Bước nhảy lớn bất thường của FED
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15/6 đã thực hiện bước đi cứng rắn nhất kể từ đầu cuộc chiến chống lạm phát tới nay, khi nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, đánh dấu đợt nâng lãi suất mạnh tay nhất của ngân hàng trung ương này kể từ năm 1994. Cụ thể, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED đã nâng phạm vi lãi suất cơ bản lên 1,5 - 1,75%, mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ hồi tháng 3/2020.
Lãi suất tham chiếu của FED từ 1991 đến nay (Nguồn: CNBC)
Mặc dù phù hợp với dự đoán của thị trường, trên thực tế, động thái của FED có thể coi là bất thường, bởi mới chỉ tuần trước, giới chức FED và các chuyên gia, đều chỉ đề cập đến khả năng thực hiện một đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Chính Chủ tịch FED Jerome Powell khi đó còn khẳng định rằng, mức tăng 0,75 điểm phần trăm chưa được đưa vào xem xét.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng, khi các số liệu mới công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 5 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo và là mức cao nhất trong vòng hơn 40 năm qua.
"Rõ ràng, quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm ngày hôm nay là một bước nhảy lớn bất thường, và tôi không hy vọng rằng, những động thái như vậy sẽ diễn ra thường xuyên," Chủ tịch FED Jerome Powell chia sẻ trong buổi họp báo, sau cuộc họp của FED. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng FED có thể nâng lãi suất thêm 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp diễn ra vào tháng 7 tới. Ông cho biết quyết định lãi suất sẽ được đưa ra "theo từng cuộc họp" và FED sẽ "tiếp tục thông tin về các dự định của mình một cách rõ ràng nhất có thể".
Chủ tịch FED Jerome Powell coi đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm là một động thái "bất thường" (Nguồn: CNN Business)
"Chúng tôi muốn xem tình hình diễn biến thế nào. Lạm phát không thể giảm chừng nào còn chưa chuyển sang trạng thái đi ngang", ông Powell nói. "Nếu chúng tôi không thấy tình hình tiến triển, chúng tôi sẽ buộc phải phản ứng. Nhưng sớm thôi, chúng ta sẽ chứng kiến một số tiến bộ".
Tuyên bố của FED sau cuộc họp cho thấy, trong thời gian tới, các thành viên FOMC muốn tăng lãi suất mạnh tay hơn để "hãm phanh" lạm phát. Theo đó, lãi suất sẽ là công cụ chủ đạo giúp hạ nhiệt nền kinh tế, trong trường hợp này là kiềm chế nhu cầu để nguồn cung có thể bắt kịp.
Các quan chức FOMC dự báo lãi suất tham chiếu của FED sẽ đạt 3,4% vào cuối năm nay, so với mức dự báo 1,5% đưa ra hồi tháng 3. Đến cuối năm 2023, mức lãi suất này được dự báo đạt 3,8%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 3. Trong dài hạn, dự báo chính sách của FED nhìn chung phù hợp với dự báo của thị trường.
Đáng chú ý, tuyên bố của FED sau cuộc họp đã loại bỏ một cụm từ thường xuyên được sử dụng trước đó, nói rằng FOMC "kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% và thị trường lao động tiếp tục vững mạnh". Thay vào đó, tuyên bố mới chỉ cho biết, FED "cam kết mạnh mẽ" với mục tiêu lạm phát 2%.
Chứng khoán Mỹ biến động sau quyết định nâng lãi suất của FED, nhưng đã đi lên nhờ tuyên bố của ông Powell. Chốt phiên giao dịch ngày 15/6, chỉ số công nghệ Nasdaq dẫn đầu đà tăng của thị trường với mức tăng 2,5%. Các chỉ số công nghiệp Dow Jones và Nasdaq cũng lần lượt tăng 1% và 1,46%, chấm dứt chuỗi 5 ngày giảm điểm liên tiếp. Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD - thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 0,77%, sau khi chạm mức cao trong 2 thập kỷ trong phiên giao dịch ngày 15/6.
Tình trạng phức tạp của nền kinh tế Mỹ
Động thái nâng lãi suất của FED được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Áp lực lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của giới chức FED. Dự báo mới được công bố cho thấy, chỉ số chi tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát được FED ưa chuộng - được dự báo tăng 5,2% trong năm nay, so với mức dự báo tăng 4,3% đưa ra hồi tháng 3. Lạm phát lõi (không tính giá lương thực - thực phẩm và năng lượng) được dự báo tăng 4,3%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với con số đưa ra trong lần dự báo trước. Các số liệu công bố trước đó cho thấy, chỉ số PCE lõi tháng 4 của Mỹ tăng 4,9%. Bởi vậy dự báo mà FED đưa ra đồng nghĩa với việc giới hoạch định chính sách kỳ vọng áp lực giá cả sẽ dịu đi trong mấy tháng tới đây.
Lạm phát tại Mỹ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm qua (Nguồn: Reuters)
Xu hướng lạm phát tăng chậm lại được kỳ vọng sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023, với tỷ lệ lạm phát tăng 2,6% và lạm phát lõi tăng 2,7% - không thay đổi nhiều so với dự báo đưa ra hồi tháng 3.
Về cơ bản, tuyên bố sau cuộc họp của FED đưa ra một bức tranh tương đối khả quan về nền kinh tế, cho dù lạm phát tăng. "Hoạt động kinh tế nói chung dường như đang tăng tốc trở lại sau khi đã giảm tốc trong quý 1 năm nay. Sự tăng trưởng của thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh những mất cân đối về cung - cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng tăng, và áp lực giá cả trên diện rộng", tuyên bố viết.
Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách vẫn phải mạnh tay cắt giảm dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ, khi nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ đạt mức tăng 1,7% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 2,8% đưa ra hồi tháng 3.
Nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Mỹ diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm tốc mà lạm phát vẫn đi lên – tình trạng được gọi là "đình lạm". Quý I năm nay, kinh tế Mỹ đã suy giảm 1,5%. GDPNow - một công cụ theo dõi tăng trưởng kinh tế Mỹ theo thời gian thực của chi nhánh FED tại Atlanta – cho thấy nền kinh tế đang đi ngang trong quý II này. Một nền kinh tế được cho là rơi vào suy thoái nếu có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Thị trường lao động - một điểm sáng của kinh tế Mỹ cũng đang có dấu hiệu chững lại khi số việc làm mới được tạo ra trong tháng 5 chỉ đạt 390 nghìn - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Tiền lương bình quân theo giờ của người lao động Mỹ về danh nghĩa đang tăng, nhưng nếu tính đến yếu tố lạm phát, tiền lương đã giảm 3% trong 1 năm qua. Trong tuyên bố ngày 15/6, FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng lên mức 4,1% vào năm 2024, từ mức 3,6% hiện nay.
Trong một dấu hiệu đáng lo ngại khác, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong cuộc khảo sát của Đại học Michigan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Số liệu công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy doanh thu bán lẻ ở Mỹ đã giảm 0,3% trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đang gia tăng khi FED mạnh tay tăng lãi suất (Nguồn: Reuters)
Tất cả những yếu tố này kết hợp lại sẽ khiến cho ông Powell gặp không ít thách thức trong việc đạt mục tiêu đưa nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm hoặc tương đối mềm" như ông đã nêu hồi tháng 5. Bởi lịch sử cho thấy, các chu kỳ tăng lãi suất của FED trước đây thường khiến kinh tế Mỹ suy thoái. Theo ước tính mới nhất của Bloomberg Economics, sự suy thoái vào đầu năm 2024 hiện đang có xác suất gần 75% mặc dù tín hiệu suy thoái chỉ mới xuất hiện vào một vài tháng trước.
Những ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất
Trong khi chờ đợi lạm phát được kiềm chế, người dân Mỹ sẽ nhanh chóng cảm nhận rõ tác động từ các đợt nâng lãi suất của FED.
Việc FED nâng lãi suất sẽ sớm ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu chi phí đắt đỏ hơn trong mọi khoản vay, từ mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, vay nộp học phí. Chi phí đi vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ tăng cao.
Người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ đối mặt với chi phí đi vay đắt đỏ hơn sau động thái tăng lãi suất của FED (Nguồn: CNBC)
Tác động dễ nhận thấy nhất là trên thị trường bất động sản. Các đợt nâng lãi suất của FED đã khiến hoạt động mua bán nhà tại Mỹ chậm lại đáng kể trong thời gian qua, khiến thị trường bất động sản dần hạ nhiệt. Lãi vay mua nhà cố định, kỳ hạn 30 năm tại Mỹ đã lên 5,23% trong tuần đầu tháng 6, cao hơn nhiều so với mức 3% cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường bất động sản Mỹ đang có dấu hiệu chững lại vì FED nâng lãi suất (Nguồn: CNBC)
Ở chiều ngược lại, những người gửi tiền tiết kiệm có thể chào đón việc FED nâng lãi suất, qua đó thúc đẩy lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, dù đã trải qua vài đợt tăng, mức lãi suất tiết kiệm tại Mỹ hiện vẫn khá thấp, kém xa mức tăng lạm phát và lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.
Với các nhà đầu tư Phố Wall, mức lãi suất cao hơn sẽ là thách thức lớn đối với thị trường chứng khoán, vốn đã quá quen thuộc với nguồn tiền rẻ trong suốt 2 năm qua. Tác động lên thị trường sẽ phụ thuộc vào tốc độ nâng lãi suất của FED, và sự biến động của các yếu tố kinh tế nền tảng, lợi nhuận doanh nghiệp sau khi FED nâng lãi suất.
Thị trường chứng khoán Phố Wall được dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động (Nguồn: CNBC)
Bên cạnh đó, việc nâng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc, thị trường chứng khoán sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với trái phiếu chính phủ. Trước đó, trong thời kỳ đại dịch, mức lãi suất thấp gần bằng 0 đã kìm hãm nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ và đẩy nhà đầu tư đến gần với các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Hiệu ứng lan truyền đến kinh tế thế giới
Việc FED nâng lãi suất có thể sẽ gây tác động lan truyền đến kinh tế thế giới, như việc lạm phát Mỹ khiến các thị trường chứng khoán bị bán tháo đầu tuần này. "Xét về mặt nào đó, FED cũng được coi là ngân hàng trung ương toàn cầu, và có thể gây ra suy thoái toàn cầu", Kristina Hooper – chiến lược gia thị trường tại Invesco nhận định trên CNBC.
Nhà kinh tế học nổi tiếng Kenneth Rogoff hồi tháng 4 cũng chỉ ra rằng suy thoái tại Mỹ, đặc biệt nếu gây ra bởi tăng lãi suất, sẽ kìm hãm nhu cầu nhập khẩu trên thế giới và giáng đòn mạnh lên các thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng có thể nâng lãi suất theo FED, để bảo vệ đồng nội tệ, tránh khả năng dòng vốn rời khỏi các quốc gia để đổ về Mỹ. Ngay sau động thái mới nhất của FED, ngân hàng trung ương nhiều nước Vùng Vịnh, bao gồm Arập Xêút, Qatar, Kuwait, Bahrain đã đồng loạt nâng lãi suất với mức tăng từ 0,25 – 0,75 điểm phần trăm. Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) cũng bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm - lần tăng đầu tiên trong vòng 15 năm qua.
Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ đã bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong ngày 16/6, sau động thái từ FED (Nguồn: CNBC)
Ngân hàng trung ương Anh (BOE) dự kiến cũng sẽ nâng lãi suất sau cuộc họp chính sách trong ngày 16/6 để ứng phó với tỷ lệ lạm phát ở mức cao. Trong cuộc khảo sát hồi tuần trước, hầu hết các chuyên gia đều dự báo về một mức tăng 0,25 điểm phần trăm, nhưng việc đồng bảng Anh đang suy yếu và việc FED mạnh tay nâng lãi suất đã làm gia tăng đáng kể khả năng BOE sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm.
Động thái nâng lãi suất của FED cũng được dự báo khiến đồng yên Nhật giảm sâu hơn, làm gia tăng sức ép lên Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ). Giới đầu tư dự báo, hoàn toàn có khả năng BOJ sẽ tiến hành các điều chỉnh chính sách ngắn hạn tại cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/6.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đang đối mặt với sức ép thay đổi chính sách sau khi FED nâng lãi suất (Nguồn: Reuters)
Hồi tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng xác nhận sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm trong phiên họp tháng 7 và tháng 9. "Rõ ràng là việc đồng USD mạnh lên và euro yếu đi sẽ khiến các quan chức ECB lo ngại", Carsten Brzeski – Giám đốc Vĩ mô tại ngân hàng ING cho biết trên CNBC.
Nguồn: CNBC, Reuters, CNN Business, Japan Times
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.8514555161602202-def-auc-taus-ial-gnat-tod-ut-ig-yaht/et-hnik/nv.vtv