Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã chứng khoán: EIB) vừa có thông báo về phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và kế hoạch phát hành trái phiếu thời gian tới.
Vốn điều lệ sẽ đạt trên 14.800 tỷ đồng
Theo đó, tỉ lệ phát hành là 20%, tương ứng cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới. Tổng khối lượng dự kiến phát hành gần 246 triệu cổ phiếu, nguồn thực hiện từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định. Thời gian hoàn thành tăng vốn trong quý III. Việc phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận năm 2017-2021 đã được ĐHCĐ thông qua từ trước đó.
Hiện Eximbank có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ đạt 14.814 tỷ đồng.
Theo thông tin từ phía Eximbank, tính đến hết tháng 5, ngân hàng này chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) với tổng sở hữu là hơn 185,3 triệu cổ phiếu EIB, tương đương tỉ lệ sở hữu 15%. Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, số cổ phiếu SMBC nắm giữ tại Eximbank sẽ nâng lên 222,3 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, tính đến 31/5, nhà băng này còn một số cổ đông ngoại khác như Halley Six Limited sở hữu hơn 60 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,93% vốn; MR Exim Investments Limited sở hữu 55,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,52%; Lafelle sở hữu 43,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 3,49%...
Tổng sở hữu của khối ngoại đạt gần 370,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 29,99% vốn Eximbank, xấp xỉ mức tối đa là 30%.
Tuy nhiên, hồi tháng 3/2022, SMBC đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank sau 14 năm hợp tác. Đối tác ngân hàng Nhật Bản cũng cho biết đang tiến hành thảo luận về số cổ phần mà SMBC sở hữu tại Eximbank. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
SMBC từng chi gần 225 triệu USD (tương đương 3.600 tỷ đồng quy đổi theo tỷ giá thời điểm năm 2007) để đổi lấy 15% cổ phần ngân hàng phía Việt Nam. Hai bên cũng ký thỏa thuận liên minh chiến lược từ tháng 11/2007.
Phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngoài ra, nhà băng này cũng thông qua phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2022.
Cụ thể, Eximbank dự kiến phát hành tối đa 5.000 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu với kỳ hạn tối đa là 3 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải nợ thứ cấp của Eximbank.
Eximbank dự kiến phát hành thành 5 đợt, mỗi đợt 1.000 tỷ đồng. Trong đó hai đợt đâu phát hành dự kiến vào quý II và 3 đợt sau dự kiến phát hành vào quý III và quý IV/2022.
Mục đích phát hành trái phiếu của ngân hàng là để tăng quy mô vốn hoạt động của Eximbank, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn vốn thu được từ việc phát hành sẽ được Eximbank sử dụng để cho vay, cấp tín dụng cho khách hàng theo từng thời kỳ.
Tại ĐHCĐ lần 2 của Eximbank, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch tổng tài sản sẽ tăng 7,9%, đạt 179.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Trong đó, số dư huy động vốn dự kiến tăng 7,4%, đạt 147.600 tỷ đồng và tín dụng tăng 10%, đạt 127.149 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thông báo, trong điều kiện thuận lợi, ngân hàng sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức này. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng Eximbank đặt ra không quá 1,7%.
Với các chỉ tiêu trên, Eximbank dự kiến thu về 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, tăng 107,5% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Eximbank chỉ đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2020. Nếu đạt được mức lợi nhuận này, sẽ là mức lợi nhuận cao nhất Eximbank đạt được 10 năm trở lại đây.
Quý đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 809 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần cùng kỳ. Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản Eximbank tăng 3,9% lên 172.343 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 6,9% đạt 122.553 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 1,2% đạt 139.249 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu là 1,98%.