Sáng 18-6, tác giả Đỗ Đình Tấn đã có buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm "Fake news và chống fake news - Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật?" tại Trung tâm Báo chí TP.HCM.
Cùng chia sẻ còn có nhà báo Phạm Thục và sự tham gia của các sinh viên ngành báo chí. Đây là tác phẩm được ấn hành nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 -21/6/2022.
Tác giả Đỗ Đình tấn (gIữa) và nhà báo Phạm Thục tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN HÀ |
Tác phẩm đề cập đến cuộc chiến chống tin giả/ Fake news trên thế giới với nhiều giải pháp được nêu ra từ những tư liệu cập nhật và những tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Canada vào năm 2018.
Nói về lý do viết tác phẩm, tác giả Đỗ Đình Tấn cho biết: "Bạn bè tôi nói rất nhiều về tin giả nhưng tôi không hiểu tại sao nó được phổ biến khắp thế giới, và có gây nên những tác hại. Cho nên tôi quyết định đi tìm, tra cứu. Từ những ghi chú của các tác giả, từ những khái niệm và hình thành cuốn sách này. Tôi hy vọng mình viết để có niềm tin, khi mình gieo hạt ở đâu đó thì lúc nào đó hạt đó sẽ nảy mầm".
Tác giả Đỗ Đình Tấn cho biết tác phẩm được ông hoàn thành trong 2 năm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM. Ảnh: V.H. |
Là một trong những người đọc đầu tiên, nhà báo Phạm Thục nhận định cuốn sách này ra đúng lúc, kịp thời và có thể xem là cẩm nang quan trọng cho các nhà báo hôm nay.
Nhà báo Phạm Thục cũng cho rằng tin giả sống được khi tâm trạng, tinh thần người dao động, xúc cảm qua hoặc trong tình trạng không thể kiểm chứng thông tin.
"Tôi cũng muốn các anh chị em nhà báo đọc vì trong cuốn sách này có rất nhiều bằng chứng và nhiều nghiên cứu khoa học. Mình đọc để biết và mọi người dân khi đọc tiếp cận thông tin thì cần bình tĩnh, để lòng mình lắng lại.
Anh em báo chí đừng hờ hững với những tin giả, phát hiện ra tin giả thì mình báo cho mọi người biết đó là tin giả và cũng phải có thái độ phản bác rất rõ ràng"- Nhà báo Phạm Thục bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhà báo Đỗ Đình Tấn cũng lưu ý vấn nạn tin giả (Fake news) đang lan tràn trong nhiều lĩnh vực và sự xung đột mạnh mẽ giữa tin giả với công việc của báo chí chính thống.
Ông Tấn cũng chỉ ra: "Bây giờ việc ai đưa tin, tin gì không còn có giá trị nữa, mà tin được nhiều like, nhiều share, nhiều tương tác mới được xem là giá trị. Tin giả đạt nhiều tương tác thì thành ra nó cũng có giá trị"- ông Tấn cho hay.
Tại buổi giao lưu, nhiều trăn trở về vấn nạn tin giả được đưa ra, trong đó được quan tâm nhiều nhất là câu trả lời cho câu hỏi Vì sao cái giả hấp dẫn hơn cái thật?
Nhà báo Đỗ Đình Tấn cho rằng thực tế đó bắt nguồn từ tâm lý đám đông. Còn nhà báo Phạm Thục cho rằng nguyên nhân chính là vì những lượt thích, chia sẻ "cao ngất ngưởng" của tin giả đã khiến người đọc nhận nhầm đó là giá trị và chạy theo, riết rồi cái giả có giá trị hơn cả cái thật.
Hãy làm người đọc thông minh, có một cách để các bạn ít bị lừa là share chậm thôi, cẩn thận không đủ mà còn phải cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội"- Nhà báo Phạm Thục bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Khanh |
Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM cho biết pháp luật đã có những quy định xử phạt cụ thể với những hành vi đưa tin giả, không đúng sự thật gây hoang mang dư luận.
Trung tâm báo chí cũng đã có nhiều biện pháp để hạn chế những tin giả trong thời gian qua, nhất là trong thời kỳ TPHCM chịu ảnh hưởng của dịch bệnh năm 2021 vừa qua.
"Riêng trong đỉnh dịch vừa rồi, chúng tôi đã phát hiện khá nhiều tin bài. Đặc biệt tháo gỡ bỏ 112 bài viết trên các tài khoản xã hội, 182 video trên các kênh youtube và các nền tảng khác"- Ông Khanh cho hay.
"Fake news & chống fake news" của Đỗ Đình Tấn gồm các chương: Fake news, sự lây lan và mục đích được tạo ra; Tin giả, thách thức và khủng hoảng báo chí; Báo chí tự cứu mình và chống tin giả; Pháp luật, cách tiếp cận và chọn lựa khác; Xóa mù, kiến thức và kỹ năng số cho công dân.