Theo kết luận, năm 2020 và 2021, Sở Y tế và CDC tỉnh nhiều lần gửi Tờ trình đề nghị thẩm định giá mua sắm nhưng Sở Tài chính ra các văn bản từ chối với lý do “Sở... chưa có đủ thông tin để đối chiếu mức giá cung cấp trên địa bàn tỉnh...”.
Tổng kinh phí đã cấp phục vụ chống dịch 2 năm gần 342 tỷ đồng: chi chế độ đặc thù hơn 146 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế hơn 150 tỷ đồng; hỗ trợ lương do ảnh hưởng dịch hơn 22,4 tỷ đồng; mua sắm, sửa chữa tài sản hơn 12,9 tỷ đồng; nhiệm vụ khác hơn 10,1 tỷ đồng.
Trong hơn 150 tỷ đồng mua sắm, Sở Y tế thực hiện 116 gói thầu; CDC tỉnh 41 gói thầu; Bệnh viện đa khoa tỉnh 28 gói thầu... Sở Y tế và CDC tỉnh dùng ngân sách mua hơn 30 tỷ đồng kit test Việt Á tại Công ty CP thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên Huế: Sở Y tế mua gần 16 tỷ đồng, CDC mua hơn 14,4 tỷ đồng.
Một số gói thầu không có thẩm định giá của cơ quan thẩm quyền. Một số gói thầu chưa thực hiện đúng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Một số vật tư, sinh phẩm nhập kho có hạn dùng không phù hợp với HĐ được ký kết.
Thanh tra tỉnh đề nghị Sở Y tế kiểm điểm tập thể, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế; làm rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng sinh phẩm xét nghiệm không sử dụng để hết hạn nhưng vẫn mua sắm. Đề nghị thu hồi nộp ngân sách hơn 437 triệu đồng; đề nghị Sở Tài chính rà soát kinh phí ngân sách cấp cho các đơn vị phục vụ phòng chống dịch đã hết nhiệm vụ chi để nộp về ngân sách.
Công an tỉnh đã rút các hồ sơ liên quan đến các gói thầu do CDC tỉnh thực hiện để xác minh. Đoàn thanh tra có 2 cán bộ Công an tỉnh cùng làm việc và thu thập tài liệu, hồ sơ để tiếp tục điều tra, xác minh việc mua sắm sinh phẩm, thiết bị y tế, kít test của CDC tỉnh liên quan đến Công ty Việt Á.
Cụ thể, năm 2020 và 2021, CDC tỉnh thực hiện 41 gói thầu trị giá hơn 30 tỷ đồng, trong đó có 1 số gói thầu mua test từ Công ty Việt Á như: gói thầu mua sắm phục vụ xét nghiệm vi rút năm 2021 trị giá hơn 2,43 tỷ đồng, thực mua hơn 2,11 tỷ đồng. Gói thầu mua test năm 2020 hơn 1,24 tỷ đồng, chứng thư thẩm định giá ngày 14-8-2020 của Công ty CP Định giá BTC VALUE - Chi nhánh Đà Nẵng ghi “Tại thời điểm thẩm định giá, CDC tỉnh Quảng Trị đang sử dụng máy Real-time PCR CFX96 Bio-Rad, chỉ chạy được với bộ kit của hãng Việt Á nên tài sản thẩm định hạn chế về thông tin thị trường”.
Chưa có tài liệu để khẳng định máy trên do CDC tỉnh sử dụng chỉ chạy được với bộ kit của hãng Việt Á. Thời điểm CDC tỉnh ký HĐ với Công ty BTC VALUE chưa có sự đồng ý của Sở Tài chính.
CDC tỉnh xây dựng kế hoạch mua sắm kit test năm 2021 giá cao hơn các gói năm 2020. Giá mỗi kist test năm 2020 là 493.500 đồng nhưng đề xuất mua 534.713 đồng và thực chỉ mua 470.000 đồng. Bộ kist tách chiết RNA giá mua năm 2020 là 31.500 đồng/test nhưng đề xuất mua năm 2021 là 42.000 đồng/test và giá thực mua chỉ 31.500 đồng/test.
Một số gói thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng, CDC tỉnh đã đề nghị đơn vị thẩm định giá thẩm định mặt hàng của nhà sản xuất để trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất là hạn chế sự tham gia của các sản phẩm tương tự, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch...
Thanh tra phát hiện CDC tỉnh để sinh phẩm xét nghiệm hết hạn mà không báo cáo cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý: sinh phẩm xét nghiệm Việt Á còn 400 kit; Alibaba còn 2.460 kit; Thái Dương còn 1.000 kit; BGI hết.
CDC tỉnh gửi báo cáo đến Sở Y tế: sinh phẩm Alibaba xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung Quốc do Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương tài trợ. CDC nhập kho 4.032 test ngày 7-9-2020, hết hạn ngày 18-11-2020. Test xét nghiệm nhưng lại không có hoá chất tách chiết ARN, không có giếng đặt phản ứng và các vật tư kèm theo, không có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt.
Trước tình hình đó, CDC tỉnh giao các khoa, phòng nghiên cứu tài liệu, cài đặt chương trình đọc phù hợp vào máy Realtime PCR. Do thời gian nhận Alibaba đến lúc sinh phẩm hết hạn quá ngắn và sinh phẩm mới được tài trợ nhưng không nhận được đạo tạo xét nghiệm, kỹ thuật viên phải tự nghiên cứu tài liệu nên gặp khó khăn trong quá trình đưa sinh phẩm vào sử dụng.