Mảnh đất Bình Thuận nổi danh với những bãi cát trắng chói chang và biển trời bát ngát xanh. Không chỉ là địa điểm du lịch lý tưởng, nơi đây còn lưu lại một câu chuyện khác rất ly kỳ và hấp dẫn về doanh nhân Larry Hillblom. Ông được coi là người Mỹ đầu tiên đầu tư vào mảnh đất này.
DOANH NHÂN TÀI BA
Doanh nhân Mỹ Larry Hillblom sinh năm 1943, từng tốt nghiệp trường Luật - Đại học Berkeley, bang California. Năm 1969, ông cùng hai người bạn là Adrian Dalsey và Robert Lynn, thành lập công ty chuyển phát nhanh, lấy chữ đầu của tên ba người ghép lại thành DHL. Điều đáng nói hơn, trong ba cái tên đó, Larry Hillblom từng là CEO của hãng và cũng là một doanh nhân huyền thoại từng gắn chặt với lộ trình mở cửa của Việt Nam.
Tỷ phú Mỹ Larry Hillblom (Ảnh: Internet)
Từ một công ty tư nhân dùng máy bay, giao nhận thư tín, các loại giấy tờ, vận đơn của tàu biển đến những cảng, nơi tàu sẽ cập bến, DHL trở thành hãng chuyển phát nhanh lớn và nổi tiếng nhất hành tinh. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, tập đoàn này đã mở rộng với hơn 200 chi nhánh trên toàn thế giới, với 285.000 nhân viên làm việc; 420 máy bay chở hàng, hơn 100 tàu biển, 76.200 xe vận tải, 450 kho hàng cùng các bất động sản khác.
Tổng tài sản của DHL được thể hiện trên sổ sách xấp xỉ 5,7 tỷ USD. Mỗi năm, DHL vận chuyển khoảng 1,5 tỉ chuyến hàng. Sự phát triển nhanh chóng này đã đưa Larry Hillblom vào hàng tỷ phú với tổng tài sản 1,6 tỷ USD vào thời điểm năm 1993. Đây cũng là thời điểm mà Larry Hillblom đến Việt Nam và tính chuyện làm ăn lâu dài ở đây.
CÁI DUYÊN VỚI BÌNH THUẬN
Sau thập niên 1980, tỷ phú này chuyển sang kinh doanh thêm lĩnh vực khách sạn, sân golf ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 1993, trong quá trình đầu tư ở Việt Nam, tỷ phú Larry bị thu hút bởi vẻ đẹp của Phan Thiết. Ông đã bỏ tiền ra mua lại khách sạn Vĩnh Thủy để nâng cấp thành khách sạn 4 sao vì phát hiện ra tiềm năng giàu có về du lịch biển ở thành phố này.
Ngoài ra, ông còn chi tiền cho dự án trị giá nhiều triệu USD nhằm khôi phục và mở rộng sân golf đầu tiên của Việt Nam – sân Đồi Cù tại Đà Lạt sau một thời gian bị bỏ hoang. Khi được hồi sinh, sân golf này trở thành sân gôn vô địch 18 hố, ngày nay là Dalat Golf Club. Đây là một trong những sân golf đẹp nhất châu Á - Thái Bình Dương lúc bấy giờ với thiết kế xây dựng đẳng cấp thế giới.
Tại Việt Nam, Larry Hillblom đã chi 40 triệu USD để trùng tu khách sạn Dalat Palace và sân golf Đồi Cù. Các khoản đầu tư khác bao gồm: khách sạn Novotel Đà Lạt, Novotel Phan Thiết, Sân golf Ocean Dunes và Khu Căn hộ bên sông Sài Gòn.
Như vậy, có thể thấy rằng câu chuyện sân golf đầu tiên của Việt Nam nói riêng và ngành du lịch golf Việt nói chung từng gắn liền với một nhân vật đến từ nước Mỹ, đó chính là tỷ phú Larry Hillblom.
MỐI TÌNH VỚI CÔ DỌN PHÒNG
Trong thời gian tại Phan Thiết, Larry Hillblom gặp và có mối tình chớp nhoáng với cô hầu phòng Nguyễn Thị Bé. Vì nhà nghèo, cô Bé được một người họ hàng xin cho vào làm ở khách sạn Vĩnh Thủy.
Cô Bé không biết tiếng Anh và Larry cũng gần như không biết tiếng Việt, nhưng vẻ hồn nhiên khờ dại của cô gái này đã hấp dẫn vị tỷ phú người Mỹ. Cô Bé tâm sự rằng bản thân cô hoàn toàn không biết Larry là một tỷ phú bởi ông thường ăn mặc khá giản dị với quần jean, áo thun hết sức bụi bặm. Thỉnh thoảng, tỷ phú này mới diện veston để ký kết hợp đồng với các đối tác hay tiếp khách.
Cô Nguyễn Thị Bé và con trai (Ảnh: Internet)
Khi mang bầu, cô Bé cũng không dám thú nhận điều đó với ông chủ mà lẳng lặng quay về Tân Xuân sinh con và đặt tên cậu bé là Nguyễn Bé Lory. Vốn dĩ cái tên này là tên được ghép từ tên của mẹ và người bố, thế nhưng khi đi làm khai sinh cho cháu, cha cô ghi lộn chữ Larry thành Lory. Cứ thế, cậu bé lớn lên trong nghèo khó cùng mẹ với ông bà ngoại trong tình cảnh chạy ăn từng bữa khốn khó vô cùng.
Nghe tin cô Bé sinh con, một người bạn của cô đã đến chụp cô và bé Lory rồi gửi lên Đà Lạt cho người thân cận chuyển đến Larry. Nhờ những tấm ảnh này, Larry mới biết mình có con rơi ở Việt Nam. Năm 1995, một thanh niên đến làm thuê ở gần nhà xót thương hoàn cảnh của hai mẹ con nên đã ngỏ lời cầu hôn cô Bé. Cứ thế, cậu bé Lory sống yên bình bên mẹ và cha dượng mà không hề hay tin gì về người bố của mình.
CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH TÀI SẢN CỦA NHỮNG ĐỨA CON
Tháng 5 năm 1995, tỷ phú Larry tử nạn trong một tai nạn máy bay khi đi quan sát núi lửa ở đảo Saipan, nơi có ngôi biệt thự ông đang sinh sống. Tìm kiếm suốt một thời gian dài, nhân viên cứu hộ chỉ vớt được xác bạn ông và viên phi công, còn vị tỷ phú đào hoa thì mãi mãi biến mất để lại khối tài sản khổng lồ gồm cổ phiếu, tiền mặt, đồ cổ và nhiều bất động sản khác.
Sau cái chết của Larry Hillblom, hàng loạt "đứa con rơi" ở nhiều nơi trên thế giới xin được chia một phần trong số tài sản khổng lồ của ông, trong đó có cậu bé Lory. Sau khi hay tin về cái chết bất ngờ của tỷ phú này, chị Bé đã liên lạc với một người bạn từng làm ở khách sạn Vĩnh Thủy, thông báo đứa con mình chính là con của ông chủ khách sạn. Người này lập tức liên lạc với luật sư John Veague, đặc trách vấn đề chia tài sản của Larry.
Theo đó, cùng với Lory còn có hơn 10 đứa trẻ được cho là con rơi của ông đã đứng ra tranh chấp khối tài sản khổng lồ. Cuộc chiến pháp lý để tranh giành quyền thừa kế này đã gây rúng động thế giới trong một thời gian dài với sự phức tạp và ẩn chứa nhiều tình tiết ly kỳ.
Theo luật của đảo Saipan (thuộc nước Mỹ) nơi đại gia cư trú: Sau khi cha mẹ chết, bất kể là con có hôn thú hay không, khi chứng minh được đúng là con thật thì sẽ được chia gia tài. Tuy nhiên, việc xét nghiệm ADN trở nên vô cùng khó khăn do không tìm được xác của vị đại gia xấu số, ngoài ra những vật dụng cá nhân của ông ở những nơi từng lui đến cũng biến mất một cách kỳ lạ.
Rất may sau đó, Tổ chức giám định của Mỹ đã lấy chính máu của mẹ của Larry để xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong hơn 10 đứa trẻ tự nhận, chỉ có 4 đứa trẻ thực sự là máu mủ của ông, gồm Nguyễn Bé Lory, một người nữa ở đảo Guam và hai người con ở Philippines.
Nguyễn Bé Lory giờ đã trưởng thành. (Ảnh: Internet)
Ngay sau khi biết chính xác Nguyễn Bé Lory là con ruột của tỷ phú Larry Hillblom qua kết quả xét nghiệm ADN, hai luật sư John Veaque và Garrick Gallager đã làm thủ tục, đưa mẹ con Nguyễn Thị Bé và Nguyễn Bé Lory ra khỏi Việt Nam để đến sinh sống tại Mỹ. Theo thông tin vào giai đoạn đó, tổng số tiền mà 4 đứa "con thật" của tỷ phú này sẽ được hưởng là 300 triệu USD, nhưng họ chỉ thực nhận mỗi người 30 USD triệu vì phải nộp thuế liên bang và thuế lợi tức. Riêng Bệnh viện UC San Francisco được 200 triệu USD.
Lory được đứng tên sở hữu số tài sản vào năm 2012, nhưng vì còn đi học nên hai mẹ con đã đồng ý để những người quản lý đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác để tăng thêm số tài sản khổng lồ này. Cuối năm 2015, Nguyễn Bé Lory sau khi đủ 21 tuổi đã được hưởng gia sản lên đến gần 100 triệu USD bao gồm cả tiền gốc và lãi. Lần về Việt Nam gần đây, Lory và mẹ cũng đã ghé thăm khách sạn nơi người cha của anh đã bỏ tiền ra đầu tư.
Được biết, hiện tại mẹ con Nguyễn Bé Lory sống tại một thị trấn ở bờ biển phía đông nước Mỹ. Chàng trai mang dòng máu Việt – Mỹ nay đã trở thành một triệu phú trẻ ở xứ cờ hoa với lối sống giản dị đến bất ngờ.
(Tổng hợp)
https://cafef.vn/so-phan-ky-la-cua-dai-gia-my-tung-co-chuyen-tinh-nuc-tieng-mot-thoi-voi-co-don-phong-nguoi-viet-la-nguoi-khai-sang-du-lich-golf-viet-tai-gioi-va-dao-hoa-nhung-bac-menh-20220617015328367.chnTheo Ánh Lê
Trí Thức Trẻ