Một tuần đầy áp lực của thị trường chứng khoán đã diễn ra khiến cho VN-Index chao đảo và giảm điểm tuần thứ 2 liên tiếp. Tính chung cả tuần thì VN-Index đã giảm 66,78 điểm (tương ứng 5,2%) so với tuần trước, còn ở mức 1.217,3 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần. Với mức giảm này, tổng giá trị vốn hóa sàn HoSE đã bay hơn 265.600 tỉ đồng (gần 11,5 tỉ USD), về còn 4,83 triệu tỉ đồng.
HNX-Index giảm 26,38 điểm (tương ứng 8,61%) xuống chỉ còn 280,06 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 6,62 điểm (khoảng 7%) xuống 87,1 điểm. Vốn hóa sàn HNX cũng sụt giảm hơn 28.900 tỉ đồng; sàn UpCOM cũng mất khoảng 77.000 tỉ đồng. Như vậy tính chung 3 sàn giao dịch, tuần qua vốn hóa bốc hơi hơn 16 tỉ USD, tương ứng trên 371.000 tỉ đồng.
Nhà đầu tư lo lắng khi chứng khoán giảm liên tục
Giá trị giao dịch bình quân trong tuần giảm nhẹ 3,5% so tuần trước, tương ứng giảm gần 19.500 tỉ đồng/phiên. Các công ty chứng khoán cho rằng tuần tới (từ ngày 20 đến 24-6) thị trường có thể đối mặt với rủi ro ở 1.170 điểm, nhà đầu tư chịu khó quan sát và hạn chế mua đuổi giá cao.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số chứng khoán dù đã đứng trên 1.200 điểm nhưng vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), dù xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index đang có nhiều cơ hội mở rộng đà hồi phục và thử thách lại ngưỡng cản gần quanh 1.240 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chốt lời từng phần vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng cản gần đối với các mã mục tiêu.
Còn Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) phân tích VN-Index vẫn giao dịch giằng co tích lũy ở mặt bằng giá mới quanh mốc 1.200 điểm trong tuần tới. Triển vọng kinh tế 2022 Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu tăng lên đối với các ngành điện, hạ tầng, khu công nghiệp và thực phẩm là những định hướng cho việc đầu tư chứng khoán trung dài hạn.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thị trường chứng khoán tuần tới nếu rủi ro có thể lùi về 1.170 điểm. Hiện tại, vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm vẫn đang trụ vững nên hy vọng về đợt phục hồi ngắn hạn vẫn còn.
Tuy nhiên, nếu VN-Index đánh mất vùng điểm số này thì rủi ro chỉ số lùi về 1.170 điểm hoặc xấu hơn là 1.130 điểm là khá cao. Nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường, hạn chế bắt đáy và chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có lực cầu tốt như điện, nước, dịch vụ thiết yếu để chờ đợi thị trường cho tín hiệu ổn định hơn rồi mới cân nhắc tới chuyện gia tăng trở lại tỷ trọng cổ phiếu so với tiền mặt.