vĐồng tin tức tài chính 365

Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt”: Thanh toán số - nền móng cho kinh tế số, xã hội số

2022-06-20 11:42

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày Không Tiền Mặt 2022”, ngày 17/6/2022, dưới sự chỉ đạo nội dung từ Ngân hàng nhà nước (NHNN), Báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán (NHNN), Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt”. Bí thư Trung ưng Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành: NHNN, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính. Về phía NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tham dự và phát biểu tại Hội thảo. Bên cạnh đó còn có lãnh đạo Vụ Truyền thông, Vụ Thanh toán, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, Napas, đại diện một số ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức thẻ quốc tế và một số công ty công nghệ…

C:UsersPHUONGLINHDesktopanh HT.jpg

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội thảo

Trong suốt 4 năm tổ chức, sự kiện “Ngày không tiền mặt” luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, sự hợp tác của các cơ quan báo chí, truyền thông, các ngân hàng, doanh nghiệp liên quan và sự hưởng ứng của đông đảo người dân, công chúng. Phát biểu tại Hội thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánhh giá, sự kiện này đã khẳng định được dấu ấn, tạo sức lan toả rộng, qua đó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền tới công chúng về TTKDTM, nêu bật những lợi ích, thúc đẩy và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, các phương thức TTKDTM một cách an toàn, hợp lý, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Những “bệ phóng” cho thanh toán số, chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng được xác định có mức độ sẵn sàng cao trong các ngành, lĩnh vực, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Đối với bản thân ngành ngân hàng, lĩnh vực/ hoạt động thanh toán thường được NHNN, các TCTD ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước do giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân…và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng/tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Do đó, Hội thảo năm nay được xây dựng theo chủ đề “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt”, qua đó tạo diễn đàn cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số ngân hàng/ các ngành, lĩnh vực liên quan nói chung và lan tỏa thanh toán số mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế.

C:UsersPHUONGLINHDesktopchi Hong.jpg

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM của ngành ngân hàng thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ. Từ những định hướng, chỉ đạo này, NHNN đã chủ động nghiên cứu, ban hành: (i) Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; (ii) Chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; (iii) Trình Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); (iv) Hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), qua đó cho phép người dân mở tài khoản, thẻ mà không cần đến trực tiếp ngân hàng (v) Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán như mã QR code, thẻ chíp nội địa tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán.

Thời gian qua, NHNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế như: Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách và quy định về hoạt động TTKDTM; hệ thống văn bản từ Nghị định đến Thông tư được ban hành khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển TTKDTM và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Hiện nay, NHNN đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói chung hoạt động thanh toán nói riêng.

Bên cạnh đó, các hạ tầng dùng chung như Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia liên tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để tăng khả năng liên thông kết nối, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Ngân hàng, cũng như các lĩnh vực khác trong bối cảnh mới. Ngành ngân hàng cũng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các phương án kết nối, khai thác thông tin công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân gắn chip phục vụ xác thực, làm sạch dữ liệu khách hàng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không ngừng đầu tư hạ tầng công nghệ, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm và đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh với nhiều chương trình có sức lan tỏa trong xã hội như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”…nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, qua đó góp phần thúc đẩy TTKDTM, tài chính toàn diện.

Chuyển đổi số, thanh toán số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp

Từ những nỗ lực của toàn ngành, thực tế thời gian qua hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Kết quả đó được minh chứng bởi những thông tin, số liệu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile-money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới (như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam) với chi phí hợp lý.

Đến nay, ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hoá đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…

Chung tay cho chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt quốc gia - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu bế mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhận định, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng có tác động tích cực đến mọi ngành, lĩnh vực của xã hội, nhưng để làm được chuyển đổi số thì cần sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều ngành, lĩnh vực. Ông cũng nhấn mạnh một số mục tiêu, giải pháp thời gian tới như: tháo gỡ vướng mắc về pháp lý; xử lý các món vay nhỏ lẻ trên nền tàng số; cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng; tăng cường sự kết hợp, tích hợp giữa hệ thống ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế; bên cạnh đó cần quan tâm an ninh, an toàn thanh toán; tiếp tục phối hợp các cơ quan truyền thông, bởi người dân không thể biết đến, không thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng nếu không có sự đồng hành của các cơ quan truyền thông.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá, qua 4 năm tổ chức, sáng kiến của Báo Tuổi trẻ và NHNN về sự kiện Ngày không tiền mặt đã khẳng định được vai trò là chất xúc tác, thúc đẩy quá trình tiếp cận của người dân đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, góp phần quan trọng trong công tác truyền thông thúc đẩy TTKDTM, đóng góp chung cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Phó Thống đốc hy vọng sự kiện sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ; sự phối hợp, đóng góp của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ ngày càng tiệm cận một xã hội không tiền mặt.

C:UsersPHUONGLINHDesktople-anh-dung-1655451324721789495390.jpg

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán trình bày tham luận

Trước đó, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) trình bày tham luận cho biết, NHNN cũng đã xác định một số quan điểm lớn trong chuyển đổi số của ngành. Cụ thể, NHNN luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong chuyển đổi số của ngành nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh an toàn lợi ích cho người dân. Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đặt ra 50%-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng… 

Ông Lê Anh Dũng thông tin thêm, trong 4 tháng đầu năm 2022: Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88.42% về số lượng và 139,8% về giá trị vo với cùng kỳ năm 2021. Giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán (TKTT) đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

C:UsersPHUONGLINHDesktoptoa dam.jpg

Các khách mời trong phiên thảo luận

Đồng bộ các giải pháp để ngày càng tiệm cận một xã hội không tiền mặt

Theo đó, trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt để đạt được các mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho công tác chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành Ngân hàng; NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan trong công tác xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ đáp ứng nhu cầu cung ứng các sản phẩm mới và tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, gia tăng tiện ích, trải nhiệm cho khách hàng.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 vào hoạt động ngân hàng để không ngừng cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số là làm cửa ngõ để kết nối liền mạch, thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Thúc đẩy số hoá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng còn nhiều tiềm năng phát triển như cho vay, tài trợ thương mại…

Thứ tư, triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; gắn liền công tác chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM với đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ người tiêu dùng trong cung cấp các dịch vụ ngân hàng.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dùng về sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro trên môi trường điện tử. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phù hợp với các yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Về định hướng truyền thông thời gian tới, NHNN cho biết sẽ triển khai công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao sự minh bạch hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu hoạt động thông tin của NHNN và thực hiện các cam kết quốc tế. Đối tượng mà truyền thông giáo dục tài chính hướng tới là đông đảo công chúng, trong đó có người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người yếu thế, người chưa có tài khoản ngân hàng. Nguyên tắc truyền thông là những nội dung người dân và doanh nghiệp quan tâm bằng hình thức đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ lan tỏa. Triển khai truyền thông giáo dục tài chính hiệu quả, chuyên nghiệp, sáng tạo, qua đó góp phần hình thành cộng đồng tài chính tốt, giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy TTKDTM và hiện thực hóa các mục tiêu về tài chính toàn diện.

 

“Ngày không tiền mặt” do báo Tuổi trẻ đề xuất - 16/6 - được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt” là hoạt động chính trong chuỗi sự kiện thường niên Ngày không tiền mặt 16/6 do Báo Tuổi trẻ tổ chức với sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước. Mục đích của sự kiện nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần thực hiện định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Hội thảo có hai phiên. Phiên thứ nhất về chủ đề “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, cho thấy các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày của đông đảo người dân. Hoạt động thanh toán số cơ bản đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng luôn được chú trọng, đầu tư và nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan. Trong thời gian tới, việc được khai thác, sử dụng dữ liệu gốc, liên tục được cập nhật về dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh và xác thực điện tử, Căn cước công dân gắn chip sẽ giúp ngành Ngân hàng nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động xác thực khách hàng, làm giàu dữ liệu thông tin tín dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, phù hợp với trải nghiệm vượt trội đến với người dân.

Phiên thứ hai với chủ đề “Ứng dụng thanh toán không tiền mặt trong thực tiễn”, qua bài trình bày của đại diện Tổng cục Thuế, Lãnh đạo Ngân hàng MB và phần thảo luận của các diễn giả đã cho thấy kết quả của công tác chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM không chỉ đến từ nỗ lực của ngành Ngân hàng mà còn là sự chung tay, góp sức của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong việc thúc đẩy kết nối dịch vụ, hoạt động liên thông để tạo lập hệ sinh thái số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Hệ sinh thái số sẽ đem đến trải nghiệm liền mạch, dịch vụ tiện ích, thiết thực cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ số. Đối với các dịch vụ công trên môi trường điện tử nói chung và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng còn góp phần tiết giảm chi phí hoạt động, tăng tính minh bạch, thuận tiện trong giao dịch giữa người dân và chính phủ.

Ban tổ chức công bố ra mắt microsite của Ngày không tiền mặt, tại địa chỉ:

https://ngaykhongtienmat.tuoitre.vn.

Hưởng ứng cho chuỗi sự kiện NKTM 2022, còn có giải chạy bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm sáng 19/6, Hà Nội. Hoạt động này nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người dân về các vấn đề thanh toán không tiền mặt, từ đó thay đổi rất nhiều thói quen trong phong cách sống và làm việc.

Phương Linh

Ảnh: ĐK

Xem thêm: 822505VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt”: Thanh toán số - nền móng cho kinh tế số, xã hội số”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools