Thông tin trên được ông Lê Anh Dũng, Vụ phó Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ tại hội thảo "chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" ngày 17/6.
Với tốc độ tăng trưởng hằng năm hơn 11%, ông Dũng đánh giá số tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng là một điểm sáng trong lộ trình tiến tới một xã hội không tiền mặt. Mức 68% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng theo ông Dũng là con số ấn tượng, đặc biệt so với tỷ lệ 30% mà Ngân hàng thế giới thống kê vào năm 2017.
Con số này cũng gần đạt mục tiêu 70% người trưởng thành có tài khoản mà nhiều quốc gia trong khu vực hướng tới. Nếu tính theo độ tuổi, gen Z (24-35 tuổi) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số người có tài khoản ngân hàng.
Vụ phó Thanh toán cũng cho biết, một số ngân hàng đi đầu tại Việt Nam đã đạt mức độ số hoá cao - gần 90% giao dịch giữa khách hàng và nhà băng được thực hiện qua kênh số. Bên cạnh đó, 90% là con số tăng trưởng hằng năm về giao dịch qua kênh Mobile Banking.
Theo ông Lê Anh Dũng, nghiệp vụ thanh toán đã được số hoá triệt để và ngành ngân hàng đang tiến tới số hoá nghiệp vụ khác như cho vay các khoản nhỏ lẻ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu năm cũng đặt vấn đề sửa đổi Thông tư 39 để giúp số hoá hoạt động cho vay.
Một chỉ số thể hiện hiệu quả chuyển đổi số là chi phí trên thu nhập (CIR) của nhiều ngân hàng tại Việt Nam ở mức 30% - là mức đáng mơ ước của các ngân hàng trong khu vực - ông Dũng đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông, trong bối cảnh 4.0, ngành ngân hàng cũng nhận thức rõ rủi ro an ninh mạng, rủi ro với người dùng là thường trực. "Người dùng có thể là khâu yếu trong mắt xích của dây chuyền thanh toán", ông nói.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã hợp tác với Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông để thành lập mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành ngân hàng. Các nhà băng cũng coi trọng và chủ động dành trung bình 15% ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin. Hằng năm, Ngân hàng Nhà nước định kỳ kiểm tra các tổ chức tín dụng về lĩnh vực này.
Quỳnh Trang