Hội thảo Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt với khoảng 400 khách mời có sự hiện diện và phát biểu của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính… cùng lãnh đạo các đơn vị có đóng góp rất lớn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam như Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt nam, Ngân hàng Sacombank, MBBank, Visa VN, MasterCard, HDBank, ACB, SaigonCoop…
Lãnh đạo các bộ ngành, ngân hàng, doanh nghiệp sẽ tập trung trao đổi 2 chủ đề chính của hội thảo là: Chuyển đổi số ngành ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và Ứng dụng thanh toán không tiền mặt trong thực tiễn.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước sẽ có bài tham luận về chuyển đổi số ngành ngân hàng và những kết quả bước đầu. Lãnh đạo Bộ Công an tham luận về đề án 06 và ứng dụng khai thác dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ phát triển kinh tế. An ninh an toàn trong thanh toán và chuyển đổi số để hướng đến xã hội không tiền mặt là nội dung được lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông chia sẻ.
Hội thảo Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt được tổ chức nhằm tiếp tục góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Ông Lê Anh Dũng - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết sau 3 năm tổ chức, sự kiện "Ngày không tiền mặt" đã khẳng định được ý nghĩa, sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo của người dân, doanh nghiệp.
Hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch COVID-19 đã khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên của người dùng.
Để đáp ứng nhu cầu - xu hướng đó, ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm.
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, và đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Hoạt động thanh toán đã một số kết quả nổi bật là tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%. Cả nước đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tính đến tháng 4 vừa qua, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Xem thêm: mth.80543430171602202-tam-neit-gnud-gnohk-ioh-ax-iot-gnouh-ed-os-iod-neyuhc-oaht-ioh/nv.ertiout