Nông dân ngừng trồng trọt vì không đủ tiền
Đối với R. Daranagama – một nông dân trồng lúa 70 tuổi ở Sri Lanka, 2022 là một trong những năm khó khăn nhất của ông. Khi quốc gia này đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Daranagama gần như không đến cánh đồng rộng 1,6 ha của mình trong mùa lúa này. Không thể mua phân bón, ông và những nông dân khác nhận thấy năng suất cũng sụt giảm. Điều này trở thành mối đe dọa với nguồn cung cấp lương thực với một quốc gia vốn đã rơi vào cảnh thiếu hụt.
Daranagama cho biết: "Tôi không biết vụ mùa này sẽ ra sao. Tôi chưa từng chứng kiến điều gì tồi tệ như thế này."
Nỗi lo về cuộc khủng hoảng lương thực đang dâng cao ở Sri Lanka. Việc thiếu hụt các loại hàng hóa như bột mì và sữa bột đã diễn ra phổ biến. Lạm phát lương thực nay đã dao động quanh mức 60%. Đối mặt với chi phí tăng phi mã, nhiều người nông dân như ông Daranagama đã phải ngừng hoàn toàn việc trồng lúa trong vụ mùa này. Đây là sự thay đổi đáng sợ đối với một quốc gia thu nhập trung bình, chưa từng gặp khó khăn trong việc cung cấp lương thực cho 22 triệu dân.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp nước này. Sản lượng lúa trong vụ thu hoạch vừa qua đã giảm 40-50%. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mahinda Amaraweera, hiện tại, tình trạng khan hiếm hạt giống và phân bón có thể khiến sản lượng sụt giảm tới 50% trong năm nay.
Một ruộng lúa ở Bandaragama, Sri Lanka.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã cảnh báo kiểm soát cuộc khủng hoảng lương thực là một trong những thách thức lớn nhất của Sri Lanka trong vài tháng tới. Theo đó, người dân đã vội vã tích trữ thực phẩm. Liên Hợp Quốc ước tính rằng, gần ¼ dân số nước này đã kêu gọi cần được hỗ trợ lương thực.
Jayavardhana Pridarshani là một bà mẹ 4 con, đang sinh sống ở Hambantota. Chị cho biết gia đình chị thường ăn cá và trứng mỗi ngày. Còn hiện tại, họ chỉ đủ tiền để mua những loại thực phẩm trên 1 tháng 1 lần. Pridarshani chia sẻ, các trường đã ngừng dịch vụ nấu ăn cho học sinh, trong khi ngư dân ít khi đánh cá vì thiếu nhiên liệu.
Pridarshani cho biết: "Trẻ em ở đây, cả con của tôi, đang có triệu chứng mệt mỏi và sức khỏe yếu. Bác sĩ đã cảnh báo đây là dấu hiệu của tình trạng thiếu protein."
Vấn đề này đang lan rộng khắp Sri Lanka. Sajith Premadasa – lãnh đạo của đảng chính trị đối lập, ước tính khoảng 15% trẻ em nước này đang gặp tình trạng nhẹ cân, hệ miễn dịch kém, dễ gặp chứng chậm phát triển và thậm chí có nguy cơ tử vong.
Tại bệnh viện Lady Ridgeway ở Colombo – bệnh viện nhi lớn nhất nước này, khoảng 20% bệnh nhân suy dinh dưỡng có nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng hiện tại, theo truyền thông địa phương. Thiếu dinh dưỡng đã trở thành một gánh nặng kinh tế khá lớn khi người dân phải chi nhiều tiền hơn cho chi phí y tế và năng suất sụt giảm.
Những khó khăn của Sri Lanka có liên quan đến nguồn dự trữ ngoại tệ đã cạn kiệt, động thái cắt giảm thuế không đúng thời điểm, mất nguồn USD từ hoạt động du lịch và gián đoạn do đại dịch Covid-19. Trong lĩnh vực nông nghiệp, những sai lầm về chính sách cũng là nguyên nhân. Hồi tháng 4/2021, chính phủ do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lãnh đạo đã cấm nhập khẩu phân bón tổng hợp để thúc đẩy hoạt động canh tác hữu cơ.
Song, do không có sự chuẩn bị đầy đủ, kế hoạch này đã thất bại. Toàn bộ hệ thống nông nghiệp của Sri Lanka – chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động và 8% GDP, phải đối mặt với sự gián đoạn. Thu nhập từ xuất khẩu chè – nguồn thu ngân sách chính, đã cạn kiệt. Khi người dân phản ứng ngày càng dữ dội, chính phủ nước này bắt đầu rút lại lệnh cấm vào tháng 11.
Nếu không được IMF cung cấp gói cứu trợ, nhiều người lo ngại Sri Lanka sẽ trở thành trường hợp giống Venezuela – có đồng nội tệ về cơ bản là vô giá trị. Hiện tại, làn song phản đối sau lệnh cấm nhập khẩu phân bón tiếp tục căng thẳng. Do chi phí sản xuất tăng, một số nhỏ nông dân đã chuẩn bị cho vụ thu hoạch Yala năm nay – trùng với mùa gió mùa từ tháng 5 đến tháng 8.
Chính phủ khuyến khích người dân nghỉ làm "tự cung tự cấp"
Một cửa hàng phân bón ở Sri Lanka không còn hàng để bán.
Những người nghèo ở Sri Lanka ngày càng tuyệt vọng. Bộ trưởng Nông nghiệp Amaraweera đã kêu gọi người dân trồng cây tại nhà vì đây là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này. Trong 3 tháng tới, chính phủ nước này cho phép nhân viên nhà nước nghỉ làm vào thứ Sáu để trồng cây trong vườn nhà. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt, Sri Lanka cần chi hơn 200 triệu USD để nhập khẩu phân bón trong năm nay.
Cho đến nay, Sri Lanka dự kiến sẽ nhận 150 triệu USD tiền hỗ trợ từ WB và ABD, theo một quan chức cấp cao. Ngân hàng Xuất nhập Khẩu Ấn Độ (EIBI) cũng đã gia hạn khoảng vay 55 triệu USD cho Sri Lanka để mua urê phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng gửi gạo đến quốc gia này để hỗ trợ nguồn cung.
Song, với kho dự trữ ngày càng cạn kiệt và giá ngũ cốc, giá phân bón toàn cầu tăng kỷ lục do ảnh hưởng của mâu thuẫn Nga – Ukraine. Điều này khiến Sri Lanka không có nhiều lựa chọn. Ngay cả khi nhận những khoản viện trợ và hoạt động canh tác được thúc đẩy, nạn đói trên quy mô lớn vẫn có thể xảy ra nếu nhiều nông dân không thể trồng hoặc thu hoạch cây trồng.
K. Sugath – nông dân 52 tuổi, cho biết những khó khăn cứ chồng chất. Không có phân urê, mùa thu hoạch này ông chỉ trồng 1 sào lúa. Nhiều nông dân trong khu vực này cũng ngừng sản xuất khi giá nhiên liệu cao, đẩy chi phí chạy một chiếc máy kéo lên cao gấp đôi.
Sugath chia sẻ rằng ông không hề lạc quan về vụ mùa này, nhưng lo lắng rằng không còn lựa chọn nào khác để nuôi sống gia đình. Ông nói: "Giá lúa tăng nhanh nhưng chẳng ai bán."
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/06/1392326.htm