Thị trường quốc tế vừa trải qua một tuần biến động khi sắc đỏ bao trùm các trung tâm tài chính lớn. Tại Phố Wall, S&P 500 chốt tuần giảm 5,8%, mạnh nhất kể từ khi Covid-19 lan rộng vào tháng 3/2020. Dow Jones cũng sụt 4,8%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2020.
S&P 500 giảm liên tiếp hai ngày 13 và 14/6 sau đó tăng điểm vào ngày 15/6 khi Fed công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994. Tuy nhiên, sau đó thị trường lại đảo chiều vào ngày hôm sau khi các nhà đầu tư hiểu rõ thực tế lạm phát vẫn tiếp tục.
Tương tự với chứng khoán Việt Nam, VN-Index kết thúc tuần qua ở mức hơn 1.217 điểm, giảm gần 67 điểm (5,2%) so với tuần trước. Trên sàn Hà Nội, diễn biến còn tiêu cực hơn khi HNX-Index giảm 8,61% xuống 280 điểm, còn UPCoM-Index mất hơn 7%. Theo thống kê của StockQ, Việt Nam đang là một trong những thị trường giảm mạnh nhất trong ba tháng gần đây, với mức giảm của VN-Index ở ngưỡng 16,7%, tương đương S&P 500.
Thị trường tăng giảm đan xen trong năm phiên giao dịch của tuần qua, nhưng biên độ những phiên giảm áp đảo hoàn toàn sắc xanh. Trong phiên cuối tuần, chỉ số của HoSE có thời điểm về dưỡi ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Áp lực bán chủ động liên tục xuất hiện. Duy nhất chỉ có nhóm cổ phiếu điện, nước còn giữ được mức tăng tích cực trên 5% trong tuần. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 điều chỉnh mạnh và tạo áp lực lớn lên VN-Index. Các nhóm bất động sản, chứng khoán, thép hay các mã đầu cơ nhiều phiên "trắng bảng bên mua". Mức giảm phổ biến trên 10%. Thanh khoản trung bình xấp xỉ 16.000 tỷ đồng mỗi phiên, theo VCBS, điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước những thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến của chứng khoán thế giới.
Dòng tiền vào thị trường tiếp tục có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11/2021. Trong tháng 5, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng mỗi phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Con số này nếu so với mức trung bình năm ngoái còn thấp hơn (thanh khoản trung bình năm ngoái gần 22.000 tỷ đồng).
"Việc các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng, thị trường bất động sản hạ nhiệt cũng khiến dòng tiền đổ vào chứng khoán không còn dồi dào như trước. Bởi từ trước đến nay, dòng vốn trên thị trường bất động sản thường có mối liên hệ chặt chẽ với chứng khoán và một bên gặp khó khăn thì bên còn lại cũng khó có thể diễn biến tích cực", nhóm phân tích của VCBS bình luận.
Điểm tích cực trong tuần qua là khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 9.500 tỷ, trong khi bán ra gần 8.300 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng trên hai sàn chứng khoán ở mức hơn 1.200 tỷ đồng.
Trên HoSE, khối ngoại mua ròng thứ ba liên tiếp với giá trị hơn 960 tỷ đồng, tăng 27% so với tuần trước. Cổ phiếu HPG dù giảm liên tiếp trong tuần qua nhưng được khối ngoại mua ròng gần 450 tỷ đồng. GAS, DPM, VHM, GMD, VGC được mua vào trên 100 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND bị bán ròng 274 tỷ đồng. DGC và VIC là hai mã với giá trị bán ròng cao nhất lần lượt 269 tỷ và 247 tỷ đồng.
Minh Sơn