Nhắc đến sản xuất bán dẫn là nhắc đến châu Á với hai đại diện TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc). Cùng nhau, hai công ty này kiểm soát hơn 70% thị trường sản xuất bán dẫn.
Mỹ, nhà lãnh đạo một thời, tụt hậu hoàn toàn so với các đối thủ sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh. Mỹ đã nhường phần lớn công việc sản xuất cho các nhà thầu châu Á, thực tế này bộc lộ những lo ngại lớn khi Trung Quốc nổi lên như một đối thủ địa chính trị ngang tầm với Mỹ và cuộc khủng hoảng bán dẫn chưa có hồi kết. Nghiên cứu của Deloitte chỉ ra thiếu hụt chip còn kéo dài suốt năm 2022, có thể khiến Mỹ thiệt hại 500 tỷ USD.
Mỹ là nơi khai sinh ngành công nghiệp chip thế giới nhờ vào những công ty tiên phong như Intel. Năm 1990, gần 40% bán dẫn được sản xuất tại Mỹ. Ngày nay, 80% hoạt động này diễn ra tại châu Á, 12% tại Mỹ, một nửa đến từ Intel. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước sản xuất chip tại châu Á có thể đem lại lợi thế trước Mỹ trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Tệ hơn, Quốc hội Mỹ lo sợ Lầu Năm Góc và các nhà thầu quốc phòng Mỹ có thể mất khả năng truy cập dễ dàng những con chip cần cho hệ thống vũ khí tối tân.
Đó là lý do vì sao Quốc hội Mỹ đang nỗ lực thông qua dự luật phân bổ tiền để kích hoạt sản xuất bán dẫn trong nước. Ủy ban Thượng viện về Thương mại, Khoa học và Vận tải đã tổ chức một buổi điều trần về chủ đề này, trong đó họ đã chất vấn CEO của hai nhà sản xuất chip, Pat Gelsinger của Intel và Sanjay Mehrotra của Micron.
Những nhà máy biến mất
Các nhà máy sản xuất chip tập trung tại châu Á không phải vấn đề xảy ra trong một sớm một chiều. Những năm 1990, nhiều hãng vừa thiết kế, vừa sản xuất chip. Tuy nhiên, chế tạo là quy trình tốn kém, gian khổ, đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn. Vì vậy, họ bắt đầu thuê các công ty bên ngoài gia công. Các chuyên gia cũng cho rằng sản xuất bán dẫn cùng địa điểm với các bộ phận khác của chuỗi cung ứng là điều hợp lý. Trong khi đó, các nước châu Á bắt đầu trợ cấp mạnh mẽ cho thiết kế và sản xuất chip.
Hiện tại, theo dữ liệu của TrendForce, TSMC chiếm 56% thị trường sản xuất chip (foundry) toàn cầu, còn Samsung nắm 18%. Quan trọng hơn, họ gần như “bao trọn” những con chip cao cấp cần cho công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI).
Giảm lệ thuộc vào châu Á
Chính phủ Mỹ bắt đầu các động thái giảm lệ thuộc vào bán dẫn châu Á từ tháng 1/2021 khi Quốc hội thông qua CHIPS, một quy định hỗ trợ sản xuất bán dẫn thuộc Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 (NDAA). CHIPS ủy quyền cho một loạt chương trình thúc đẩy sản xuất chip nội địa nhưng không thực sự tài trợ.
Mùa hè cùng năm, Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Mỹ (USICA) cùng một số quy định khác, chính thức phân bổ 52 tỷ USD cho các điều khoản nghiên cứu, thiết kế và sản xuất bán dẫn nằm trong CHIPS. Tháng 2/2022, Hạ viện phê duyệt dự luật tương tự có tên COMPETES, cũng nhằm mục đích phân bổ 52 tỷ USD cho các chương trình CHIPS. USICA và COMPETES phải được đối chiếu, thống nhất để hai viện thông qua và sau đó trình lên Tổng thống Mỹ.
Quốc hội cũng đang thảo luận về đạo luật bổ sung FABS, thiết lập tín dụng thuế đầu tư bán dẫn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã báo hiệu ý định ký duyệt dự luật chip trong sự kiện ngày 21/1 tại New Albany, Ohio, nơi Intel khởi công nhà máy chip 20 tỷ USD mới. Công ty sẽ xây thêm hai nhà máy khác trị giá 20 tỷ USD tại Chandler, Arizona.
“Đây là ngành công nghiệp của chúng ta”
Theo CEO Gelsinger, công ty của ông đang làm phần việc của mình, tiếp đó là phần của người khác. Dù biết các khoản đầu tư sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, cân đối tài chính, ông vẫn quyết định thực hiện. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ để vực dậy vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ.
Ông Gelsinger quả quyết, ngay cả khi Quốc hội không thông qua các gói hỗ trợ tài chính, kế hoạch xây nhà máy mới của Intel vẫn tiến hành. “Chúng tôi sẽ đi những bước nhỏ hơn và chậm hơn nếu không được tài trợ và ngược lại”.
Ông nhấn mạnh Intel là một trong số ít các hãng công nghệ Mỹ còn sót lại có lịch sử tập trung đầu tư vào Mỹ và châu Âu. Điều quan trọng là Mỹ phải duy trì sự kiểm soát nào đó với ngành công nghiệp bán dẫn, nơi sản xuất những con chip dùng trong mọi ngành của tương lai số.
“Ngành công nghiệp này sinh ra tại Mỹ. Đây là ngành công nghiệp của chúng ta”.
Du Lam
Ictnews
Xem thêm: nhc.23502648091602202-ym-ial-ort-nad-nab-taux-nas-aud-noum-letni-oas-iv/nv.zibefac