Giá dầu thô liên tục biến động trong nửa đầu năm
Nửa đầu năm nay, giá dầu thô thế giới liên tục chịu nhiều biến động lớn, từ việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Moskva đến Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn để chống dịch.
Giá dầu đã đi lên từ cuối năm ngoái, do nhu cầu hồi phục về gần mức tiền đại dịch, trong khi nguồn cung không theo kịp. Những đồn đoán về khả năng Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cũng xuất hiện từ giữa tháng 1, càng góp phần kéo giá lên cao.
Dầu Brent khởi đầu năm ở 78 USD. Đến ngày 24/2, khi xung đột quân sự Nga - Ukraine chính thức nổ ra, giá đã tiến sát 100 USD. Thị trường sau đó bắt đầu tăng thẳng đứng, có thời điểm tăng 18% chỉ trong vài phút, lên 139 USD một thùng phiên 7/3 do thông tin Mỹ sắp cấm nhập dầu Nga. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2008.
Tình thế sau đó đảo chiều nhanh chóng. Giá dầu Brent giảm 30% chỉ trong một tuần, về dưới 100 USD ngày 16/3, nhờ kỳ vọng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng sản lượng dầu. Bên cạnh đó, nhu cầu từ Trung Quốc cũng được dự báo giảm do các lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn để ngăn Covid-19.
Thị trường sau đó liên tục lên xuống vì các thông tin Mỹ xả kho dự trữ dầu (1/4), Trung Quốc nới lỏng phong tỏa, nguồn cung từ Nga giảm hay châu Âu cấm vận dầu Nga. Từ đầu tháng, giá Brent ổn định quanh 120 USD một thùng - cao nhất kể từ năm 2012. WTI cũng xoay quanh mốc này.
Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trung bình trong quý III năm nay sẽ lên 140 USD. Còn giá trung bình trong nửa cuối năm và quý đầu năm sau là 135 USD một thùng. Nguyên nhân là dự trữ dầu toàn cầu, sản xuất của OPEC và năng lực lọc dầu hiện rất thấp.
Nguồn cung dầu thô căng thẳng
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), năm 2021, sản xuất dầu (bao gồm cả dầu thô, nhiên liệu sinh học) trên toàn thế giới đạt 95,57 triệu thùng một ngày. Trong đó, 10 nước sản xuất dầu hàng đầu đóng góp 72%. Mỹ là nước dẫn đầu với 18,88 triệu thùng một ngày (chiếm 20% toàn cầu), theo sau là Saudi Arabia và Nga.
Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2021 cho thấy nhu cầu lại lên tới 97,5 triệu thùng. Châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ là hai khu vực có lượng tiêu thụ lớn nhất, vượt trội các nơi khác.
Nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch, trong khi nguồn cung không theo kịp là lý do giá dầu bắt đầu tăng từ cuối năm ngoái. Tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. IEA hồi tháng 3 cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ diễn ra cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất nhiều thập kỷ. "Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã khiến vấn đề an ninh năng lượng quay trở lại chương trình nghị sự của các quốc gia, trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tiếp lập kỷ lục", báo cáo viết.
IEA cho biết trong tháng 4, dầu Nga bơm ra thị trường giảm 950.000 thùng mỗi ngày so với tháng 2. Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, bán ra 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm từ dầu mỗi ngày cho khách hàng trên toàn cầu.
Các nước châu Âu và Bắc Mỹ thì từ nhiều năm nay đã chuyển hướng sang năng lượng sạch. Vì thế, họ rất lưỡng lự tăng sản xuất dầu để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.
OPEC và các đồng minh (OPEC+) từ lâu cũng gặp khó khăn khi duy trì mục tiêu sản lượng, chứ chưa nói đến tăng lên, chủ yếu do vấn đề kỹ thuật và năng lực. Tháng trước, họ bơm ra thị trường ít hơn tới 2,8 triệu thùng so với mục tiêu. Vì thế, việc OPEC+ đồng ý nâng sản lượng trong tháng 7 và tháng 8 cũng không có nhiều ý nghĩa.
Các hãng dầu Mỹ lại càng không mặn mà với việc tăng khai thác dầu, bất chấp giá xăng dầu tăng mạnh và Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc sản xuất. Clifford Krauss, bình luận viên kỳ cựu về năng lượng quốc gia của New York Times lý giải các doanh nghiệp và nhà đầu tư không chắc chắn rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao đủ lâu để thu lợi nhuận từ việc khoan thêm nhiều giếng mới.
Dù vậy, IEA cho rằng thị trường thế giới sẽ tái cân bằng nhờ tăng trưởng nhu cầu chậm lại (do giá dầu cao, triển vọng kinh tế yếu) và nguồn cung tăng dần đến cuối năm nay. Hồi tháng 3, tổ chức này dự báo nguồn cung dầu toàn cầu năm nay vào khoảng 99,5 triệu thùng và nhu cầu là 99,6 triệu thùng. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất vào tháng này dự tính nguồn cung sẽ lên 99,8 triệu thùng và nhu cầu dầu toàn cầu là 99,4 triệu thùng một ngày.
Các khu vực khai thác dầu hàng đầu vẫn sẽ là châu Mỹ (23,9 triệu thùng một ngày) và nhóm OPEC+ (53,3 triệu thùng). Nhu cầu dẫn đầu vẫn là châu Á (gần 30 triệu thùng) và châu Mỹ (gần 25 triệu thùng).
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng việc Nga bị phương Tây trừng phạt cũng chưa tạo ra nhiều biến động với cung dầu toàn cầu. Nó chỉ khiến dòng chảy dầu đổi hướng.
Theo đó, thay vì vận chuyển dầu sang các nước châu Âu, Nga sẽ đẩy mạnh các chuyến hàng sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, các quốc gia đó sẽ mua ít dầu hơn từ Trung Đông, dẫn đến dầu khu vực này sẽ tăng chảy về châu Âu.
Giá xăng nhiều nơi trên thế giới tăng tốc
Giá dầu tăng kỷ lục khiến giá xăng cũng trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu. Từ Mỹ, Hàn Quốc, Nam Phi, Thái Lan,...., giá xăng liên tiếp lập đỉnh khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.
Giá trung bình tại Mỹ hiện vượt 5 USD một gallon, cao nhất đến nay. Tuy nhiên, mức giá này chỉ nằm ở khoảng giữa trên thế giới.
Theo Global Petrol Prices, nơi có giá xăng đắt nhất thế giới là Hong Kong, với hơn 11 USD một lít xăng. Đổ đầy bình xăng một chiếc xe hơi nhỏ ở đây cũng có thể tốn hơn 100 USD.
Các nước châu Âu thống trị nhóm có giá xăng cao nhất hành tinh. Phần lớn người dân các nước Tây Âu đều đang phải mua xăng với giá từ 6 USD một gallon (3,78 lít) trở lên. Các nước dẫn đầu là Iceland, Phần Lan, Hy Lạp, Đan Mạch và Na Uy.
Đông Á là nơi có giá xăng đắt đỏ thứ nhì thế giới, sau châu Âu. Giá tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan – những nước tiêu thụ dầu lớn, nhưng không sản xuất được nhiều dầu – dao động từ 1,4 đến 1,6 USD một lít.
Trong khi đó, những quốc gia thuộc nhóm sản xuất dầu lớn lại bán xăng cho người dân với giá rẻ hơn cả nước đóng chai, như Venezuela, Libya, Iran. Mỗi lít xăng ở đây chỉ có giá 0,02 – 0,05 USD.
Những nơi khác cũng có giá xăng rẻ là Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á và Nga. Tại Algeria, giá xăng chỉ vào khoảng 0,3 USD một lít. Trong khi đó, con số này tại Nga là 0,9 USD.
Các nước ghìm giá xăng như thế nào
Giá xăng tăng sẽ tác động lớn lên tâm lý người tiêu dùng. Một số nước chọn cách bình ổn thị trường bằng trợ giá, như Iran, Saudi Arabia, Malaysia,...
Ví dụ, giá xăng tại Malaysia hiện vào khoảng 13.000 đồng một lít, nhờ được Chính phủ nước này trợ giá. Nước này không đánh thuế với xăng dầu tiêu thụ nội địa, bán cho người bản địa.
Chính sách này được áp dụng từ năm 2010 cho xăng RON 95, diesel, còn xăng RON 97 không được trợ giá. Theo đó, mỗi lít xăng RON 95 tại nước này đang được Chính phủ trợ giá 1,65 RM (tương đương 0,4 USD) và dầu diesel là 1,85 RM (khoảng 0,45 USD). Nhờ các chính sách này, mỗi lít xăng RON 95 tại Malaysia khoảng 0,87 USD.
Iran cũng thuộc top quốc gia trợ giá năng lượng (dầu, than đá, điện, khí gas) nhiều nhất thế giới, theo số liệu của IEA. Năm 2020, nước này chi hơn 28 tỷ USD cho việc trợ giá năng lượng, trong đó 5 tỷ USD là cho dầu.
Trong khi đó, nhiều nước chọn cách xả kho dự trữ hoặc giảm thuế để hạ nhiệt giá nhiên liệu. Mỹ đã xả kho dự trữ dầu từ tháng 4, với tốc độ một triệu thùng mỗi ngày.
Hàn Quốc thì kéo dài thời gian giảm thuế nhiên liệu, đồng thời liên tục nâng mức giảm thuế trong vài tháng qua, từ 20% lên 30% hồi tháng 5 và lên 37% hôm 19/6.
Tại Nam Phi, chính phủ hồi tháng 5 gia hạn chính sách giảm thuế xăng dầu hiện ở mức 1,5 rand (0,1 USD) một lít cho đến đầu tháng 7. Từ tháng 6, Bộ Năng lượng nước này bỏ một khoản thuế quản lý hiện ở mức 0,1 rand một lít, áp dụng với xăng 95. Họ cũng đang đề xuất giảm giá nhiên liệu cơ bản thêm 0,03 rand một lít trong những tháng tới.
Giữa tháng 5, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thông báo gia hạn việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel thêm 2 tháng. Bên cạnh đó, từ ngày 21/5 đến 20/7, thuế tiêu thụ với dầu diesel B5 sẽ giảm 5 baht một lít, tăng so với mức cũ là 3 baht. Mức thuế trước đây là 5,99 baht một lít.
Giảm thuế cũng là cách nhiều bang ở Canada lựa chọn để ghìm giá nhiên liệu. Hồi tháng 4, chính quyền Ontario công bố kế hoạch giảm thuế xăng dầu thêm hơn 5 cent một lít trong 6 tháng cuối năm. Tháng 3, chính quyền Alberta cũng thông báo sẽ không thu thuế nhiên liệu (hiện ở mức 13 cent một lít) nếu giá dầu WTI còn trên 90 USD.
Còn tại Hà Lan, từ tháng 4, thuế nhiên liệu được giảm 17 cent một lít với xăng và 11 cent một lít với dầu diesel. Thuế VAT lên năng lượng cũng giảm từ 21% xuống 9%, bắt đầu từ tháng 7. Ở nước này, thuế chiếm 50% giá xăng và 40% giá dầu diesel.
Ngoài giảm thuế, chính phủ Thái Lan cũng đang cân nhắc hỗ trợ cho các nhóm sử dụng nhiên liệu chịu ảnh hưởng nặng nhất. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch hỗ trợ cho những người bị tăng chi phí sinh hoạt do giá nhiên liệu cao. Trong khi đó, khoản hỗ trợ một lần cho các gia đình thu nhập thấp tại Hà Lan tăng từ 200 euro lên 800 euro.
Hà Thu
Đồ họa: Tiến Thành
Xem thêm: lmth.2397744-uac-naot-uad-gnax-gnourt-iht-hnart-cub/ten.sserpxenv