Cần phải tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ ra sân nhưng phải dựa trên mô hình phù hợp - Ảnh: HỮU TẤN
Ngay sau khi tuyển U23 Việt Nam gây ấn tượng khi vào tứ kết Giải U23 châu Á 2022, nhiều người kêu gọi nên tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ ra sân nhiều hơn ở hệ thống giải vô địch quốc gia để tiếp tục bồi đắp tài năng. Đây là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhưng thực hiện không hề đơn giản.
Mô hình đặc biệt tại Malaysia và Singapore
Năm 2020, Hiệp hội Bóng đá Malaysia có kế hoạch thành lập một đội bóng trẻ tham dự sân chơi chuyên nghiệp nước này nhằm xây dựng lực lượng hướng đến Olympic 2024. Đúng kế hoạch, mùa giải 2021 đội tuyển U19 Malaysia với tên là FAM-MSN Project được đặc cách tham gia Giải hạng nhất Malaysia (Malaysia Premier League).
FAM-MSN Project không được thăng hạng lên Giải vô địch Malaysia nếu có vô địch Premier League. Và đội bóng trẻ này cũng không được tham dự sân chơi Cúp quốc gia hay Cúp liên đoàn.
Do còn quá trẻ mà phải tham gia giải đấu chuyên nghiệp, U19 Malaysia cho thấy sự thua thiệt về mọi mặt khi kết thúc mùa giải 2021 với vị trí cuối bảng (giành được 6 điểm). Sang mùa giải 2021, U19 Malaysia cho thấy sự tiến bộ khi đứng thứ 9/10 đội.
Singapore cũng có mô hình tương tự Malaysia, với mục tiêu tạo ra môi trường cho các cầu thủ trẻ cọ xát. Theo đó, Liên đoàn Bóng đá Singapore đã thành lập CLB Young Lions từ năm 2002 với phần lớn là các cầu thủ trẻ xuất thân từ Học viện Bóng đá quốc gia để thi đấu tại Giải vô địch quốc gia.
Hằng năm, thành phần của Young Lions thay đổi vì các cầu thủ trẻ của học viện liên tục được đôn lên còn những cầu thủ quá tuổi không được thi đấu. Tuy nhiên, mô hình này vẫn phải chờ thêm thời gian để kết luận về tính hiệu quả. Nói vậy bởi việc gom các cầu thủ trẻ vào một đội và thi đấu ở môi trường vượt quá đẳng cấp của họ dễ gây ra sự ức chế về tâm lý.
Phát triển tự nhiên
Trái với mô hình ở các nước như Malaysia, Singapore..., nhiều nước Đông Nam Á vẫn chưa có một cách thức cụ thể nào để tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ thi đấu.
Nhìn vào danh sách đội U23 Thái Lan thi đấu tại Giải U23 châu Á 2022, các cầu thủ trẻ của "Voi chiến" cũng có số lần ra sân khá hạn chế ở CLB. Chỉ số ít cầu thủ U23 Thái Lan là trụ cột và được ra sân thường xuyên. Ngay cả "thần đồng" Suphanat Muenta cũng chỉ đá 6 trận cho Buriram trong mùa 2020 - 2021. Tương tự là trường hợp của Ekanit Panya, khi chỉ chơi 13 trận trong năm 2022 cho CLB Chiangrai.
Đó cũng là câu chuyện của U23 Indonesia. Đội hình U23 Indonesia tuy có khá nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài, nhưng họ lại không được ra sân nhiều. Đó cũng là một phần lý do khiến U23 Indonesia thường chơi bóng dưới kỳ vọng của người hâm mộ.
Tại Việt Nam, từng có đề xuất bắt buộc phải có cầu thủ dưới U23 thi đấu trên sân trong một trận đấu thuộc giải chuyên nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị các CLB phản đối và cho tới nay vẫn chưa được đem ra bàn thảo trở lại.
Giải vô địch Trung Quốc từng áp dụng cách làm này nhưng không mang lại hiệu quả vì các CLB thường tìm cách lách luật. Cụ thể, họ cho cầu thủ U23 vào sân vài phút rồi thay ra khiến mọi thứ trở nên rất... buồn cười.
Tổ chức giải đấu vòng tròn
Trên thế giới có không ít mô hình hữu ích để tạo môi trường cho các cầu thủ trẻ. Chẳng hạn như việc tổ chức giải đấu vòng tròn cho các lứa trẻ song song giải vô địch quốc gia hoặc tổ chức giải đấu dành cho các cầu thủ dự bị.
Cụ thể, hôm trước hai đội đá ở giải vô địch quốc gia thì hôm sau họ lại tiếp tục gặp nhau nhưng trận đấu này chỉ dành cho những người không ra sân trong trận đấu trước đó. Đây cũng là cách để các cầu thủ trẻ có điều kiện cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thi đấu.
TTO - Chiều 15-6, HLV trưởng đội tuyển U23 Việt Nam Gong Oh Kyun và nhóm cầu thủ phía Bắc đã về đến sân bay Nội Bài sau hành trình tham dự Cúp bóng đá U23 châu Á 2022.
Xem thêm: mth.81032758061602202-ert-uht-uac-ohc-oan-hnih-om/nv.ertiout