Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra vào chiều 15-6, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, người sáng lập thương hiệu Yeah1- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (mã CK: YEG) - chia sẻ nhiều nỗi niềm về việc ông buộc lòng phải "rời bỏ", không còn điều hành ở Yeah1 trong thời gian tới.
Theo ông Tống, năm 2021, Yeah1 có kết quả kinh doanh không thuận lợi vì đại dịch cũng như nhiều khó khăn khác. Để tồn tại, công ty phải có lợi nhuận, nếu không sẽ bị hủy niêm yết vì 3 năm lỗ liên tiếp.
Cách xử lý "đau đớn" nhất để bảo vệ cổ đông và công ty trong tương lai là bán tài sản, bán những gì gọi là "viên ngọc" để công ty có nguồn lực, giúp Yeah1 tốt hơn.
"Riêng bản thân tôi, là người sáng lập Yeah1, vì tình thế bắt buộc, để Yeah1 tốt hơn nên tôi phải "rút lui", không thể ngồi ở công ty rồi "sứt mẻ tình cảm" thì cũng không vui. Sắp tới nếu đóng góp gì được cho Yeah1 thì làm dù không ở HĐQT tôi vẫn hết lòng... Và dù không có tôi nhưng thời gian tới chắc ban điều hành mới sẽ đưa Yeah1 tốt hơn hiện tại" - ông Tống cho biết.
Trước đó, ngày 1-6 vừa qua, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu YEG (tương đương 12,89% vốn điều lệ Yeah1) thông qua phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Tống không còn nắm giữ cổ phiếu của Yeah1 và chính thức rút khỏi công ty từ kỳ đại hội này.
Cổ đông bỏ phiếu tại ĐHCĐ Tập đoàn Yeah1
Năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Yeah1 đạt 1.079 tỉ đồng, sụt giảm 11,4% so với năm 2020 và chỉ đạt gần 40% kế hoạch đề ra là 2.710 tỉ đồng. Cơ cấu doanh thu có sự dịch chuyển mạnh, trong đó chủ yếu là tăng trưởng của mảng truyền thông kỹ thuật số với 887 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 82% trên tổng doanh thu so với con số 68% trong năm 2020.
Mảng truyền thông truyền thống và thương mại bán lẻ đóng góp lần lượt 101 tỉ đồng và 83 tỉ đồng, giảm tương ứng 24% và 32% so với cùng kỳ. Dù vậy, Yeah1 vẫn lãi gần 30 tỉ đồng sau thuế, gấp gần 7,5 lần so với kế hoạch 4 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự tăng trưởng vượt bậc của mảng truyền thông kỹ thuật số, cũng như việc thoái vốn đầu tư ở một số công ty con.
Kế hoạch 2022, công ty sẽ phát hành riêng lẻ, tăng vốn điều lệ lên tối đa 786,42 tỉ đồng, nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty.
Danh sách cổ đông tham gia phát hành riêng lẻ gồm Công ty CP Encapital Holdings, Công ty CP Công nghệ Tài chính Encapital, Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, Công ty CP Quản lý quỹ Hợp Lực.
ĐHCĐ cũng đã bầu ra HĐQT mới nhiệm kỳ 2022 – 2027, gồm: ông Đào Phúc Trí (hiện là Tổng Giám đốc Tập đoàn), bà Lê Phương Thảo (hiện là Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn), ông Lê Minh Nhật Tín (hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công nghệ Tập đoàn), ông Trần Hoài Nam (hiện là Chủ tịch Hội Đồng Quản trị kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn), ông Nguyễn Hoàng Giang (hiện là Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Công ty CP Chứng khoán DNSE).
Năm 2018, giới đầu tư chứng kiến một hiện tượng lạ lùng trên TTCK, đó là cổ phiếu YEG chào sàn HoSE trong phiên giao dịch ngày 26-6 với giá tham chiếu lên đến 250.000 đồng/CP. Dù lên sàn với mức giá cao chót vót nhưng YEG vẫn liên tục tạo sóng và leo lên đỉnh 343.000 đồng/CP. Ở mức giá đỉnh này, vốn hóa thị trường của YEG lên đến 9.400 tỉ đồng (gấp 34 lần vốn điều lệ).
Đây có thể là cú "lột xác" hết sức ngoạn mục của doanh nghiệp mới được thành lập năm 2006 với doanh thu ban đầu chỉ vỏn vẹn 150USD.
Thành công của YEG gắn liền với người sáng lập và cũng là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Thế nhưng, YEG nhanh chóng tuột dốc sau hàng loạt sự cố liên quan đến YouTube và những thương vụ mua bán cổ phiếu mập mờ.
Xem thêm: mth.63553607151602202-noh-tot-ed-cogn-neiv-gnuhn-nab-iahp-1haey/et-hnik/nv.moc.dln