Đường rừng được đổ bêtông khá bài bản dẫn vào khu vực bãi Đá Trứng - Ảnh: DUY NGỌC
"Thật là hài hước, khi dưới tấm panô ghi 'Khu vực đất công - Nhà nước quản lý, nghiêm cấm tất cả các hành vi lấn, chiếm, xây dựng, mua, bán, sang nhượng trái với các quy định pháp luật', là hàng loạt nhà, công trình, đường bêtông xuống tận mép biển xây dựng kiên cố nhằm mục đích mở quán ăn, homestay, điểm du lịch... có thu phí do một số cá nhân tự làm", một người dân địa phương nói.
Gần đây, người dân gần bãi Đá Trứng, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) rất bất bình trước tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm du lịch nhưng không bị ngăn chặn, xử lý. Việc này ngày càng tăng lên và ngang nhiên hơn.
Có mặt tại hiện trường, Tuổi Trẻ Online ghi nhận vụ việc lấn chiếm diễn ra trên một khu vực rộng khoảng 60ha, là đất công do UBND xã Phước Dinh quản lý. Nhìn từ trên cao, khu vực bãi Đá Trứng đang bị đào bới nham nhở.
Đi sâu vào trong, đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây, dựng những hàng rào bằng sắt, gỗ với những cánh cổng kiên cố, thậm chí là khóa trái để người ngoài không thể xâm nhập vào bên trong.
Hàng rào kiên cố, được khóa trái không cho người ngoài xâm nhập vào bên trong - Ảnh: DUY NGỌC
Chị H. (TP Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết đợt rồi chị có ghé vào một điểm có để tên quán Cô Xuông tại bãi Đá Trứng để chụp hình hoa bằng lăng. Sau khi chụp xong, chị và bạn bất ngờ vì bị thu 10.000 đồng/người.
"Tôi thấy ở đây thiên nhiên rất đẹp nhưng hiện giờ đang bị một số cá nhân lợi dụng để mở điểm du lịch có thu phí tùy tiện và việc lấn chiếm có thể hủy hoại thiên nhiên", chị H. nói.
Theo người dân địa phương, việc lấn chiếm đất rừng diễn ra từ năm 2015, thời điểm đó UBND xã Phước Dinh đã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Thuận Nam kiểm tra, phát hiện ông Nguyễn Văn Vương (ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh) đã có hành vi chiếm đất rừng phòng hộ trái phép và ra quyết định xử phạt.
Thế nhưng, đến nay tình trạng trên vẫn chưa xử lý triệt để, diện tích đất bị lấn chiếm ngày càng có dấu hiệu gia tăng.
Vật liệu xây dựng ngổn ngang tại bãi Đá Trứng - Ảnh: DUY NGỌC
Nói về tình trạng trên, ông Lê Xuân Hòa, phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, cho biết UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng ở khu vực bã Đá Trứng, giao về địa phương quản lý. Do đó, bãi Đá Trứng nằm ngoài lâm phần quản lý của ban.
Tuy nhiên, ban cũng đã có nhiều đợt kiểm tra, nắm tình hình địa bàn của lực lượng bảo vệ rừng. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay tình trạng người dân vào khu vực bãi Đá Trứng tác động làm thay đổi hiện trạng ban đầu như phát dọn cây bụi, đảo xúc đất, làm đường mòn xuống khu vực biển, làm đường bêtông xuống bãi biển, trồng cây, làm chòi, làm nhà ở, làm ao hồ chứa nước, sang nhượng đất...
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Lộc, chủ tịch UBND xã Phước Dinh, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do bãi Đá Trứng xa khu vực hành chính của xã, người dân thực hiện việc lấn chiếm vào ngày thứ bảy, chủ nhật và ban đêm...
UBND xã Phước Dinh xác định có 6 hộ dân ở địa phương đã lấn chiếm khoảng 35ha đất ở khu vực bãi Đá Trứng. "Xã xác nhận trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên là của địa phương. Trong tháng 6-2022 xã sẽ xử lý dứt điểm", ông Lộc khẳng định.
Nhiều du khách cho rằng bãi Đá Trứng được biết đến là nơi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đẹp nhất khu vực Mũi Dinh (huyện Thuận Nam), nhưng hiện nay khu vực này đang nhường chỗ cho những hoạt động lấn chiếm đất, xây dựng trái phép lam nham như vậy là một sự lãng phí quá lớn.
Dưới chân bảng cấm là hàng loạt căn nhà bằng gỗ, nhà xây dựng kiên cố mọc trong đất rừng do UBND xã Phước Dinh quản lý - Ảnh: DUY NGỌC
Người dân phải mất phí để vào tham quan tại khu vực bãi Đá Trứng - Ảnh: DUY NGỌC
Hàng rào, cổng sắt xây dựng kiên cố - Ảnh: DUY NGỌC
Đất rừng bị chiếm để phục vụ cho mục đích cá nhân - Ảnh: DUY NGỌC
TTO - Dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng cây nông nghiệp dọc quốc lộ 28 kém hiệu quả nên UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi và giao về địa phương quản lý hơn 3 năm nay nhưng vẫn bị lấn chiếm, buộc phải cưỡng chế...
Xem thêm: mth.24861446161602202-hcil-ud-mal-ed-oh-gnohp-gnur-tad-meihc-nal-neihn-gnagn/nv.ertiout