Basia Kolodzinski trong một buổi hỗ trợ luyện phát âm cho sinh viên Việt Nam - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Để sinh viên tự tin trước khách Tây
Cất giọng tiếng Anh chuẩn, Xaber (24 tuổi, giáo viên người Tây Ban Nha) "tố" rằng một vài tư trang quý giá trong phòng mình "không cánh mà bay", và đang cảm thấy vừa lo lắng, vừa khó chịu.
Ở phía đối diện, sinh viên lập tức phản hồi Xaber bằng tiếng Anh, tuần tự thực hiện đúng quy trình giải quyết các vụ việc báo mất cắp vừa được học. Đứng cạnh đó, cô Vũ Thị Thúy Vi - giáo viên chuyên ngành lễ tân khách sạn - chỉnh sửa cho các bạn trẻ từ lời nói đến dáng đứng sao cho chuyên nghiệp nhất, tránh làm mất lòng khách.
Trong khi đó, trong không gian mô phỏng quầy bar ở một nhà hàng, Miranda Perotti (27 tuổi, sinh viên người Ecuador) và Basia Kolodzinski (27 tuổi, chuyên gia về nước sạch người New Zealand) lại tổ chức một buổi hội thảo cho các sinh viên về những điều lưu ý khi khách Tây gọi món.
Hai cô gái giới thiệu một số câu nói thông dụng có thể áp dụng trong nhiều trường hợp khách nước ngoài muốn yêu cầu món (order). Cả Miranda và Basia sau đó đóng vai những thực khách sành ăn cho sinh viên đến chào hỏi và giới thiệu thực đơn (menu).
Đó là hai trong nhiều hoạt động mà hơn 10 tình nguyện viên quốc tế đang hằng ngày hỗ trợ chuyện giảng dạy tại Trường Du lịch và khách sạn Saigontourist. Cô Nguyễn Kim Anh - phó trưởng bộ môn ngoại ngữ - chia sẻ một số tình nguyện viên có chuyên môn tốt còn hỗ trợ các giảng viên chính trong các tiết học tiếng Anh, đặc biệt là những buổi luyện phát âm.
Do tình nguyện viên đến từ nhiều nơi trên thế giới, sinh viên sẽ có cơ hội giao tiếp với nhiều giọng tiếng Anh khác nhau, từ đó tăng thêm kỹ năng phản xạ và kinh nghiệm nghe nói.
Cô Kim Anh cho hay: "Vai trò giảng dạy vẫn sẽ thuộc về các thầy cô Việt Nam nhưng sự có mặt của các tình nguyện viên đã tạo nhiều cơ hội và động lực cho sinh viên rèn luyện tiếng Anh.
Trước đây, nhiều sinh viên khi thấy người nước ngoài vào quán ăn hay khách sạn là đùn đẩy nhau ra tiếp vì không tự tin vào trình độ tiếng Anh của mình. Từ khi có các tình nguyện viên, sinh viên của trường đã tự tin hơn rất nhiều".
"Phải đến Việt Nam"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Xaber Moreira cho biết mối lương duyên của anh và Việt Nam đã có từ rất lâu. Những năm 1980 - 1990, cha của Xaber - một kỹ sư người Tây Ban Nha - từng một đôi lần đến Việt Nam, tham gia vào những đoàn chuyên gia quốc tế trợ giúp tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Lòng yêu mến một quốc gia Viễn Đông xa xôi lớn dần theo năm tháng, ông thường kể cho Xaber về những kỷ niệm tươi đẹp ông có ở nước Việt, những ấn tượng ông nhớ mãi với con người Việt, văn hóa Việt. "Ông luôn nhắc tôi rằng nhất định một lần trong đời phải đến Việt Nam", Xaber nói.
Sau khi thế giới bước sang trạng thái "bình thường mới", Xaber lập tức đăng ký tới Việt Nam - nước đầu tiên ở châu Á mà anh đặt chân tới - rồi đăng ký trở thành tình nguyện viên dạy học. Ngay từ buổi gặp gỡ đầu, sinh viên đã chào đón Xaber nồng nhiệt, có bạn chụp hình selfie, bạn làm quen qua Facebook, thậm chí có bạn xin... chữ ký.
"Tôi hỗ trợ khoảng 5 - 6 ngày mỗi tuần và dành thời gian nói chuyện bằng tiếng Anh với các nhóm sinh viên ngoài giờ học. Chúng tôi có thể hẹn gặp nhau trò chuyện ở một quán cà phê, một tiệm phở, cơm tấm", Xaber chia sẻ.
Trong khi đó, ngày đầu nhận công việc tình nguyện trợ giảng cho lớp phát âm tiếng Anh lại mang tới cho Miranda Perotti một cảm giác lạ lẫm. Miranda cho biết các lớp ở Ecuador thường có đôi chút mất trật tự, ngược lại một tiết học tại Việt Nam thường có sự cân bằng giữa sự nghiêm túc trong phần lý thuyết và sự sôi nổi trong các hoạt động thực hành tại lớp.
Miranda rất yêu thích những trò chơi chia lớp ra thành nhiều đội, thi nhau đoán từ vựng, giải câu đố hay thử tài xử lý tình huống khi phục vụ khách hàng...
"Tôi sẽ ở Việt Nam thêm khoảng 2 tuần nữa, sau đó sẽ lên đường sang Tây Ban Nha nhập học chương trình học thạc sĩ về kinh doanh. Khi đó chắc tôi sẽ nhớ nơi này lắm", Miranda tâm sự.
Cảnh giác một số rủi ro
Bà Hoàng Xuân Quyên - đại diện tổ chức tình nguyện viên quốc tế The Green Lion tại Việt Nam - cho biết trước khi kết nối các tình nguyện viên đến hỗ trợ giảng dạy, một số tiêu chí sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng bao gồm khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát, trình độ chuyên môn nhất định, đặc biệt là lý lịch "sạch", các thông tin cá nhân rõ ràng. Họ sẽ phải gửi CV, qua một số vòng phỏng vấn và phải tuân thủ một số quy định xuất nhập cảnh tại Việt Nam.
Theo bà Võ Thị Mỹ Vân - hiệu trưởng Trường Du lịch và khách sạn Saigontourist, trường đang hỗ trợ các tình nguyện viên chỗ ăn ở, như một lời cảm ơn đến những giúp đỡ của họ. Bà Vân cho biết thêm cũng do hỗ trợ chỗ ở, trường phải có những biện pháp quản lý, kết nối với công an địa phương, nhằm đề phòng một số trường hợp xấu có thể xảy đến, nhất là rủi ro một số tình nguyện viên có thể vi phạm pháp luật trong thời gian ở Việt Nam.
Chọn Việt Nam sau đại dịch
Với Basia Kolodzinski, những ngày làm tình nguyện viên hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh là sự khởi đầu cho hành trình khám phá Việt Nam sắp tới. Theo Basia, đây là cách cô bắt đầu làm quen với nước Việt, tiếng Việt, con người Việt, văn hóa Việt. Như thế, chuyến du lịch của Basia sau đó sẽ trọn vẹn nhất, thu về được những trải nghiệm tốt nhất.
Cứ cuối tuần, Basia tranh thủ dạo quanh những di tích nổi tiếng ở TP.HCM. Basia cũng tham dự những chương trình biểu diễn nghệ thuật bằng tiếng Việt. "Sắp tới tôi sẽ ra miền Bắc, ghé thủ đô Hà Nội rồi Hạ Long. Đến Việt Nam trước tiên sau dịch COVID-19 là lựa chọn rất đúng của tôi bởi cảnh vật rất đẹp, đồ ăn ngon, con người lại hiền hòa", Basia nói.
TTO - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa có văn bản gửi các trường về việc liên kết đào tạo, đưa học sinh sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Người học có thể thi kết thúc môn học, mô đun và thi tốt nghiệp tại doanh nghiệp.
Xem thêm: mth.80453119071602202-man-teiv-ueih-ed-yad-neyugn-hnit/nv.ertiout