TTHLTTQG TP.HCM đóng góp nhiều tấm HCV quý giá ở SEA Games, điển hình như ở môn marathon - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TTHLTTQG Nhổn là "đại bản doanh" của hầu hết những môn thể thao quan trọng ở Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị huấn luyện nhiều VĐV thành tích cao nhất hiện nay. Nhưng cũng không thể bỏ qua đóng góp của TTHLTTQG TP.HCM – nơi đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cao vào quá trình hồi phục, chăm sóc VĐV.
Với lợi thế này, TP.HCM nhiều kỳ SEA Games gần đây là cái nôi của những môn võ thuật – vốn là sàn đấu mạo hiểm, khiến các VĐV thường xuyên dính các loại chấn thương khác nhau. Ở SEA Games 31, nhiều VĐV của TTHLTTQG TP.HCM đã mang về hàng loạt HCV các môn boxing, kickboxing, muay Thái, taekwondo, kurash…
VĐV Hoàng Nguyên Thanh - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Một số VĐV đáng chú ý của trung tâm đã không thể ra sân thi đấu như kỳ vọng ở SEA Games 31 vì nhiều lý do khác nhau, điển hình như "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh (chấn thương), đô cử Thạch Kim Tuấn (nghỉ thi đấu thời gian qua) hay Lê Văn Đương – tay đấm boxing giành vé dự Olympic Tokyo nhưng lại không may dính COVID ngay trước ngày thi đấu ở SEA Games…
"Nhưng mặt khác, rất nhiều VĐV đã cho thấy được quá trình nỗ lực của mình, đặc biệt là xuyên suốt giai đoạn mùa dịch. Vì vậy mà chúng ta có thêm rất nhiều tấm HCV quý giá, nằm ngoài cả dự đoán của giới chuyên môn", giám đốc trung tâm - ông Võ Quốc Thắng nói.
Đó là HCV marathon của Hoàng Nguyên Thanh, ném lao của Nguyễn Hoài Văn, nhảy cao của Phạm Thị Diễm… và rất nhiều HCV quý giá khác. Tổng cộng, các VĐV của TTHLTTQG TP.HCM đóng góp 50 HCV, 37 HCB và 19 HCĐ – gần tương đương với khoảng 25% thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.