Khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch ngày 20/6, nhóm ngân hàng và chứng khoán ghi nhận sự hồi phục của nhiều cổ phiếu từ đó giúp nâng đỡ các chỉ số. Trong đó, SHB, HCM, TPB, VCB đều ghi nhận tăng điểm... Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn cũng đóng vai trò nâng đỡ các chỉ số như VNM, VJC, GVR, FPT...
Đây cũng chính là thời điểm duy nhất của phiên giao dịch VN-Index ghi nhận tăng điểm bởi sau đó, áp lực trên thị trường phiên đầu tuần xuất hiện đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí, kéo theo cả phiên giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Dẫn đầu nhóm giảm là cổ phiếu dầu khí. Trước sự điều chỉnh của giá dầu thế giới các mã như PVD, PVS, GAS, PLX... đồng loạt giảm sâu. Đà giảm của nhóm này nhanh chóng lây sang các nhóm ngành khác. Nhóm cổ phiếu đầu phiên sáng tăng điểm thì chỉ 15 phút sau đã nhanh chóng đảo chiều và diễn biến tiêu cực suốt cả phiên giao dịch.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 36,9 điểm, tương ứng 3,03% xuống 1.180,4 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 407 mã giảm, trong đó 139 mã giảm sàn và 36 mã đứng giá. HNX-Index giảm 12,14 điểm, tương ứng 4,33% xuống 267,92 điểm. Toàn sàn có 39 mã tăng, 178 mã giảm, trong đó 54 mã giảm sàn và 23 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,66 điểm, tương ứng 1,91% xuống 85,44 điểm.
Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng giảm tới 32 điểm. Có 27 mã đỏ lửa, trong đó 5 mã giảm sàn là GAS, HPG, POW, SSI, STB. Trong số đó, GAS giảm còn 124.700 đồng/cổ phiếu và HPG giảm còn 21.600 đồng/cổ phiếu, cùng nằm trong danh sách những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung.
Phần lớn cổ phiếu giảm sàn tập trung ở nhóm chứng khoán như SSI, VND, HCM, VCI, MBS, VDS, APS... Đây cũng là nhóm ngành nhiều khả năng có kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm bị ảnh hưởng nặng bởi diễn biến tiêu cực của thị trường. Nhóm cổ phiếu này đã giảm tới 40% từ tháng 4 đến nay.
Hầu hết cổ phiếu vốn hoá nhỏ và có tính đầu cơ như TDH, HQC, QCG, LDG cũng bị bán quyết liệt tại giá sàn và không có bên mua. 5/5 mã thuộc "họ FLC" giảm sàn. Các cổ phiếu liên quan đến nhóm Nhựa Đồng Nai cũng diễn biến tương tự.
Không chỉ có mã đại diện là HPG, cổ phiếu thép vẫn nằm sàn la liệt. HSG của Hoa Sen ghi nhận chuỗi 7 phiên giảm sâu liên tục, trong đó 5 phiên sàn. Các mã còn lại như NKG, SMC, TLH… cũng nối dài chuỗi ngày giảm điểm.
Các mã dầu khí cũng diễn biến xấu. PVC, PVS, PVD, PVT, PXT, PXS... đều giảm hết biên độ cho phép. Cổ phiếu sản xuất điện như POW, NT2, KHP, REE, BCG, PC1... cũng đảo chiều từ sắc xanh sang giảm kịch sàn.
Hàng chục mã thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng giảm hết biên độ, tiêu biểu có thể kể đến như NLG, DIG, CEO, DXG, CII, HQC, QCG, VCG, CTD, C4G, FCN... Tại nhóm bán lẻ, diễn biến cũng không khả quan khi biên độ giảm sâu, trong khoảng từ 3-4%.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm tác động tiêu cực nhất tới chỉ số chung. Không chỉ có có STB giảm sàn, BID cũng giảm 6,6%, TCB giảm 4,3%, nhiều mã khác đều kết phiên ở dưới mức tham chiếu như ABB, ACB, CTG, HDB, MBB, MSB, NAB… Cổ phiếu phân bón có DCM, BFC, NFC cũng kết phiên tại mức giá sàn, trắng bên mua.
Điểm sáng của thị trường không quá nhiều, ở nhóm đầu cơ TGG, BII, VKC tăng trần. Top cổ phiếu vốn hóa lớn có VNM của Vinamilk tăng giá 3,4% lên 69.000 đồng/cổ phiếu và VJC của Vietjet có thêm 1,7%. Đây cũng là 2 mã có đóng góp tích cực nhất đến chỉ số chung. Hay như một vài mã thuộc nhóm xuất khẩu, thủy sản cũng tăng tích cực, vượt lên trên tham chiếu, ngược dòng thị trường như ACL, IDI, VHC, MPC, FMC…
Sau 2 phiên mua vào liên tiếp cuối tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài quay lại xả hàng quyết liệt phiên ngày 20/6. Khối ngoại hôm nay bán ra gần 2.000 tỷ đồng, trong khi chỉ giải ngân khoảng 1.350 tỷ đồng. HPG bị bán mạnh gần 250 tỷ đồng, MWG bị bán 192 tỷ đồng, VND bị bán 145 tỷ đồng, DCM bị bán 43 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên thứ Sáu tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.071 tỷ đồng, giảm 4%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 5,8% xuống còn 14.734 tỷ đồng. Nhóm VN30 được sang tay gần 6.000 tỷ đồng.