Cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu để thúc đẩy phát triển điện mặt trời - Ảnh: N.HIỂN
Ngày 17-6, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tổ chức hội thảo "Cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững".
Ông Nguyễn Anh Tú - phó ban kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho hay để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong quy hoạch điện VII và điện VIII điều chỉnh, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2011 - 2020 của EVN là hơn 22.000 tỉ đồng, bình quân 5 tỉ USD một năm.
EVN đảm bảo thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch 5 năm, nhưng việc huy động vốn để đầu tư của EVN cũng gặp khó khăn nhất định.
Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, phương án điều hành cao - chuyển đổi năng lượng thì tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 165,7 tỉ USD, trong đó nguồn điện là hơn 131,2 tỉ USD, lưới điện khoảng 34,5 tỉ USD.
Theo đó, bình quân mỗi năm cần đầu tư 3,45 tỉ USD, trong khi thực tế triển khai giai đoạn 2011 - 2020 mỗi năm EVN, EVNNPT thu xếp chỉ khoảng 1 tỉ USD cho lưới điện truyền tải.
Vì vậy, ông Tú cho rằng rất cần cơ chế cụ thể, rõ ràng hơn về xã hội hóa đầu tư, khuyến khích tư nhân đầu tư vào truyền tải điện.
Luật điện lực sửa đổi, bổ sung một số điều đã cho phép tư nhân tham gia đầu tư truyền tải, nhưng đã gần nửa năm vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết từ cơ quan quản lý về vấn đề này, nhất là về giá truyền tải, quản lý chi phí đầu tư, quản lý nhà nước trong kiểm soát, đảm bảo an ninh lưới truyền tải khi cho tư nhân đầu tư.
Với nguồn vốn đầu tư cho ngành điện mỗi năm rất lớn, khoảng 12,8 - 13 tỉ USD, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia năng lượng, lưu ý khi xem xét phê duyệt quy hoạch điện VIII cần xem lại quy hoạch nguồn, lưới điện hợp lý để không phải có lượng vốn đầu tư lớn như vậy.
"Điện VII điều chỉnh không thực hiện được dù vốn ít hơn, thì nếu lượng vốn đầu tư theo dự thảo quy hoạch điện VIII lớn như vậy sẽ không khả thi" - ông Duệ nói và cho rằng tới đây phải thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp, dự án điện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài với dự án điện; gắn với quản lý các dự án trong quy hoạch chặt chẽ để đạt chất lượng, chi phí dự án và tiến độ dự án.
Theo ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chuyển dịch năng lượng rất quan trọng, nhưng cần thực hiện trên nguyên tắc phát triển ở vùng nào thì năng lượng sẽ phát triển ở đó, tránh nhà máy ở trung tâm kinh tế nhưng phải truyền tải xa, gây tốn kém nguồn lực.
Theo đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất cần có cơ chế, quy định rõ ràng khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, lưới điện để tích hợp truyền tải; có cơ chế dịch vụ thị trường hợp lý để xây dựng các nguồn lưu trữ, tích điện… tăng hiệu quả năng lượng tái tạo và các nguồn điện truyền thống.
Cụ thể, với điện mặt trời, hằng năm tiếp tục điều chỉnh quy hoạch điện VIII cho phép điện mặt trời phát triển liên tục, không đứt gãy thời gian dài. Sớm ban hành cơ chế đấu thầu, khuyến khích điện mặt trời quy mô lớn, khuyến khích giá với các dự án ở miền Bắc.
Cần có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà quy mô nhỏ, phân tán, tự dùng một phần và chỉ phát lên lưới trung áp. Cần thiết ban hành cơ chế dịch vụ phụ trợ, tham gia thị trường điện của các nguồn thủy điện tích năng, pin lưu trữ.
Với điện gió, tháo gỡ tồn tại để đưa vào vận hành dự án điện gió không kịp COD do yếu tố bất khả kháng như COVID-19. Sớm ban hành cơ chế đấu thầu, có chính sách liên tục, dài hạn, dự đoán được để huy động các nguồn vốn tư nhân. Chú trọng các quy định rõ ràng, chặt chẽ để xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi; ưu tiên ở khu vực miền Bắc.
Với điện than, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm, huy động các nguồn tài chính để chuyển đổi dần sang các dạng năng lượng ít phát thải.
TTO - Có 36 dự án điện mặt trời sẽ được áp dụng giá mua điện cố định (FIT) thay vì chỉ 7 dự án sẽ “thoát” cơ chế đấu thầu nếu áp dụng phương án mua điện thứ 2 theo đề xuất mới nhất của Bộ Công thương.
Xem thêm: mth.1463325171602202-neid-ioul-ut-uad-neit-ud-gnohk-nahn-auht-cul-neid/nv.ertiout