Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 41 thế giới về quy mô GDP và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh CEBR dự báo năm 2022 sẽ tăng 5 bậc lên vị trí thứ 36. Đến năm 2026, dự báo Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất, năm 2031 sẽ đứng thứ 24 và năm 2036 vươn lên đứng thứ 20.
Theo dự báo của IMF, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571,12 tỷ USD. Xếp sau Indonesia (1630 tỷ USD) và Thái Lan (632,45 tỷ USD) và vượt qua Malaysia (556 tỷ USD), Philippines (523,53 tỷ USD), Singapore (496,81 tỷ USD).
Về GDP bình quân đầu người danh nghĩa, theo IMF, Việt Nam trong năm 2021 đứng thứ 6 trong khu vực và thứ 124 trên thế giới, đạt khoảng 3.743 USD.
Theo dự báo của IMF, đến năm 2026, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-6 về GDP bình quân đầu người, đạt 6.140 USD/người. Xếp sau Singapore (97.316 USD/người), Malaysia (17.121 USD/người), Thái Lan (9.480 USD/người) và vượt qua Indonesia (6.125 USD/người), Philippines (4.801 USD/người).
Vậy GDP bình quân đầu người theo ngang giá sức mua thì sao?
Theo dữ liệu cập nhật nhất của World Bank về GDP bình quân đầu người theo ngang giá sức mua của các quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 121 thế giới về GDP bình quân trong tổng số 190 có dữ liệu vào năm 2020.
Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6 về GDP bình quân đầu người theo ngang giá sức mua, đạt 8.650 USD/người/năm. Xếp sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và xếp trên Philippines, Lào, Myanmar, Campuchia và Timor-Leste.
Thứ tự này không có sự thay đổi so với GDP danh nghĩa bình quân đầu người. Tuy nhiên, nếu như chênh lệch giữa GDP bình quân danh nghĩa của Singapore và Việt Nam là 17,7 lần, thì theo PPP giảm xuống chỉ còn 11,4 lần.
Con số này với Brunei cũng giảm từ 9,1 lần xuống còn 7,6 lần. Với Malaysia lại tăng từ 2,97 lên 3,2 lần. Với Thái Lan gần như không thay đổi (2,08 và 2,1). Với Indonesia tăng từ 1,1 lên 1,4.
GDP đầu người theo sức mua tương đương - GDP (PPP) per capita - là một công cụ kinh tế dùng để so sánh năng suất kinh tế và mức sống của người dân ở một quốc gia. Trong đó sức mua tương đương (PPP) là một lý thuyết kinh tế so sánh tiền tệ của các nước thông qua cách cho họ cùng tiếp cận "1 rổ hàng hóa".
Khi được áp dụng cho các phép đo GDP, PPP có thể giúp cung cấp một bức tranh đa chiều hơn về năng suất thực tế.
GDP theo sức mua (PPP) liên quan đến việc tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước. Cùng một lượng hàng hóa của một loại hàng hoá, khi bán ở hai nước khác nhau bằng đơn vị tiền tệ của hai nước đó thì số tiền phải bỏ ra ra sao, rồi từ đó so sánh sức mua của hai đơn vị tiền tệ.
GDP PPP là rất quan trọng khi tính toán về tiêu chuẩn sống tại một quốc gia. Ví dụ, 1 USD ở Ấn Độ có thể mua được số hàng hóa tương đương 4 USD ở Nhật Bản. Hay cùng với thu nhập 1.000 USD/tháng, một người có thể sẽ không đủ chi tiêu khi sống ở các nước có mức giá hàng hóa cao như Nhật Bản, nhưng nếu ở Ấn Độ thì họ lại được coi là dư dả.
https://cafef.vn/gdp-binh-quan-dau-nguoi-theo-ngang-gia-suc-mua-cua-viet-nam-dung-thu-bao-nhieu-the-gioi-20220616170638196.chn