Trên thế giới, có không ít câu chuyện về những người vượt qua nghịch cảnh để trở thành triệu phú tự thân. Tuy nhiên, có lẽ Lu Hong (42 tuổi, đến từ Giang Tô, Trung Quốc) là nhân vật đặc biệt và truyền cảm hứng hơn cả.
Cậu bé bại não
Lu bị bại não khi mới 10 tháng tuổi sau một cơn sốt cao. Căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến khả năng di chuyển, giữ thăng bằng và tư thế của người bệnh. Ngày bé, Lu phải vật lộn để duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể khi đi bộ. Vì thế nên ông luôn bị bạn bè xa lánh, chế giễu.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông được cha mẹ gửi đến một trường dạy nghề. Thế nhưng, khi ông ra trường, không nơi nào muốn tuyển dụng ông vì chứng bệnh bại não. Thậm chí, một giám đốc nhà máy còn nói với mẹ con Lu rằng: "Hãy nhìn xem con chị có thể làm gì? Tiền thuê cậu ta tôi thà nuôi một con cún còn hơn".
Lu chia sẻ: "Mọi người gọi tôi là kẻ ngốc và luôn coi thường tôi. Tuy rất buồn nhưng tôi không bị những lời lẽ đó đánh gục. Nó là động lực lớn để tôi nỗ lực vươn lên".
Sau nhiều lần xin việc thất bại, Lu cuối cùng cũng được nhận vào một nhà máy sản xuất bánh trung thu. Tuy công việc khá ổn định nhưng ông cảm thấy tiếp tục như vậy sẽ không tốt về lâu dài. Chính vì vậy, ông quyết định nghỉ việc và học kỹ năng mới.
Đầu tiên, Lu học cách làm đồ thủ công. Công việc này đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay – điều mà những người tay chân bình thường cũng khó học được. Vậy mà, nhờ sự kiên nhẫn và nỗ lực hết mình, Lu đã học được để làm việc.
Khởi nghiệp từ tiệm sửa xe đạp
Sau đó, Lu mở một quầy sửa chữa xe đạp trên phố. Cũng vào thời điểm này, ông được giới thiệu một cô gái lớn hơn 5 tuổi, làm nghề bán rau ven đường. Lu trúng tiếng sét ái tình ngay từ lần đầu gặp mặt. Tuy nhiên, cô lại không đồng ý vì vấn đề tuổi tác. Không bỏ cuộc, Lu giúp cô dọn hàng mỗi ngày và dần dần khiến cô cảm động bởi tấm chân tình của mình. Năm 2004, Lu kết hôn ở tuổi 25.
1 năm sau, cha của Lu ốm nặng. Khi ông đến bệnh viện và lấy ra một xấp tiền lẻ đưa cho mẹ để nộp viện phí, mẹ của ông òa khóc. Sau khi cha mất, gánh nặng gia đình bỗng chốc đổ lên vai Lu.
Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, ông làm thêm nhiều việc khác, từ mở sạp báo, làm việc trong siêu thị, cho thuê đĩa phim cho đến cửa hàng lắp ráp máy tính. Sau khi tình cờ xem được trên Internet về kỹ năng chỉnh sửa video, Lu quyết định tự học và mở một studio để kinh doanh. Vì chất lượng tốt, giá thành phải chăng nên việc kinh doanh ảnh viện của Lu ngày càng phát triển.
Làm giàu từ thương mại điện tử
Không lâu sau, khi biết trên thế giới tồn tại một sàn thương mại điện tử tên là Alibaba, ngay lập tức Lu chớp cơ hội kinh doanh. Ông mở cửa hàng đầu tiên trên Taobao, bán được hàng trăm sản phẩm album ảnh mỗi ngày.
Về phần mình, Lu cũng kiếm được một khoản tiền đáng kể từ sự bùng nổ thương mại điện tử. Năm 2017, Lu thành lập Yuanyue – công ty chuyên sản xuất máy tính xách tay và văn phòng phẩm. Kể từ đó, công ty đã phát triển từ một xưởng nhỏ chỉ có vài nhân viên thành nhà máy rộng 1.000 mét vuông với 50 nhân viên, trong đó, số người khuyết tật chiếm tới một nửa.
Một nhân viên của Yuanyue (Ảnh: Internet).
Hiện, sản phẩm của công ty đã có mặt ở thị trường Anh, Pháp, Mỹ và nhiều nước khác, đem về doanh thu hơn 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,5 triệu USD) mỗi năm.
Lu chia sẻ: "Internet cho phép tôi giao tiếp với khách hàng dễ dàng hơn. Họ nghĩ rằng mình đang trò chuyện với một doanh nhân thành đạt chứ không phải một người khuyết tật".
Sau khi thành công, Lu được mọi người gọi là "sếp Lu" và được ca ngợi là anh hùng. Người ta thậm chí còn so sánh ông với Forrest Gump – nhân vật nổi tiếng trong bộ phim cùng tên, người có chỉ số IQ 75 cùng chứng thiểu năng. Trải qua rất nhiều nỗ lực, Forrest Gump đã trở thành triệu phú và nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới.
Giúp người khuyết tật thoát nghèo
Theo Lu, người khuyết tật hiện nay vẫn chịu thiệt thòi vì chưa có nhiều lựa chọn công việc phù hợp. Chính vì vậy, ông muốn tạo cho họ công việc tốt hơn. Lu nói: "Mục tiêu trong tương lai của tôi chỉ đơn giản là giúp đỡ được nhiều người giống mình hơn. Người khuyết tật có thể có khiếm khuyết nhưng ở một số khía cạnh nhất định, chúng tôi cũng không thua kém nhiều so với người bình thường".
Mong muốn của Lu là tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật (Ảnh: Internet).
Lu lấy ví vụ về một nhân viên bị liệt nửa người bên phải. Nhờ nỗ lực, anh đã học cách sử dụng tay trái thành thạo. Hiện anh có thể gõ ít nhất 80 ký tự trên bàn phím máy tính mỗi phút và là nhân viên dịch vụ khách hàng có năng lực nhất của công ty.
Những nhân viên khuyết tật của Yuanyue, từ chỗ không có kỹ năng, giờ đây đã vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình, tất cả là nhờ sự giúp đỡ của Lu.
Đương đầu với đại dịch
Đầu năm 2020, đại dịch bùng phát khiến tất cả các ngành bị ảnh hưởng. Công việc kinh doanh của Lu cũng có thời điểm rơi vào bế tắc. Lúc này, điều ông lo lắng nhất là nhân viên của ông sẽ sống ra sao khi công ty không có thu nhập. Để vượt qua khó khăn, Lu đã tìm cách phát triển nhiều sản phẩm mới đồng thời đẩy mạnh khả năng bán hàng của công ty.
Lu thực hiện tất cả những điều này vì ông luôn nhận thức rằng con đường khởi nghiệp và kinh doanh của người khuyết tật bao giờ cũng gập ghềnh hơn người bình thường, đặc biệt là những lúc khó khăn.
Trong nhiều năm qua, ngay cả khi việc kinh doanh thuận lợi, ông vẫn luôn nghĩ đến việc cần làm gì khi gặp trở ngại. Là người lạc quan, Lu luôn cho rằng chúng chỉ là tạm thời. Vì thế, ông tin rằng sau khi dịch bệnh hạ nhiệt, mọi thứ sẽ sớm quay trở lại như cũ. Từ nửa cuối năm 2020, các đối tác đã bắt đầu hợp tác lại với Yuanyue, giúp hoạt động kinh doanh của công ty dần khôi phục như trước.
Lu chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: "Trong suốt hành trình lập nghiệp, tôi biết ơn rất nhiều người. Một trong số đó là Jack Ma. Nếu không có Taobao, công ty của chúng tôi đã không phát triển được như ngày nay. Đối với cuộc sống, tôi không cảm thấy bất công khi là người khuyết tật. Tôi nghĩ rằng ông trời đã có một sự sắp đặt tuyệt vời cho tôi khi không chỉ cho tôi kiếm tiền mà còn cho tôi đóng góp cho xã hội. Tôi nghĩ mình là người có ích".
Nguồn: Day News, SCMP
http://tintuc.vdong.vn/06/1388453.htmMộc Tiên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế