FED trong cuộc đua với lạm phát
Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm. Chỉ số lạm phát tháng 5 là 8,6%. Những mặt hàng quan trọng, sát sườn nhất đều tăng giá.
"Chúa ơi, tôi quá sốc khi đi qua trạm xăng và lại thấy xăng tăng giá. Chắc nhà tôi không dám đi ô tô nữa mà sẽ chuyển qua đi xe đạp", chị Carolina Baldi, người dân Washington DC, ngạc nhiên nói.
"Những siêu thị tôi hay đi đều tăng giá. Hầu hết các mặt hàng thịt và rau đều tăng", chị Amanda Holmes cho biết.
Chủ tịch FED Jerome Powell trong buổi họp báo hôm 15/6. (Ảnh: AP)
Đối mặt với tốc độ lạm phát kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải đưa ra những quyết sách táo bạo.
"Mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản là một mức tăng lớn bất thường và tôi không mong đợi là nó sẽ trở thành một động thái phổ biến. Nhưng tại cuộc họp tiếp theo của FED, mức tăng 50 hay 75 điểm cơ bản là rất có thể xảy ra. Mục tiêu của FED là mang lạm phát quay trở lại mức 2% và giữ nó ổn định ở mức đó", Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh.
Mức tăng lãi suất cao nhất kể từ năm 1994 tới nay cho thấy FED đang nỗ lực chạy đua với lạm phát.
"FED đang rượt đuổi với lạm phát, nhưng ai cũng thấy là đã quá trễ và không đủ hiệu quả", ông Michael Connolly, Giáo sư kinh tế trường Herbert, nhận định.
Liệu FED sẽ còn tăng lãi suất tiếp? Và tác động lên kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế mới nổi sẽ như thế nào sau chính sách quyết liệt này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ?
Lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ ảnh hưởng tới các khoản vay nợ, mua nhà, mua xe và các khoản tiết kiệm gửi trong ngân hàng. Ví dụ, nếu bạn mua một ngôi nhà ở Mỹ, bạn vay ngân hàng 400.000 USD. Lãi suất kỳ hạn 30 năm hiện đã tăng vọt lên 6% , tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm. Như vậy là chỉ trong vài tháng, từ chỗ phải trả lãi là 1.700 USD một tháng, hiện bạn phải trả gần 2.500 USD
Nhiều người Mỹ còn vay mua xe, khoảng 50 triệu người Mỹ vay nợ Chính phủ để đi học đại học. Tất cả đều sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng từ quyết định của FED. Rõ ràng đây là một quyết định khắc nghiệt.
Tthị trường nghĩ gì về con số 0,75 điểm %?
Một số chuyên gia cho rằng tăng 1% còn thất vọng hơn. Thị trường là vậy. Mỗi người có bình luận của riêng mình, nhưng để nói thiếu hay đủ hay vừa là rất khó định lượng vào lúc này. Với thị trường, họ thấy yên tâm ở FED 2 điều: một là không gây sốc, hai là đã lắng nghe các số liệu để điều chính.
Yếu tố không gây sốc ở đây là không tăng quá thấp hoặc quá cao so với dự đoán của thị trường và lắng nghe nghĩa là dựa trên dữ liệu lạm phát mới (cao hơn dự đoán), họ đã điều chỉnh từ mức dự kiến 0,5 điểm % lên 0,75 điểm %.
Câu hỏi đặt ra hiện tại là cứ đà tăng như thế này, kinh tế Mỹ liệu có rơi vào suy thoái? Theo những dự báo, khả năng này tăng dần qua các năm. Như bình luận của cựu Phó Chủ tịch FED Alan Blinder, năm nay chắc là không, nhưng năm sau thì 50/50. Tất nhiên, nếu có chỉ là suy giảm nhẹ.
Mất bao lâu mới đuổi kịp lạm phát?
Việc đưa ra chính sách tiền tệ là một quy trình vòng tròn: phải dựa trên tình hình kinh tế hiện tại => chính sách tiền tệ được đưa ra => thị trường tài chính và nền kinh tế có thời gian để thẩm thấu, phản ứng => kết quả của phản ứng đó ra sao lại được xem xét để đưa ra các quyết định tiền tệ phù hợp tiếp theo.
FED xác định năm nay các mức lãi suất sẽ không thể đưa lạm phát về được mốc mục tiêu 2%. Vì vậy, kế hoạch của họ là năm sau khi lãi suất ở ngưỡng 3,8%, lạm phát hy vọng đạt được 2,6%.
Tuy nhiên đó vẫn là kỳ vọng với điều kiện như hiện tại, vẫn còn rất nhiều thứ khó đoán định ở phía trước như giá dầu vẫn tăng, chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn chưa trở lại bình thường hay hàng hóa, lương thực đang rơi vào tình trạng khan hiếm.
Như vậy, kinh tế Mỹ đang cài dây an toàn để chuẩn bị cho một chặng đường chính sách khá là "xóc" vào những tháng tới.
Các nền kinh tế châu Á phản ứng sau quyết định của FED
Đầu tuần, tỷ giá đồng USD đã tăng mạnh, thậm chí lập đỉnh 20 năm. Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới, cụ thể là những nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có cả Việt Nam.
Hàng hóa toàn cầu được định giá bằng USD, vì vậy, theo nhận định của các chuyên gia, đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu và tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính, đặc biệt là các nền kinh tế nặng về thương mại như Nhật Bản và rất nhiều thị trường mới nổi khác.
Đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu và tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính. (Ảnh: Business Times)
"Lạm phát đang là vấn đề ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt ở châu Á. Như chúng ta biết, khi FED tăng lãi suất, đồng USD tiếp tục duy trì ở vị thế mạnh. Điều này sẽ tác động không tốt đến các đồng tiền châu Á", ông Dickie Wong, Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Kingston, đánh giá.
Động thái thắt chặt tiền tệ ở Mỹ đã thúc đẩy một đợt phục hồi mạnh mẽ của đồng bạc xanh trong năm nay. Wall Street Journal thống kê chỉ số Dollar Index - đo lường sức khỏe của USD, đã tăng khoảng 9% vào năm 2022, lên mức cao nhất kể từ năm 2002.
Ở chiều ngược lại, đồng Yen Nhật giảm giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD, hay đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm khoảng 5% giá trị. Hiện chính sách của FED và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng như Trung Quốc có phần trái ngược nhau. Một bên thắt chặt, một bên nới lỏng.
Tuy nhiên, Thống đốc BOJ gần đây nhấn mạnh rằng vẫn chưa đến lúc để điều chỉnh nâng lãi suất, bởi tỷ lệ lạm phát vẫn ở ngưỡng cho phép 2,5%.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn được các chuyên gia nhận định là đang khá ổn định.
"Đồng Việt Nam vẫn đang tương đối ổn định kể từ đầu năm và hiện đang hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế. Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan về trung hạn đối với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn FDI đang phục hồi", ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan, Việt Nam - Standard Chartered, nhận định.
Trước đó, Giám đốc chịu trách nhiệm khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã từng nhận định rằng mức tăng lãi suất của FED có thể sẽ không tạo ra một cú sốc cho thị trường tài chính, nhưng chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ phục hồi và tăng trưởng của kinh tế châu Á. Thị trường chứng khoán là nơi phản ứng nhanh nhất với những lo ngại này, khi hầu hết các chỉ số chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều giảm điểm trong phiên cuối tuần.
VTV.vn - Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng mạnh lãi suất cơ bản sẽ gây nên những tác động cụ thể đến kinh tế Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.89941529081602202-taus-ial-gnat-def-ihk-oas-ar-ioig-eht/et-hnik/nv.vtv