Ngày 12-6, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và có hiệu lực từ ngày 1-7-2022. Theo đó có một số lưu ý đối với các doanh nghiệp.
Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1-7
- Về mức lương tối thiểu tháng, khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu tháng theo bốn vùng, cụ thể:
Như vậy mức lương tối thiểu tháng theo Nghị định 38/2022 tăng bình quân 6%, tương ứng tăng 180.000 - 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.
- Về mức lương tối thiểu giờ, đây là quy định mới triển khai quy định của Bộ luật Lao động 2019 về lương tối thiểu giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Mức lương tối thiểu giờ áp dụng từ ngày 1-7 như sau:
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu đối với địa bàn đó. Nếu có đơn vị, chi nhánh hoạt động tại các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào sẽ áp dụng mức lương tối thiểu đối với địa bàn đó.
- Doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên/chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu áp dụng đối với địa bàn trước khi thay đổi tên/chia tách.
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một/nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là TP trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một/nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng III.
Từ 1-7, nhiều địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng sẽ có sự thay đổi. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Thay đổi địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng
Bên cạnh việc tăng lương tối thiểu vùng, Nghị định 38/2022 còn thay đổi một số địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7 so với quy định trước đây. Do đó, doanh nghiệp cần chú ý để áp dụng đúng mức lương tối thiểu vùng mới.
Cụ thể, vùng I, bổ sung TP Thủ Đức, TP.HCM (do gộp từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức); địa bàn chuyển từ vùng II lên vùng I có TP Hạ Long (Quảng Ninh), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)
Vùng II, địa bàn chuyển từ vùng III lên vùng II có thị xã Quảng Yên, Đông Triều (Quảng Ninh); TP Hoà Bình và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình); TP Vinh, thị xã Cửa lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An); Thị xã Hòa Thành (Tây Ninh); TP Vĩnh Long và thị xã Bình Minh (Vĩnh Long); TP Bạc Liêu (Bạc Liêu).
Vùng III, địa bàn chuyển từ vùng IV lên vùng III có huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh); huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai (Nghệ An); huyện Mang Thít (Vĩnh Long); huyện Hòa Bình (Bạc Liêu).
Doanh nghiệp cần làm gì khi lương tối thiểu vùng tăng?
Khi mức lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp phải có một số điều chỉnh nhất định.
- Tăng lương cho người lao động đang nhận lương tối thiểu vùng. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Từ 1-7, khi lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp phải tăng lương cho những người lao động đang nhận lương theo lương tối thiểu vùng. Mức lương sau khi tăng không được thấp hơn mức lương quy định.
Trường hợp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 20 triệu đến 75 triệu đồng (theo quy định tại khoản 3, điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022). Doanh nghiệp còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất sẽ được tính theo mức lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm doanh nghiệp bị xử phạt.
Nếu doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng được quy định thì có thể sẽ bị phạt. Ảnh: NGUYỆT NHI |
- Có thể tăng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng. Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, hằng tháng người sử dụng lao động sẽ phải đóng BHXH, BHYT, BHYT theo các tỉ lệ nhất định phụ thuộc vào quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Thực tế nhiều doanh nghiệp đang đóng các khoản này theo mức lương tối thiểu vùng. Chính vì vậy việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7 sẽ dẫn đến việc tăng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN.
- Có thể tăng mức đóng kinh phí công đoàn. Theo Điều 5 Nghị định 191/2013, mức đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp được xác định theo công thức: Mức đóng = 2% x Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Trong đó, quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể làm tăng số tiền đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp…
Để thực hiện đúng quy định mới của Nghị định này, doanh nghiệp cần tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022 thì phải tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động).