Shark Tank mùa 5 tập 3 có sự xuất hiện của Phan Trung Kiên, Nhà sáng lập thương hiệu Trứng gà cà gai leo Sadu. Anh đến kêu gọi số tiền đầu tư là 10 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Chia sẻ cụ thể về sản phẩm, anh cho biết trong mô hình này, gà sẽ ăn cà gai leo - một loại cây dược liệu có tác dụng tốt cho gan, đồng thời được ở trong môi trường mát, được nghe nhạc, ngủ trưa... Những con yếu hơn sẽ bị loại chứ không dùng thuốc kháng sinh để chữa.
"Chúng em đã tạo ra quả trứng rất thơm, không tanh, trong quả trứng không hề tồn tại kháng sinh. Khi mang đi test, hàm lượng cholesterol trong trứng rất thấp, chỉ có 125,5mg/100gram trứng, hàm lượng cholesterol thấp nhất thế giới", startup giải thích rõ hơn về tính ưu việt của sản phẩm.
Vốn là sinh viên trường Đại học Nông Nghiệp 1, Trung Kiên cho biết mình luôn mong muốn tạo dựng một thương hiệu thực phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt. Khi làm việc với chuyên gia đến từ Nhật Bản, anh biết được ở đất nước của họ có một loại trứng nuôi bằng thảo dược và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên ở Nhật Bản, dược liệu không nhiều và phong phú như Việt Nam, nên quả trứng có giá rất cao, chỉ những người giàu, giới thượng lưu mới sử dụng được.
Trong khi đó, giá trứng gà Sadu đang bán chỉ 8.291 đồng/quả, một hộp 12 quả là 99.500 đồng
Về quy mô chuồng trại, Sadu không chủ động xây trại mà đi thuê 4 trại gà tại Chương Mỹ (Hà Nội), mỗi trại có diện tích khoảng 1.500m2, nuôi được 20.000 con gà.
Startup đã phần nào có được chỗ đứng khi bán gần 2 triệu quả trứng trong vòng hơn nửa năm. Trung Kiên tiết lộ nhiều khách hàng sau khi dùng sản phẩm đã phản hồi rằng không thể ăn được trứng gà công nghiệp nữa.
3/5 Shark rời bể, chỉ còn 2 người ở lại
Tuy đến chương trình với ý định ban đầu là về đội Shark Phú, nhưng Sadu không được lòng "cá mập" của Sunhouse. Vấn đề khiến Shark Phú, cũng như nhiều Shark khác lăn tăn chính là làm sao để phân biệt trứng gà thường và trứng gà dược liệu. Giả sử các điểm bán cố tình trộn lẫn sản phẩm thì người tiêu dùng không thể phát hiện ra được.
Shark Phú phân tích: "Chúng ta kinh doanh, chúng ta phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng là nhận được trứng gà sạch. Đấy là then chốt. Mà để đảm bảo được thì có 2 ý, một là người tạo ra quả trứng ấy phải cam kết và trung thực, em cam kết anh tin rồi. Nhưng người phân phối của em có trung thực hay không? Mà em lại không kiểm soát được họ. Nếu chỉ cần vài người làm điều đó, khách hàng họ mắc một lần thì họ sẽ không quan tâm ai bán mà họ quan tâm thương hiệu này".
"Vì em không giải quyết được bài toán đó cho người dùng nên anh sẽ không đầu tư, kể cả cho không anh cũng không lấy", Shark Phú thẳng thắn.
Shark Hùng Anh nhìn nhận sản phẩm này là thị trường ngách và lại không phải thế mạnh của mình nên cũng nhanh chóng rút lui.
Shark Bình ví von quả trứng "premium" của Sadu chẳng khác gì một cái túi hàng hiệu, định vị mình ở phân khúc premium – cao cấp, marketing cũng phải cao cấp và đồng thời nơi bán cũng phải premium. Nhưng để đồng bộ đến mức như vậy thì chi phí vận hành doanh nghiệp sẽ lên rất cao. Chưa kể đây cũng không phải là lĩnh vực nghiêng về công nghệ nên Shark Bình nhanh chóng ra quyết định giống hai bạn cùng bể.
Trong khi đó, Shark Hưng và Shark Liên đều bày tỏ hứng thú với mô hình nông nghiệp cao cấp theo kiểu của Sadu.
Shark Hưng cho biết mình cũng làm về trà Hacoocha, một loại trà cổ 500-700 năm và còn đầu tư vào giống bò Wagyu nuôi tại Ba Vì, đặt tên là Cobavi. Cá mập của Cengroup cũng gặp phải vấn đề như các Shark đã đặt ra, đó là làm thế nào để phân biệt được sản phẩm cao cấp của mình với các sản phẩm khác. Vậy nên, theo Shark Hưng, với những sản phẩm đặc thù này, startup không thể bán theo cách thông thường, cũng không cạnh tranh với những sản phẩm thông thường mà chỉ hướng tới 1% khách hàng là đủ. Shark Hưng đề nghị 10 tỷ đồng cho 36% cổ phần,
Về phần mình, Shark Liên tiết lộ bà định dùng "vé vàng" Golden Ticket để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Tuy nhiên khi startup thừa nhận tư duy của mình có phần khá giống với Shark Hưng, "cá mập bà ngoại" đã rút lui và không "chiến đấu" tiếp nữa.
Cuộc thương thuyết cuối cùng chỉ diễn ra giữa Shark Hưng và nhà sáng lập Trung Kiên. Nhận thấy Shark Hưng thật sự hứng thú với mô hình này, Trung Kiên cho biết dù Shark đòi 50% cổ phần anh cũng sẵn sàng "chơi". Sau cùng, thương vụ chốt ở mức Shark Hưng đầu tư 10 tỷ đồng cho 36% cổ phần.
Nhật Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế