Hàng loạt cơ sở lọc dầu của Trung Quốc đang ngừng hoạt động khi nền kinh tế lớn nhì thế giới vẫn vật lộn với Covid-19. Nếu được tận dụng, nguồn cung xăng và dầu diesel này có thể giúp hạ nhiệt thị trường nhiên liệu toàn cầu, theo Bloomberg.
Ngành lọc dầu thế giới đang trải qua thay đổi lớn trong vài năm qua. Các nhà máy ở châu Âu và Bắc Mỹ đang dần đóng cửa. Covid-19 càng khiến xu hướng này tăng tốc. Trong khi đó, phần lớn cơ sở mới được xây dựng tại các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Á và Trung Đông.
Ở Trung Quốc, nhiều nhà máy mới được gọi là các siêu nhà máy lọc dầu. Các cơ sở này có thể sản xuất cả xăng và sản phẩm hóa dầu. Tốc độ tăng trưởng nhanh cũng đồng nghĩa nước này có thể đã là quốc gia lọc dầu lớn nhất thế giới. Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Công nghệ thuộc Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), cuối năm 2020, năng lực lọc dầu của nước này là 17,5 triệu thùng một ngày. Con số này sẽ chạm 20 triệu năm 2025.
Với Mỹ, số liệu mới nhất của BP cho biết năng lực lọc dầu của nước này là 18,14 triệu thùng năm 2020.
Tuy nhiên, ngành lọc dầu của Trung Quốc được thiết kế chủ yếu phục vụ thị trường khổng lồ trong nước. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát lượng nhiên liệu xuất khẩu thông qua hệ thống cấp hạn ngạch, áp dụng với cả các công ty tư nhân. Và dù Bắc Kinh gần đây dần cho phép xuất khẩu nhiều hơn, họ cũng không muốn trở thành nước xuất khẩu lớn với các sản phẩm từ dầu, do đi ngược mục tiêu phi carbon hóa nền kinh tế.
"Sự vắng mặt của Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu gây ảnh hưởng rõ trong khu vực và cả trên toàn cầu", Jane Xie - nhà phân tích dầu mỏ cấp cao tại Kpler nhận định. Năng lực lọc dầu của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong 3-5 năm qua. Tuy nhiên, việc này không chuyển hóa thành tăng xuất khẩu.
Các hãng lọc dầu quốc doanh lớn của Trung Quốc, đóng góp ba phần tư sản lượng trong ngành, hiện hoạt động với 71% công suất. Tỷ lệ này ở các công ty tư nhân là 64%, CITIC Futures cho biết. Rất nhiều cơ sở tư nhân đặt tại tỉnh Sơn Đông - nơi không cho phép xuất khẩu nhiên liệu.
Kể cả trong điều kiện bình thường, Trung Quốc cũng không xuất nhiều sản phẩm từ dầu sang nước ngoài. Ví dụ năm ngoái, số liệu hải quan cho thấy họ xuất khẩu 1,21 triệu thùng một ngày với xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay. Con số này chỉ chiếm 7% năng lực lọc dầu cuối năm 2020.
Năm nay, thay vì tăng xuất khẩu khi nhu cầu trong nước giảm sút, họ lại làm điều ngược lại. Chỉ khoảng 17,5 triệu tấn nhiên liệu được cấp phép xuất đi, giảm mạnh so với 29,5 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Tại Singapore, lợi nhuận thì từ lọc dầu thô thành diesel đã tăng lên 60 USD một thùng, từ 10 USD đầu năm ngoái. Theo hãng tư vấn OilChem, con số này tương đương các hãng lọc dầu Trung Quốc đang bỏ lỡ khoản lãi 372 USD một tấn.
Việc Bắc Kinh không sẵn sàng tăng sản lượng đang tác động đến mọi nơi trên thế giới, từ người tiêu dùng Mỹ đến các nhà máy ở châu Âu. Tuy nhiên, chịu thiệt hại lớn nhất là các nước láng giềng tại châu Á của Trung Quốc, như Sri Lanka hay Pakistan - những nơi đang thiếu nhiên liệu trầm trọng, kéo tụt nền kinh tế nội địa.
Hà Thu (theo Bloomberg)