Dự thảo sửa đổi Luật giá đã đề xuất xóa quỹ bình ổn xăng dầu, để giá lên xuống theo thị trường.
Bao lâu nay, quỹ bình ổn giá xăng dầu là trung tâm của mọi tranh luận khi người muốn giữ, kẻ muốn bỏ. Chiếc "van" điều tiết này từng hãm đà tăng sốc giá xăng nhưng cũng neo giá xăng giảm không sát với thế giới khiến dư luận "hắt hủi" quỹ này.
Theo chiều hướng này, một ngày nào đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOGXD) sẽ bị khai tử. Nhưng từ nay đến khi Luật giá được thông qua, quỹ vẫn còn chi phối thị trường xăng dầu. Và người tiêu dùng, sẽ có lúc không hài lòng về quỹ này, đó là thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Thật ra, QBOGXD cũng nhiều lúc làm được việc. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc "lấy nó nuôi nó". Khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao.
Vì là "lấy nó nuôi nó" nên tiền thu vào QBOGXD là của dân, doanh nghiệp xăng dầu chỉ thu và giữ hộ, cơ quan điều hành giá sẽ điều tiết quỹ để can thiệp nhằm giữ giá xăng dầu không tăng sốc, cũng chẳng giảm sâu.
Với QBOGXD, Nhà nước không phải chi tiền nhưng vẫn điều tiết và giữ giá xăng dầu biến động theo đồ thị hình răng cưa thay vì "lên đỉnh, xuống vực" gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Thế nhưng, dù hoạt động theo nguyên tắc "lấy nó nuôi nó", nhưng cơ chế lại không rõ ràng khiến cho nguyên tắc này bị méo mó. Số là khi trích quỹ, người mua xăng, dầu diesel, dầu hỏa hay dầu mazut đều rót tiền gộp vào chung "chiếc bình" bình ổn giá.
Đến khi cần bình ổn, cơ quan điều hành giá sẽ trích theo mục tiêu mà họ muốn điều hành, chẳng hạn ưu tiên bình ổn giá dầu...
Giả sử, khi muốn kìm giá dầu nhiều hơn, vì dầu phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa và sản xuất nên được ưu tiên hơn, cơ quan điều hành sẽ xả quỹ nhiều hơn mức mà người mua dầu đã đóng góp vào quỹ.
Trường hợp này xảy ra là thiệt cho người mua xăng vì đã dùng xăng "bù chéo" cho dầu. Đó chẳng khác gì một loại thuế "không tên" mà người mua xăng phải chịu. Vì thế, đôi lúc người dùng xăng có cảm giác giá lên nhanh xuống chậm là thế.
Lẽ ra, khi thu thêm tiền của người mua xăng cho QBOGXD, tiền này chỉ nên được dùng chi bình ổn giá xăng. Tương tự, tiền thu thêm được của người mua dầu cũng chỉ để bình ổn giá dầu...
Nếu được bình ổn như thế, có lẽ sẽ sòng phẳng hơn với người mua xăng. Cho đến nay công chúng chưa được biết cơ cấu trích, chi quỹ này rạch ròi theo các loại xăng và các loại dầu.
Vì thế, khi có ý định "khai tử" QBOGXD cũng cần có tổng kết, đánh giá để nếu có oan cho quỹ này thì cần phải "giải oan".
Bởi việc "giải oan" cho quỹ sẽ rút ra được nhiều bài học để sau này "xây dựng cơ chế vận hành thị trường xăng dầu theo thị trường" nhịp nhàng, thuận lợi. Đừng nghĩ rằng nền kinh tế sẽ dễ dàng thích nghi với giá xăng dầu theo thị trường khi một thời gian dài đã được điều tiết, can thiệp nên giảm được các cú sốc.
Chuyển sang một cơ chế điều hành mới sẽ nảy sinh những vấn đề mới mà doanh nghiệp xăng dầu và cơ quan quản lý phải lường hết để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở mức cao hơn so với khi còn áp dụng QBOGXD.
TTO - Dù giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn so với giá thế giới nhưng lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng cần cân nhắc bỏ quỹ bình ổn xăng dầu cũng như tính toán giảm các mức thuế để kìm giá xăng.
Xem thêm: mth.45772757081602202-uad-gnax-aig-no-hnib-yuq-nao-ion-iaig/nv.ertiout