Án Nước ngoài:
Thầy giáo bị sa thải vì “tác động vật lý” với nam sinh
Vụ việc xảy ra từ ngày 13/5, thời điểm ấy, 1 giáo viên tại trường trung học Yuanzhu ở Yulin, tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, đã đấm vào mặt và ngực nam sinh 15 tuổi họ Geng khiến kính mắt của cậu bé này bị vỡ, làm rách mặt đến mức cậu phải khâu 16 mũi. Nguyên nhân vì nam sinh này không tập trung trong giờ học.
Theo ParticleNews, sau khi đánh học sinh, giáo viên đã đưa Geng đến bệnh viện địa phương để điều trị. Bệnh viện cho biết đã khâu đơn giản vết thương cho nam sinh, bao gồm 1 vết rách dài 2 cm bên cạnh mí mắt dưới.
Trong tin nhắn với phụ huynh học sinh, thầy giáo chỉ nói rằng anh ta đã đưa Geng đến bệnh viện nhưng không nói rõ về nguyên nhân cũng như chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, mẹ của Geng đã lên tiếng phàn nàn về vết khâu cẩu thả của con trai và chỉ trích: "Đây là lần thứ hai anh khiến 1 đứa trẻ phải chịu tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần. Và chúng tôi đều cảm thấy đau lòng".
Lo ngại vết sẹo sau vụ việc, cha của nam sinh 15 tuổi đã đưa cậu bé tới bệnh viện ở Tây An, thủ phủ của Thiểm Tây, để điều trị thêm. Ông kể lại: "Con trai tôi nói rằng mặt mình quá xấu và thằng bé không muốn đến trường nữa vì những vết khâu trên mặt khiến thằng bé lo lắng".
Người cha cho biết trước đây, giáo viên kia từng đánh các học sinh khác nhưng vụ việc lần này là nặng nhất. Thầy giáo sau đó đã xin lỗi gia đình học sinh nhưng phụ huynh của Geng vẫn chưa hài lòng với việc này và nói rằng họ muốn các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn.
Sau vụ việc này, Hiệu trưởng trường trung học ngày 11/6 đã quyết định sa thải thầy giáo. Ông nói: "Vụ việc đã được đệ trình lên trụ sở cảnh sát địa phương và bàn giao cho họ giải quyết".
Trước đó, cũng trong tháng Năm, một học sinh lớp 9 ở Zhaotong, tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, đã bị một giáo viên đánh vì ngủ gật trong lớp.
Hai vụ bạo lực học đường xảy ra gần nhau đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở Trung Quốc và nhiều bậc phụ huynh bày tỏ lo ngại về sự an toàn của con cái họ tại trường học.
Luật Việt Nam:
Thầy giáo có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện nay, cố ý gây thương tích là hành vi xảy ra rất phổ biến và thường xuyên. Tội phạm cố ý gây thương tích không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bị hại mà còn tác động xấu đến trật tự an ninh xã hội, nhất là khi người thực hiện hành vi lại là thầy giáo.
Ở đây, nam giáo viên đã đấm vào mặt và ngực nam sinh Geng khiến cậu phải khâu tới 16 mũi. Chiếu theo pháp luật Việt Nam thì hành vi của thầy giáo có đầy đủ dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích. Cố ý gây thương tích là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe người khác dưới dạng thương tích cụ thể.
Để có căn cứ xử lý thầy giáo, nam sinh cần có đơn đề nghị xử lý hình sự và được đưa đi giám định thương tích. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của nam sinh từ 11% đến 30% thì chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), thầy giáo sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của nam sinh dưới 11% nhưng vì nam sinh Geng dưới 16 tuổi nên áp dụng điểm c khoản 1 Điều 134, thầy giáo trên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây là mức phạt hình sự thấp nhất với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại tới sức khỏe của người khác.
Ngoài mức phạt trên, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.
Nếu gây thương tích (trừ trường hợp làm biến dạng vùng mặt) hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Nếu làm chết người hoặc gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì người thực hiện hành vi có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.
Trường hợp nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu làm chết 02 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên...
Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà nam thầy giáo có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm, tù chung thân.
Trong trường hợp tỉ lệ thương tích của nam sinh dưới 11% và không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt, thì vị thầy giáo “thích động tay chân” với học trò vẫn có thể bị phạt hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 02 - 03 triệu đồng.
Ánh Dương (thực hiện)