Ngày 20/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm các hồ tại thành phố Hà Nội.
Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm trong vụ án gồm 3 người, do Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chánh Tòa Kinh tế - Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội làm chủ tọa phiên tòa. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 20/6 - 22/6/2022.
Theo đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là không đúng, nên bị cáo đã có đơn kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa, ông Chung đưa ra nhiều căn cứ cho rằng Công ty Thoát nước Hà Nội đã thực hiện việc mua chế phẩm Redoxy 3C để làm sạch sông hồ trên địa bàn Thủ đô đúng quy định pháp luật, không gây thiệt hại ngân sách.
Theo ông Chung, 4 quyết định đặt hàng của Công ty Thoát nước về việc cung ứng dịch vụ xử lý ô nhiễm nước hồ, duy trì chất lượng nước cho UBND thành phố Hà Nội được ký có tổng số tiền hơn 308 tỉ, với 9 huyện là hơn 3 tỉ. Trong khi đó, tổng số tiền mua Redoxy-3C là hơn 167 tỉ. “Lấy số tiền dự toán trừ đi số tiền đã mua chế phẩm thì Công ty Thoát nước còn lại khoản lợi nhuận hơn 144 tỉ đồng”, ông Chung nêu.
Ông Chung khẳng định toàn bộ số tiền lợi nhuận này vào Công ty Thoát nước vẫn là công ty 100% vốn sở hữu của thành phố nên không có chuyện thất thoát tài sản.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Arktic) kháng cáo cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù là quá nặng. Do đó, bị cáo Giang đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Trường Giang khẳng định: Chỉ làm công ăn lương, không phải là người đứng đầu Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic vì không được tự ý quyết định những vấn đề lớn của công ty; trong chuyến công tác tại Cộng hòa liên bang Đức, bị cáo Giang tham gia đoàn công tác với vai trò giúp đoàn về phiên dịch ngôn ngữ vì bị cáo học tập và công tác tại Đức được 7 năm nên biết tiếng của nước sở tại.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Giang cũng bổ sung một số chi tiết để mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, giảm nhẹ mức án cho bị cáo, không kê biên ngôi nhà mà vợ con bị cáo đang ở (vì theo bị cáo ngôi nhà này do hai vợ chồng tự tay xây dựng và không liên quan tới bản án).
Còn bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội) kháng cáo cho rằng, mức án 4 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo là quá nặng.
Ngoài ra, bị cáo Hùng cũng kháng cáo về số tiền mà Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường là quá nhiều. Trong đơn kháng cáo, bị cáo Hùng đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội giảm nhẹ hình phạt và giảm tiền bồi thường cho mình.
Tuy nhiên, sau đó bị cáo Hùng đã rút toàn bộ kháng cáo của mình nhưng vẫn đề xuất với HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án do bị cáo có mắc bệnh, đang phải điều trị tại bệnh xá của cơ sở giam giữ nên HĐXX phúc thẩm Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đình chỉ xét xử đối với bị cáo này.