Tay trắng lập nghiệp nơi đất khách quê người, Khanh Ngô trở thành triệu phú USD ở tuổi 33.
Khanh Ngô hiện giữ vị trí COO tại công ty Harvest Moon LLC; CEO tại công ty Hundson Truong Inc; Founder & CEO của KHANH LLC ở Mỹ về lĩnh vực bất động sản và đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra anh còn là nhà sáng lập, điều hành cộng đồng Young & Successful Việt Nam - nơi chia sẻ nhiều kinh nghiệm startup rất bổ ích, đặc biệt giá trị cho các bạn trẻ đã và đang thực hiện giấc mơ khởi nghiệp từ ‘hai bàn tay trắng’.
Qua Mỹ khi chỉ mới 10 tuổi, ở nơi đất khách quê người, anh đã gặp phải những khó khăn gì?
Ba mẹ tôi là người gốc Quảng Trị, đến Đồng Nai lập nghiệp và sinh sống. Đến năm 10 tuổi, tôi cùng mẹ, anh trai và em gái sang Mỹ sinh sống.
Đặt chân đến mảnh đất xa lạ, cậu bé 10 tuổi như tôi lúc đó không biết tiếng Anh nên chẳng thể kết bạn, không có ba bên cạnh, mẹ thì bận rộn kiếm sống, cộng thêm sự khác biệt về văn hóa càng đẩy tôi ra xa, không thể hòa nhập với mọi người.
Ở trường, tôi bị bạn bè trêu chọc và kỳ thị, điều đó hình thành trong tôi một nỗi sợ rất lớn. Đi học với tôi thực sự là một sự tra tấn. Vì thế, những năm đầu ở Mỹ, tôi không tập trung vào việc học và tự thu mình lại.
Lúc đó, tôi không biết đối mặt với những nỗi sợ đó như thế nào nên chỉ biết trốn tránh. Trong lớp, tôi ngồi yên một chỗ, nhiều bữa trong giờ ăn tôi phải trốn trong nhà vệ sinh, không dám ra ngoài vì bị trêu chọc. Những lúc như vậy, thầy cô giáo cũng rất đồng cảm và thương tôi nhưng cũng không giúp gì được.
Anh làm thế nào để thoát ra khỏi bóng đen tâm lý đó?
Mọi chuyện xảy ra giống như một bộ phim vậy, lúc đầu, tôi không hiểu tại sao nó lại diễn ra như thế, nhưng cuối cùng, sẽ có một khoảnh khắc mình nhận ra rằng "à giờ thì mình hiểu ra rồi, hóa ra lý do là vậy".
Trong câu chuyện của tôi, lúc bản thân 10 - 11 tuổi, tôi không hiểu nhiều thứ và trốn tránh hoàn cảnh. Ngày đó, cuộc sống của mẹ con tôi cực lắm, cực hơn làm rẫy, làm ruộng nữa. Rồi cả những nỗi đau bị ăn hiếp, bị kỳ thị cứ bủa vây lấy tôi. Thậm chí đến lúc tốt nghiệp đại học và có việc làm thì những điều đó vẫn chưa thôi ám ảnh.
Tôi vẫn mắc kẹt trong cái không gian rất mơ hồ đó, không có định hướng rõ ràng, không biết mình phải làm gì cả. Mãi đến 3-4 năm sau khi bắt đầu bước chân vào con đường khởi nghiệp thì tôi mới vượt qua nó.
Trong hành trình đó, anh thấy mình đã học hỏi được những gì?
Tôi khám phá ra, mình đã thật sự thử thách được chính bản thân. Tôi đã đối mặt với nỗi lo sợ để đưa mình thoát ra khỏi bóng đen tâm lý và thực hiện ước mơ. Tôi hiểu được lý do tại sao mình cần phải nỗ lực, cần phải tiếp tục cố gắng và cuối cùng tôi cũng hiểu được lý do tại sao mẹ lại dẫn anh em tôi đi.
Dần dần, tôi biết mình cần phải thành công và trở thành trụ cột cho cả gia đình và những người ở thế hệ sau. Tôi cảm thấy nếu mình không vượt qua được những ám ảnh đó thì có lẽ nó sẽ theo mình suốt đời, theo mình đến bao giờ mà mình học được nó mới thôi.
Đó cũng là những bài học đầu tiên trong đời của tôi. Nếu như ngày ấy tôi không vượt qua được thì có lẽ đến tận bây giờ, tôi vẫn đang mắc kẹt, mắc kẹt trên chính đất Mỹ, mắc kẹt trong chính cuộc đời mình.
Nếu được dùng 1 cụm từ để diễn tả lại khoảng thời gian đó, anh sẽ dùng cụm từ nào?
Chắc là lòng can đảm: can đảm không phải không biết sợ mà là dám đối mặt được với nỗi sợ đó, đối mặt với những điều không biết để vượt qua. Tôi nghĩ trong hành trình của chính mình, tôi đã làm được điều đó.
Từng tốt nghiệp ngành Thiên văn học ở Mỹ và có thời gian làm việc tại phòng nghiên cứu, lý do nào khiến anh gác lại công việc đó và chuyển hướng sang kinh doanh?
Có 3 lý do dẫn đến sự chuyển hướng này. Đầu tiên là sau khi ra trường, bề ngoài, tôi đang sống trong "giấc mơ Mỹ", tức là có tấm bằng đại học tốt, có được công việc ổn định với thu nhập cao tại một công ty lớn ở Mỹ. Đó là điều mà nhiều người mong muốn nhưng trong thâm tâm, tôi không hề thích công việc đang làm, thậm chí là cảm thấy chán nản vì nó đang giới hạn bản thân tôi.
Lúc đó, tôi mắc nợ 110.000 USD cho tiền học phí, tiền mua trả góp xe và tiền thẻ tín dụng. Lương cao nhưng tôi lại không biết quản lý tài chính, có bao nhiêu xài và trả nợ bấy nhiêu. Cuộc sống cứ luẩn quẩn mãi trong cái vòng xoáy đi làm - trả nợ khiến tôi cảm thấy rất bế tắc, không có được tự do. Tôi không muốn cuộc sống của mình cứ lặp đi lặp lại trong chán chường như vậy nữa nên quyết định phải khởi nghiệp.
Lý do thứ hai là những năm đầu khi tôi mới đi làm, mẹ tôi vẫn phải làm việc 1 ngày 16 tiếng mà tôi không có khả năng để giúp đỡ cho mẹ. Lúc đó, tôi chỉ khao khát mỗi tuần có thể đưa cho mẹ 500 USD và nói với mẹ rằng bây giờ mẹ nghỉ công việc kia đi và chỉ làm một việc thôi, con sẽ phụ giúp mẹ, nhưng tôi không làm được.
Một lý do nữa là tới thời điểm đó là 12 năm trời tôi chưa được gặp lại ba của mình. Trước đó, mẹ và em gái có về nước thăm ba 2 lần, còn tôi và anh trai không thể về được vì không có tiền. Ba tôi lúc đó cũng đã hơn 70 tuổi rồi nên tôi cảm thấy rất lo sợ… Tôi phải làm gì đó để có tiền về thăm ba.
Khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải khi làm việc trái ngành là gì?
Có lẽ là kỹ năng. Khi bắt đầu, tôi phát hiện ra mình chẳng có một kỹ năng nào cả. Kỹ năng về sale, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sắp xếp công việc, thậm chí là ăn mặc như thế nào để phù hợp với công việc… tất cả những cái cơ bản đó tôi đều thiếu.
Lúc đó, tôi cảm thấy mình giống như vừa được ai đó trao cho một chiếc chìa khóa xe, nhưng bản thân lại không biết lái, cũng chẳng biết luật. Và rồi, tôi cứ phải vừa làm vừa mò mẫm.
Anh đã trải qua những công việc nào trước khi khởi nghiệp và trở thành ông chủ?
Lúc mới chuyển hướng công việc, tư duy của tôi là cứ công việc gì làm ra tiền thì tôi làm. Từ chạy bàn, hái dâu, làm bảo vệ đến làm sale điện tử, bán hàng qua điện thoại, gõ cửa từng nhà để bán bảo hiểm, bán dao… đó là những công việc giúp tôi có thêm thu nhập. Dù làm việc với một tâm thái rất vui vẻ, nhưng lúc đó tôi cũng xác định rằng bản thân sẽ không gắn bó lâu dài với những công việc đó.
Trên hành trình khởi nghiệp của mình, có cột mốc nào mà anh thấy đặc biệt quan trọng, quyết định đến thành công sau này của anh hay không?
Có lẽ đó là ngày tôi được gặp Michael Mo, người thầy của tôi. Thời điểm đó, tư duy của tôi còn rất non nớt. Tôi thấy mình không bằng người khác, mình khó mà làm được như người ta và nghĩ nên an phận thì hơn. Nhưng rồi kể từ lúc thấy thầy đứng trên sân khấu chia sẻ câu chuyện của thầy, tôi đã được khai sáng.
Hoàn cảnh của thầy với tôi giống nhau: bằng tuổi và đều là người châu Á, qua Mỹ cùng với gia đình từ nhỏ. Điều khác biệt chính là dù thầy nghỉ học đại học nhưng đã trở thành triệu phú, lo được cho ba mẹ và giúp đỡ anh em trong nhà. Ai cũng nể phục thầy, ai cũng muốn được chụp hình và trò chuyện với thầy.
Lúc tôi nghe câu chuyện của thầy, tôi cảm thấy mình thật kém cỏi, bởi khi đem ra so sánh, người ta đã là triệu phú còn tôi thì vẫn đang mắc nợ. Nhưng qua đó, tôi lại có thêm một niềm hy vọng: nếu thầy làm được, tại sao mình lại không.
Dù vậy, sau ngày gặp gỡ đó, mãi đến gần 2 năm sau thì tôi mới dám mời thầy đi cà phê, và sau đó là những năm tháng cố gắng làm việc để chứng minh bản thân để thầy chấp nhận tôi làm học trò. Michael đã dạy cho tôi từng bài học trong kinh doanh và cuộc sống, kéo tôi ra khỏi chuỗi ngày tăm tối, giúp tôi đạt được sự tự do thời gian và tự do tài chính cho mình.
Năm 33 tuổi, anh kiếm được một triệu USD đầu tiên trong đời, khi đó anh đang làm thuê hay đã là ông chủ?
Lúc tôi kiếm được 1 triệu USD cũng là lúc tôi bắt đầu có sự nghiệp riêng, có công ty riêng. Ở tuổi 33, tôi thấy như thế là muộn. Từ đầu đến cuối, tôi luôn cảm thấy mình là người rất chậm và không có tài.
Trước đó, tôi vẫn còn làm những công việc bán bảo hiểm để có sự dữ trữ trong nguồn thu nhập và dành 80% năng lượng, thời gian và tinh thần vào công việc sale để phát triển. Khi quyết định nghỉ việc, thầy của tôi lúc đó cũng bắt đầu chấp nhận hỗ trợ tôi. Thầy bảo tôi là đã đến lúc rồi, và đây là cơ hội mà mình phải đón nhận và tập trung để phát triển.
Sau khi nghe thầy nói vậy thì tôi mới bắt đầu từ bỏ những công việc khác tập trung để phát triển cá nhân.
Giờ đây khi đã là COO, CEO của 3 công ty khác nhau ở Mỹ, anh định nghĩa thế nào là thành công?
Thành công đơn giản là đạt được những gì mình muốn chứ không phải những gì người khác muốn hay xã hội muốn. Tiêu chuẩn thành công của mỗi người là tùy thuộc vào mỗi người.
Thành công của tôi khác với thành công của bạn. Tôi muốn đi câu cá, đi từ thiện suốt ngày và tôi thật sự đã làm được những điều đó ở tuổi 40 tuổi. Đó là thành công của tôi.
Đang phát triển ở Mỹ, tại sao anh lại quyết định về nước và thực hiện dự án Young & Successful Việt Nam?
Trong một chuyến công tác ở Quảng Đông, tôi cùng mấy anh em về Việt Nam chơi. Lần đó, mọi người có hỏi tôi là tại sao Khanh không thử đầu tư về Việt Nam vì nước mình đang phát triển. Tuy chỉ là cuộc trò chuyện vui vơ thôi nhưng khi trở về Mỹ, câu nói đó cứ làm tôi nhức nhối. Tôi tự hỏi mình rằng tại sao mình không tìm hiểu quê hương và làm một điều gì đó để tìm về cội nguồn của mình và để mình thỏa nguyện trong thâm tâm.
Thế rồi tôi bắt đầu tìm hiểu và nhận thấy rằng nước ta trong 15-20 năm tới sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Tôi muốn làm, đầu tư gì đó để giúp những startup trẻ khởi nghiệp vững vàng và tự tin bước ra thị trường thế giới.
Đầu tư ở đây không phải vì để kiếm tiền, không phải vì thấy "béo bở" nên nhảy vào. Tôi không phải là một người có tham vọng lớn, cũng không còn tham vọng kiếm thêm tiền. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu bản thân có thể cống hiến 1 cái gì có ý nghĩa cho sau này thì tôi rất vui, chỉ vậy thôi.
Dự án Young & Successful Việt Nam được hình thành như thế nào và mục tiêu mà anh muốn gửi gắm qua đó là gì?
4-5 năm về trước, tôi có mở 1 hệ thống về sale với mục tiêu đào tạo các bạn các kỹ năng làm việc. Cứ mỗi tuần, tôi lại dành ra 1 tiếng làm livestream để chia sẻ và giao lưu với các bạn trẻ. Mỗi lần như thế, họ cho tôi nhiều ý tưởng hay và đề xuất thành lập cộng đồng Young & Successful Việt Nam.
Đến bây giờ, cộng đồng Young & Successful đã có rất nhiều thành viên. Dù không biết được dự án này sẽ đi đến đâu, giúp đỡ được bao nhiêu người nhưng tôi chắc chắn rằng trước mắt sẽ có nhiều cơ hội để có thể kết nối đầu tư với các bạn. Trong tương lai, tôi hy vọng mình có thể đem về một số vốn để giúp đỡ các startup trẻ khởi nghiệp. Chỉ cần các bạn trẻ có ý tưởng hay, có năng lực, có sự chịu khó học hỏi để phát triển thì tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Tôi tin vào khả năng của mình, tin vào những điều đang làm và tin vào những trải nghiệm của tôi. Đó là mục tiêu của tôi khi tạo ra Young & Successful.
Là một người đã tiếp xúc và giúp đỡ rất nhiều bạn trẻ ở nhiều quốc gia khác nhau, vậy theo anh, những đặc điểm nào ở giới trẻ Việt có thể xem là điểm mạnh khi khởi nghiệp?
Người trẻ ở Việt Nam có tài, có sự nỗ lực nhưng đa số chưa tìm được hướng đi cho mình.
Trí tuệ của chúng ta không hề thua kém người nước ngoài, chỉ cần mình mang đúng nguồn năng lượng, mình có cái nhìn thực tế, có phong thái làm việc của thế giới thì mình chắc chắn có thể thành công.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ đang có tư duy "outdated". Điều này cũng giống như 1 chiếc điện thoại, 3-4 tháng phải update 1 lần, nếu không update thì chiếc điện thoại đó sẽ bị cũ đi. Thế giới mà chúng ta đang sống cũng vậy, chúng ta nên bắt kịp xu hướng để phát triển. Hãy chơi trên sân khấu của thế giới, đừng chơi trên sân khấu của địa phương.
Tại sao anh lại muốn dùng con chữ, cụ thể là viết sách, để "dẫn đường" cho các bạn trẻ mà không phải là một hình thức khác?
Tôi viết sách là để trả lời hơn 10.000 email của các bạn trẻ mà tôi nhận được. Khi đọc những email đó, tôi nhận ra nhiều bạn đang mơ mộng về quá trình khởi nghiệp. Họ chỉ thấy những cái gì đẹp đẽ mà không thấy được hành trình để có được thành công.
Tôi đã trò chuyện với rất nhiều bạn, 35-40 tuổi khởi nghiệp không phải là muộn. Trong thế giới bây giờ, tôi thấy 5-7 năm có thể kiếm 1 triệu USD là điều dễ dàng. Điều quan trọng là tôi muốn mọi người thực tế và thức tỉnh trong chặng đường khởi nghiệp của mình, đó là bước đầu tiên để không bị mất đi tinh thần, mất đi năng lượng, mất đi cái đà của mình. Nếu thất bại, những cái đó rất khó để lấy lại được.
Ngày trước, tôi từng gặp khó khăn trong quá trình khởi nghiệp nên mong muốn có 1 người thầy xuất hiện để giúp đỡ và chỉ đường cho mình. Sau khi đọc những email đó, tôi muốn là người dẫn đường cho các bạn trẻ giống như tôi lúc đó. Thông qua cuốn sách này, tôi mong muốn được trao cho các bạn trẻ những giá trị mà mình có, giúp các bạn thành công hơn trên con đường tạo dựng sự nghiệp của mình.
Tôi hy vọng rằng, sản phẩm đúc rút từ trải nghiệm mà tôi đã đi qua, từ quan sát thực tế sẽ mang đến cho bạn trẻ cách tiếp cận đơn giản, gần gũi và ứng dụng hiệu quả trên con đường khởi nghiệp của họ.
Cảm ơn anh vì cuộc nói chuyện thú vị này!
https://cafef.vn/doanh-nhan-8x-khanh-ngo-tu-cau-be-viet-mac-ket-trong-giac-mo-my-toi-trieu-phu-usd-toi-khong-con-tham-vong-kiem-tien-nua-chi-muon-giup-cac-ban-tre-khoi-nghiep-20220616174325676.chnTheo Ánh Lê
Trí Thức Trẻ