Tỷ giá, lãi suất, thương mại, đầu tư... là những lĩnh vực dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm%. Bởi vậy, lường đón những tác động hệ lụy xảy ra sẽ hạn chế được những rủi ro từ tác động bên ngoài, đó cũng là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng mạnh lãi suất cơ bản, dù là ở bên kia bán cầu, nhưng với một nền kinh tế có độ mở lớn, động thái này của Mỹ cũng sẽ gây nên những tác động cụ thể đến kinh tế Việt Nam.
"Nó có tác động trực tiếp đến tỷ giá và lãi suất. Sức hút vốn từ các nền kinh tế khác ngoài Mỹ quay trở lại Mỹ sẽ rất cao. Áp lực đối với việc tăng lãi suất ở Việt Nam sẽ tăng lên. Đây là tác động đầu tiên. Song song đó, thứ 2 là tỷ giá chịu áp lực lớn khi đồng USD sẽ giá trị cao hơn và sức hấp dẫn cao hơn, nghĩa là những đồng tiền khác, cụ thể đồng VND sẽ bị mất giá", TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica, đánh giá.
Tỷ giá, lãi suất, thương mại, đầu tư... là những lĩnh vực dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Trong thời gian tới, áp lực là có, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước sẽ hài hòa và nếu phải tăng lãi suất thì tăng nhẹ nhàng ở mức 0,25%. Chúng ta phải chấp nhận 1 mặt bằng lãi suất cao hơn, một môi trường đầu tư kém thuận lợi hơn so với năm 2020, 2021. Dòng vốn rẻ và dễ dãi đã không còn. Hiện thị trường phải đi lên và phục hồi bởi động lực từ lợi nhuận doanh nghiệp", ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty chứng khoán MB (MBS), nói.
Khi tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn. Các khoản nợ nước ngoài cũng sẽ chịu tác động tăng khi tỷ giá chịu sức ép điều chỉnh. Đây cũng là những sức ép có thể đo đếm được.
"Ổn định thị trường vĩ mô, phấn đấu giữ ổn định mặt bằng lãi suất, nhất là cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi, ổn định tỷ giá. Tỷ giá tăng ở mức khoảng 1,5 - 2%. Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài thì chúng ta phải theo dõi và tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để nhà đầu tư tin tưởng, tiếp tục bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam hiện nay và thời gian tới", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định.
Do đây chưa phải là lần cuối cùng trong năm nay FED điều chỉnh tăng lãi suất nên sức ép và áp lực lên kinh tế Việt Nam là hiện hữu, bởi vậy, cần nhìn nhận rõ những áp lực và tác động, ảnh hưởng để lường đón và chủ động các giải pháp điều hành trong thời gian tới. Đó cũng là khuyến nghị nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
VTV.vn - Đúng với dự báo của giới quan sát, FED vừa nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất trong 28 năm qua. Tác động từ động thái này là gì?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40943510271602202-man-teiv-ned-oan-eht-gnod-cat-taus-ial-gnat-def/et-hnik/nv.vtv