thích.
Danh sách 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022
1. Hồng Kông (Trung Quốc)
2. New York (Mỹ)
3. Geneva (Thụy Sĩ)
4. London (Anh)
5. Tokyo (Nhật)
6. Tel Aviv (Israel)
7. Zurich (Thụy Sĩ)
8. Thượng Hải (Trung Quốc)
9. Quảng Châu (Trung Quốc)
10. Seoul (Hàn Quốc)
Theo Eca International, CNN
https://cafef.vn/thanh-pho-dat-do-nhat-the-gioi-nam-2022-78000-dong--lit-xang-gia-mot-tach-ca-phe-len-den-120000-dong-20220614091027279.chnTheo Đinh Anh
Trí Thức Trẻ